Từ 'khảo khóa' xưa, ngẫm về cán bộ ngày nay

(PLVN) - Pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu ganh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn… Đó là hiệu quả của phép khảo khóa sáng suốt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nghĩa Đức).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nghĩa Đức).

Lệ khảo khóa thời phong kiến ở Việt Nam bắt đầu từ triều đại nhà Lý, được tiến hành nhằm đánh giá quan lại theo từng hạng, bậc, từ đó thực hiện các chế độ sử dụng đối với quan lại. Có thể thấy, lệ khảo khóa này rất gần gũi với công tác đánh giá cán bộ ở nước ta hiện nay, nhất là hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học Việt Nam cho biết, năm Đại Định thứ 23 (năm 1162), đời Vua Lý Anh Tông bắt đầu tiến hành khảo khóa các quan văn, võ. Các quan không có tội lỗi hay có tội thì sẽ được thăng hay giáng chức, cứ 9 năm tiến hành một lần khảo khóa. Nghiên cứu các đời vua thời Lý, Trần, niên hạn khảo khóa đều chậm, lâu hơn (thời Lý là 9 năm, còn thời Trần lên tới 15 năm).

Cũng theo PGS Nhuệ, lệ khảo khóa quy củ, nghiêm cẩn hơn cả triều Lê sơ (1428 - 1527) và quy định rất rõ ràng ở đời vua Lê Thánh Tông, trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497). Từ thời Lê Trung Hưng về sau thì quy định khảo khóa thực hiện rất nghiêm túc ở triều vua Lê Hy Tông, khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) và vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1706 - 1719).

Quan triều đình nhà Nguyễn.

Quan triều đình nhà Nguyễn.

Cụ thể, dưới triều đại Vua Lê Thánh Tông, Nhà vua đã định ra lệ khảo khóa quan lại với những quy định rất cụ thể và chặt chẽ. Đáng chú ý nhất là quy định 3 năm xét công của đời Hồng Đức đã có tác dụng khuyên răn, thúc đẩy các quan. “Bấy giờ các quan đều làm việc giỏi, gọi là đời thịnh trị. Đây là hiệu quả của việc thưởng phạt công bằng”, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sử học Việt Nam nhận xét.

Còn sở dĩ nói đời Chính Hòa, Vĩnh Thịnh nghiêm minh là bởi đời Vua Lê Hy Tông, năm Vĩnh Trị thứ 1 (1676) đã giáng chức hơn 10 người khi xét công thấy yếu kém, thậm chí Ngự sử đài khảo khóa không đúng thực tế cũng đã bị giáng chức. Kỳ hạn khảo khóa đời Chính Hòa rất nghiêm, các quan có thành tích được thăng chức cao, phân công đi các nha nhiều việc; các quan xét công ở bậc thấp thì lập tức bị giáng chức. Ví dụ, Tham chính Sơn Nam là Tống Nho, Tham Chính Thái Nguyên là Nguyễn Trí Trung, Phủ doãn Nguyễn Danh Tuân, Giám sát Vũ Duy Chí xét công ở bậc thấp đều bị giáng chức, cách chức. Tham chính Kinh Bắc là Phạm Quang Trạch vì xét cấp dưới không đúng bị giáng làm Đô cấp sự trung… “Như vậy, nhờ pháp lệnh nghiêm minh, sĩ phu ganh đua cố gắng, người làm quan lấy phong thái khí tiết mà tự miễn, cho nên được gọi là đời thanh bình. Đó là hiệu quả của phép khảo khóa sáng suốt”, ông Nhuệ bình luận.

Lệ khảo khóa quan lại trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam có nhiều điểm gần gũi với công tác đánh giá cán bộ ở nước ta hiện nay mà mới đây nhất là hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành trong năm 2023. Trong đó, có việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Lệ khảo khóa quan lại thực chất là việc xem xét, đánh giá hiệu quả công việc của quan lại theo định kỳ, làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ thăng, giáng, thưởng, phạt quan lại.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp đã được công bố rất cụ thể và chi tiết. Nhìn một cách tổng quát, mức phiếu “tín nhiệm cao” và mức phiếu “tín nhiệm” của tất cả 44 chức danh đều đạt ở mức độ cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong 3 mức tín nhiệm, phải đặc biệt lưu ý mức “tín nhiệm cao”, bởi đây mới là “thước đo chiều cao tài - đức” của mỗi chức danh.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Ảnh: Thư Hoàng).

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Ảnh: Thư Hoàng).

Chia sẻ với chúng tôi về ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường bày tỏ: “Việc các ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm một vị trí nào đó, phản ánh kết quả thực hiện của các vị trí trọng trách này đến đâu… Đây là một hình thức vừa giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phải tự đánh giá, tự thay đổi, vừa là cách nhìn của xã hội đối với mỗi cá nhân đó, giúp cho hoạt động của các vị trí này trong 2,5 năm tới đây được định hướng tốt hơn”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, kết quả đánh giá trên chỉ là bước đầu. Để có cái nhìn thấu đáo, kỹ lưỡng cần tiếp tục hướng về phía trước. “Đích cuối cùng của lấy phiếu tín nhiệm là chúng ta sẽ có đội ngũ các chức danh mạnh hơn, dạn dày hơn, trách nhiệm hơn, yên tâm hơn để vững bước… Sẽ có những đánh giá không chỉ bằng những con số, không chỉ bằng việc lấy phiếu mà còn cả đánh giá của tổ chức Đảng, của cử tri, của người dân với sự ấm áp, tin tưởng”, ông Nghĩa cho hay.

“Qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa. Vì vậy, chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, tháng 10/2023.

Đọc thêm