Tư duy mới trong nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững”; một số vấn đề được đặt ra và giải đáp tuy không hoàn toàn mới, nhưng cho thấy chúng ta đã có những tư duy rất khác trong nông nghiệp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị, một nông dân đến từ Tây Nguyên đặt câu hỏi, thực hiện chủ trương chuyển từ tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị; thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi này?

Câu trả lời của lãnh đạo Bộ NN&PTNT mang tính gợi mở thú vị, khi lãnh đạo Bộ khẳng định “chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì một hộ không làm được vì quy mô rất nhỏ”, “Nếu người nông dân không có năng lực, không cùng với nhau ngồi vào một bàn tròn kinh tế tập thể thì rất khó”.

Quy mô càng nhỏ chi phí càng lớn. Chúng ta không thể cạnh tranh được nếu không liên kết những mảnh đất nhỏ, những mảnh vườn nhỏ thành đại điền lớn. Tư duy mới phải là bà con sản xuất. DN đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.

Tham gia trả lời câu hỏi, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng có góc nhìn thú vị không kém, đó là mục tiêu cuối cùng làm sao cho người nông dân luôn nở nụ cười trên môi, có thu nhập ổn định, thậm chí thu nhập cao trên mảnh đất của mình.

“Chúng ta chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là như vậy, tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa về mặt sản lượng. Đạt giá trị cao nhất trên một diện tích sản xuất mới là mục tiêu cuối cùng. Muốn làm được điều đó chúng ta phải dựa trên công nghệ cao, nhưng không phải công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng, công nghệ cao chỉ là công cụ phương tiện. Làm sao chúng ta không cần sản xuất quá nhiều, không làm hỏng môi trường, không hủy hoại đất đai, không tốn sức lao động, không nhiều vốn liếng, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích phải cao. Cái quan trọng nhất là chúng ta sản xuất bán được ở đâu, người nông dân thu nhập được bao nhiêu trên đơn vị diện tích đấy”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nhận định ngành Nông nghiệp đang định hướng rất đúng và trúng, nhưng phải mạnh mẽ hơn.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra số liệu giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp tăng cao, ước đạt 3,83% trong 2023, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Nông nghiệp xuất khẩu 53 tỷ USD, có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều ngành như gỗ, thủy sản đã xoay chuyển tình thế khó khăn. “Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành Nông nghiệp, của nông dân Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định. Có được những kết quả trên, không chỉ là nhờ vào sự cần cù của những người nông dân Việt Nam, mà còn có sự đóng góp không nhỏ từ việc chúng ta đã thay đổi tư duy từ sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp.

Đọc thêm