Tu bổ ngôi chùa lưu giữ bảo vật Cửu phẩm Liên hoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cửu phẩm Liên hoa của chùa Giám được nhiều người biết đến không chỉ là một cối kinh Phật mà còn được coi là một tác phẩm nghệ thuật, là một trong ba kiệt tác của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền Việt Nam còn lưu giữ đến ngày nay. Trải qua bao năm tháng bào mòn của thời gian, chùa Giám đã xuống cấp trầm trọng nên phải hạ giải và tu bổ.
Chùa Giám, ngôi chùa lưu giữ bảo vật quốc gia Cửu phẩm Liên hoa. (Nguồn: Thùy Dương)
Chùa Giám, ngôi chùa lưu giữ bảo vật quốc gia Cửu phẩm Liên hoa. (Nguồn: Thùy Dương)

Kiệt tác của cha ông

Chùa Giám có tên chữ là Nghiêm Quang Tự, tọa lạc tại xã Định Sơn (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 thời Lý. Chùa tọa lạc trên khoảng đất rộng 2ha, được xây dựng lại với quy mô kiến trúc to đẹp.

Ngôi chùa có kiến trúc kiểu “nội công, ngoại quốc” với đầy đủ các công trình như: Tam quan, Tiền đường, Tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà tháp Cửu phẩm, nhà khách, nhà Tăng, vườn cây, Pháp sư, nghè Giám… Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục, tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa.

Đây là công trình được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1974. Năm 2017, chùa Giám, đền Xưa và đền Bia được Thủ tướng ra quyết định xếp hạng là Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt. Điểm đặc sắc nhất của chùa Giám là tòa Cửu phẩm Liên hoa được đặt trong nhà Phẩm. Năm 2015, tòa Cửu phẩm Liên hoa của chùa được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Cửu phẩm Liên hoa là tòa tháp hình lục giác đều. Tòa tháp cao 6,52m. Trong đó, thân tháp cao 5,32m; tượng A di đà trên đỉnh cao 1,2m. Phần đế tòa Cửu phẩm đặt trên nền nhà Phẩm, đỉnh trên cùng của tòa Cửu phẩm gần chạm đến đỉnh tầng mái thứ 3 tạo thành một không gian thông từ trên xuống dưới.

Để tạo dựng kiệt tác này, các nghệ nhân xưa đã đặt tâm của cây Cửu phẩm là cột trụ chất liệu gỗ lim lên trên cối quay, cối quay này có chất liệu kim loại có chiều cao khoảng 40cm. Phía dưới cùng của cối quay có lắp hệ thống vòng bi. Từ cây cột trụ chính ở lòng tháp dóng ra những đòn ngang có tay đỡ ván các tầng cửu phẩm gồm tòa sen 6 cạnh.

Liên kết cột trụ giữa với 6 trụ, bằng một hệ thống xà gánh đan chéo hình múi khế; xà ngang chia tháp thành 9 tầng hoa sen. Mỗi tầng chạm 5 lớp cánh sen. Chi tiết các lớp cánh sen trên mỗi tầng đều giống nhau. Đồng thời, khoảng cách giữa các tầng rất nhỏ nên khi đứng dưới nhìn lên, chúng ta có cảm giác như lớp lớp cánh sen chồng lên nhau, nối tiếp mãi mãi.

Trên đỉnh tháp là tượng A di đà ngồi trên tòa sen, chất liệu gỗ, có chiều cao 120cm, tay trái đặt trên tay phải chân ngồi xếp bằng tròn kiểu kiết già. Tổng cộng cả to lẫn nhỏ toàn bộ cây Cửu phẩm Liên hoa của chùa Giám có 145 pho tượng Phật.

Do lối thiết kế có cột trụ, dưới có vòng bi, nên cây Cửu phẩm Liên hoa tuy có trọng lượng trên 4 tấn, nhưng chỉ cần hai người dùng tay đẩy nhẹ cả tòa tháp có thể từ từ quay vòng tròn một cách dễ dàng.

Màu sắc của toàn bộ cây Cửu phẩm và các pho tượng chủ đạo là các màu sáng như màu trắng trên nền đỏ trai của sơn ta. Chúng được cộng sắc với màu vàng kim loại trang trí trên đầu các cánh sen để tạo ra vẻ rực rỡ và sức lan tỏa ánh sáng.

Theo quan niệm của Phật giáo, cứ quay một vòng tháp Cửu phẩm Liên Hoa thì lời trì tụng sẽ được nhân lên thành hàng triệu lần, như vậy người niệm mau đạt tới chính quả.

Tòa Cửu phẩm Liên hoa không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa đã trở thành điểm nhấn của chùa Giám cổ kính, gợi lên bao suy ngẫm về lẽ “sắc sắc không không” của kiếp nhân sinh.

Tu bổ giữ nguyên giá trị gốc

Trải qua bao năm tháng hao mòn của thời gian, chùa Giám đã xuống cấp trầm trọng. Trên mái chùa, những hàng ngói mũi hài cổ đã bị xô lệch, vỡ, xập xệ. Hoành, dui mè, xối góc, tầu đều đã mục nát gây nguy hiểm. Hành lang chùa cũng trong tình trạng bị xô dột, mối mọt, các bức tượng La Hán nứt, hỏng nhiều chi tiết như chân tay, tai, đầu... Tường của các tòa tiền đường, nhà tổ, nhà phẩm đều bị bong tróc. Đặc biệt, tòa cửu phẩm không còn quay được. Nhà Cửu phẩm - nơi lưu giữ bảo vật quốc gia - tòa Cửu phẩm Liên hoa đang buộc phải chống đỡ bằng những cột sắt để chống sập. Vì mức độ nguy hiểm, gần đây, Ban Quản lý di tích không dám cho Nhân dân vào để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc độc đáo này.

Tòa Cửu phẩm Liên hoa được tiến hành hạ giải, tu bổ. (Nguồn: Thùy Dương)

Tòa Cửu phẩm Liên hoa được tiến hành hạ giải, tu bổ. (Nguồn: Thùy Dương)

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: “Qua nửa thế kỷ sau đợt trùng tu vào năm 1974, chùa Giám đã bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu công trình, không còn đủ an toàn trong quá trình sử dụng trong các hoạt động tôn giáo, nên buộc phải hạ giải, trùng tu”.

Dự án tu bổ - tôn tạo di tích chùa Giám do UBND huyện Cẩm Giàng làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng và Tu bổ công trình văn hóa Hải Dương lập dự án, thi công. Tổng mức đầu tư của dự án trên 31 tỷ đồng. Đơn vị thi công sẽ tu bổ, tôn tạo 16 hạng mục: Nhà Tam bảo, nhà và Cửu phẩm, nhà tổ, tả - hữu hành lang, nhà tăng cư, nghè Giám, tam quan, nghi môn...

Hiện, toàn bộ ngôi chùa đã được hạ giải, để thuận lợi cho việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích, đơn vị thi công đã cho lắp đặt hệ thống mái che. Dự kiến năm 2025, việc trùng tu, tôn tạo tu bổ Bảo vật Quốc gia - Cửu phẩm Liên hoa, chùa Giám sẽ hoàn thành.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương lưu ý việc tu bổ, tôn tạo di tích phải giữ nguyên giá trị gốc, không làm biến dạng công trình, không phá vỡ cảnh quan khu vực xung quanh và thực hiện đúng trình tự của Luật Di sản văn hóa. Việc tu bổ di tích phải hết sức thận trọng vì nếu không cẩn thận thì trùng tu di tích sẽ thành phá di tích, nhất đây lại là ngôi chùa cổ, có lịch sử lâu đời.

Do toàn bộ ngôi chùa đã hạ giải để thực hiện dự án tu bổ - tôn tạo nên năm nay tại chùa Giám không diễn ra lễ hội truyền thống. Đây không phải lần đầu tiên chùa Giám không tổ chức lễ hội truyền thống. Sau tròn 50 năm được di chuyển từ nơi khác về vị trí hiện tại, đã có 10 năm lễ hội truyền thống không diễn ra do trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, dịch bệnh... Năm 2023, Lễ hội truyền thống chùa Giám lần thứ 40 được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 14 - 16/2 âm lịch).