Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia chùa Đọi Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, (chùa Long Đọi Sơn), tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn); bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn thành nơi giới thiệu, tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian gắn với các thiết chế văn hóa làng xã, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa hấp dẫn, kết nối với các điểm di tích, điểm du lịch khác, tạo thành chuỗi dịch vụ văn hóa, mô hình du lịch phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam.

Quy hoạch cũng được coi là căn cứ pháp lý cho việc quản lý và triển khai các dự án thành phần về đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo quản, tu bổ phục hồi di tích theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng quy định và giải pháp quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu vực di tích.

Chùa Long Đọi Sơn đang lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ thời Lý

Chùa Long Đọi Sơn đang lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ thời Lý

Việc lập quy hoạch cũng sẽ xác lập hoàn chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị di tích làm cơ sở cắm mốc giới, phân khu chức năng và cơ cấu, chỉ tiêu sử dụng đất (các khu di tích, khu dân cư, khu bảo vệ môi trường sinh thái...). Định hướng tổ chức không gian, bố trí hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 82,4 ha gồm: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn) với khoanh vùng Khu vực bảo vệ I có diện tích 3,18 ha, Khu vực bảo vệ II có diện tích 11,37 ha; khu vực mở rộng và khu vực chuyển tiếp có diện tích là 67,85 ha.

Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm diện tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (chùa Long Đọi Sơn), không gian cảnh quan, môi trường sinh thái xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hiện vật khảo cổ, lễ hội gắn với di tích; các yếu tố về sinh thái, địa hình, địa thế, kinh tế - xã hội, đô thị, dân cư trong khu vực nghiên cứu; các thể chế chính sách liên quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông kết nối trong khu vực quy hoạch; tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích…

Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới…

Quần thể di tích chùa Long Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên là một trong số những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Hà Nam và trấn Sơn Nam xưa. Không những có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, ngôi chùa còn là kho sử liệu quý giá với tấm bia Sùng Thiện Diên Linh là bảo vật quốc gia.

Quần thể di tích Long Đọi Sơn hiện nay có kiến trúc khang trang, với khuôn viên xây dựng rộng tới 10.000m2. Từ dưới chân núi, qua 373 bậc thang bằng đá xẻ, đá phiến, có bóng cây che mát chưa bước chân du khách lên chùa Đọi.Tương truyền, dưới thời Lý chùa mang tên là Long Đội Sơn, đến thời Hậu Lê đổi tên là Đọi Sơn. Nhân dân quanh vùng truyền rằng cái tên Đọi Sơn là do núi trông giống hình dạng cái bát úp (“bát” trong tiếng cổ có nghĩa là Đọi).

Nơi đây còn gắn liền với Lễ hội Tịch điền - Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, thường được tổ chức từ ngày mùng 5 - mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Trải qua 15 năm tổ chức, giá trị văn hóa cốt lõi của Lễ hội Tịch điền vẫn đang trường tồn, sống mãi với thời gian; nông thôn đã đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, an sinh xã hội đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...