Tự hào 30 phát minh tiêu biểu của Việt Nam trước thế kỉ XX

(PLVN) - Cuốn sách “Kì công diệu nghệ - một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX” mang đến góc nhìn khái quát về 30 phát minh của người Việt xưa, với hi vọng khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc của bạn đọc trẻ hôm nay.
Theo tác giả, cuốn sách khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc bằng cách tôn vinh sự sáng tạo và tay nghề tinh xảo của cha ông ta (Ảnh: B.C).

Chiều 24/5/2025 tại Hà Nội, NXB Kim Đồng cho ra mắt ấn phẩm đặc biệt mang tên “Kì công diệu nghệ - một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX”.

"Sách được chia thành 5 phần, lần lượt đi sâu vào các lĩnh vực then chốt từng gắn bó mật thiết với đời sống người Việt cổ: sản xuất, xây dựng, hàng hải, đời sống dân sinh và quân sự. Mỗi phần đều được khảo cứu từ các văn bản và thư tịch cổ, có chú thích rõ ràng giúp bạn đọc tra cứu và kiểm chứng thông tin dễ dàng", tác giả Đông Nguyễn cho biết.

Lật lại chính sử với góc nhìn trẻ trung, cuốn sách mở ra một thế giới bất ngờ về năng lực phát minh và tiếp biến tri thức kỹ thuật của người Việt xưa. Đó không chỉ là hành trình “biết tiếp nhận” mà còn là tinh thần “làm chủ” và “sáng tạo” công nghệ, từ những ảnh hưởng bên ngoài lẫn sáng chế nội sinh.

Tác giả Đông Nguyễn chia sẻ thêm: "Một trong những phát kiến độc đáo được nhắc tới trong cuốn sách là thuyền đáy đan nan bằng tre - kiểu kết cấu thuyền được cho là không xuất hiện ở Trung Hoa hay các nước Đông Nam Á khác. Giữa thế kỷ XX, hải quân Hoa Kỳ từng ghi nhận các mẫu thuyền dài 12–15 mét với đáy làm từ nan tre ghép lại, có khả năng chịu tải lớn, nhẹ, rẻ và ít bị sinh vật biển phá hoại. Đây là minh chứng sinh động cho tư duy sáng tạo thích nghi với điều kiện tự nhiên và kinh tế".

Lật lại chính sử với góc nhìn trẻ trung, cuốn sách “Kì công diệu nghệ - Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX” mở ra một thế giới bất ngờ về năng lực phát minh và tiếp biến tri thức kỹ thuật của người Việt xưa (ảnh B.C).

Không dừng lại ở đó, Việt Nam còn là nước Á Đông hiếm hoi sớm áp dụng kỹ thuật xây thành theo kiểu ngôi sao - một tinh hoa quân sự châu Âu. Thành Bát Quái ở Gia Định (năm 1790) với mặt bằng hình hoa sen là ví dụ tiêu biểu, vừa có khả năng phòng thủ ưu việt, vừa là công trình kiến trúc biểu tượng cho tư duy cải cách.

Ngoài ra, cuốn sách còn nhắc đến nhiều thành tựu ít được biết đến: người Việt từng biết luyện tơ từ thân cây chuối, một thợ thủ công đã sang tận Hà Lan từ thế kỷ XVIII để học làm đồng hồ cơ và kính viễn vọng, hay việc xe cứu hỏa đã xuất hiện từ thời vua Minh Mạng…

“Kì công diệu nghệ” không chỉ giới thiệu 30 kỹ thuật và công nghệ đặc sắc, mà còn tái hiện lại bằng hàng trăm hình minh họa công phu của họa sĩ Kaovjets Ngujens - người Latvia gốc Việt, nổi tiếng với khả năng minh họa lịch sử sinh động, chi tiết và chính xác.

Dự án sách nhận được sự đồng hành chuyên môn từ nhiều nhà nghiên cứu uy tín như: Đỗ Thái Bình, Trần Trọng Dương, Phạm Lê Huy, Trần Quang Đức, Nguyễn Ngọc Duy, Từ Việt Thanh, Nguyễn Ngọc Tân, Dương Việt Dũng… và được hiệu đính bởi nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.

Với nỗ lực tái hiện quá khứ bằng một ngôn ngữ thị giác hấp dẫn, “Kì công diệu nghệ” hứa hẹn là cuốn sách truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ - những người đang tìm kiếm kết nối giữa bản sắc truyền thống và tinh thần đổi mới trong thời đại công nghệ.

Với 30 phát minh từ các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải, đến đời sống và quân sự, cuốn sách khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc bằng cách tôn vinh sự sáng tạo và tay nghề tinh xảo của cha ông ta.