Văn hóa & Pháp luật

Từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 tới công nghiệp văn hóa trong Chiến lược văn hóa đến năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình vận động, phát triển của nền văn hóa mới.
Trải qua 8 thập kỷ, nền văn hóa hiện nay đã tiếp cận đông đảo quần chúng nhân dân, phục vụ nhân dân, do nhân dân sáng tạo. (Ảnh minh họa)
Trải qua 8 thập kỷ, nền văn hóa hiện nay đã tiếp cận đông đảo quần chúng nhân dân, phục vụ nhân dân, do nhân dân sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Đề cương đã tạo những tiền đề cơ bản cho sự gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn hiện tại, góp phần hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam “sánh vai” với các cường quốc văn hóa trên thế giới.

Ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa mới

Bối cảnh ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là một thời kỳ tràn đầy biến động khi tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội ở nước ta rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc. Trong lúc này, Đảng ta nhận định, cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hóa tiến bộ, văn hóa cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Với ý nghĩa như vậy, Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 đã thể hiện và bao hàm các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc.

Một trong những nội dung cơ bản của Đề cương, “ba nguyên tắc vận động”: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa”, đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới. Trong đó, “dân tộc hoá” là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập; “đại chúng hóa” là chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng; “khoa học hóa” là chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ. Đảng cũng xác định “muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm…”.

Tựu trung lại, “ba nguyên tắc vận động” của cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam không chỉ làm cho văn hoá trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển toàn diện nền văn hóa mới Việt Nam trên cơ sở khoa học; mà còn đưa văn hoá tiếp cận với đông đảo quần chúng nhân dân, phục vụ nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, viết, thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên đã kịp thời đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Đến ngày nay, dân tộc, khoa học, đại chúng đều đã trở thành những tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, do nhân dân sáng tạo với khát vọng hướng tới sự chân – thiện – mỹ, đồng thời hướng đến sự tiến bộ, văn minh.

Sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa

Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới. Trong đó, việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động, tạo điều kiện cho sự nghiệp xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Ở Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa đã sớm được đề cập tại các phiên họp cấp cao nhất của quốc gia. Năm 2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó nêu mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Vấn đề này cũng tiếp tục được đề cập tại Đại hội lần thứ XII của Đảng về nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa.

Minh chứng điển hình nhất cho nỗ lực hiện thực hoá các mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TW là “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2016. Chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa khai thác và chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn. Theo thống kê, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP, tương đương khoảng 8,081 tỷ USD vào năm 2018.

Ngoài ra, chiến lược cũng nêu quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, định hướng tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng trong 12 ngành công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây là định hướng rất quan trọng để triển khai đầu tư văn hóa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cùng với xu hướng phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sự đa dạng văn hóa từ các dân tộc Việt Nam chính là tiềm năng sáng tạo to lớn để phát triển công nghiệp văn hoá. (Ảnh minh họa)

Sự đa dạng văn hóa từ các dân tộc Việt Nam chính là tiềm năng sáng tạo to lớn để phát triển công nghiệp văn hoá. (Ảnh minh họa)

Khát vọng “sánh vai” với các cường quốc văn hóa

Thực tế, ở nước ta đã hình thành một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa hoạt động hiệu quả như: điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ... Song song với thị trường trong nước, thị phần xuất khẩu hàng hóa văn hóa của Việt Nam ra thế giới cũng đạt kết quả tốt với nhiều sản phẩm có chất lượng.

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn đang còn rất hạn chế. Theo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam chưa có nhiều tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Đơn cử, ở lĩnh vực điện ảnh, số lượng phim đặt hàng của Nhà nước có thể ra rạp rất ít và hầu như chỉ chiếu trong các dịp kỷ niệm với số lượng khán giả hạn chế. Trong lĩnh vực âm nhạc, số lượng sản phẩm ghi được dấu ấn khi khai thác các chất liệu của văn hóa dân gian vừa thiếu vừa yếu, không ít sản phẩm mang hơi hướng “nửa mùa, lai căng, phản văn hóa”. Hiện trạng của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn còn thiếu các sản phẩm văn hóa đại chúng có sức thu hút với người dân trong nước, và xa hơn là khán giả toàn cầu, mặc dù tiềm năng về sức sáng tạo, nguồn lực rất lớn. Thực tế đó đã dẫn tới việc Việt Nam đã và đang phải nhập siêu về văn hóa từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Âu Mỹ...

Trong bối cảnh này, có thể thấy Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục “soi đường” cho công cuộc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp chung của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển kinh tế - chính trị - xã hội. Cụ thể, “ba nguyên tắc vận động” là “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” vẫn là lời giải đáp ứng với những thách thức, yêu cầu của thời đại.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Theo đó, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội…”. Tiếp theo đó, trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021, đặt ra 04 mục tiêu quan trọng, trong đó nêu rõ “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế”.

Mặc dù Việt Nam tiếp cận với lĩnh vực công nghiệp văn hóa muộn hơn so với thế giới và các quốc gia khác trong khu vực, nhưng Đảng và Nhà nước luôn xác định được tầm quan trọng và có sự quan tâm đầu tư về văn hóa trong tiến trình phát triển đất nước với quan điểm chỉ đạo rõ ràng, cụ thể. Đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho đời sống tinh thần của một xã hội, trong đó con người sẽ là trọng tâm. Bởi vậy, việc phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam chính là một yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi một chiến lược lâu dài và phải chấp nhận đối mặt với những thách thức của toàn cầu hóa văn hóa. Để có khả năng cạnh tranh, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không những phải đa dạng, hấp dẫn, mang bản sắc văn hóa riêng mà còn cần tương thích với những giá trị chung của toàn cầu.