Từ khi nào “con buôn” thành doanh nhân?

(PLVN) - Do điều kiện lịch sử quá độ, Việt Nam trải qua một thời kì đặc biệt khó khăn của nền kinh tế bao cấp. Do đó,  tính chuyển tiếp giữa các thế hệ doanh nhân và các vấn đề liên quan bị đứt đoạn, bị bỏ quên, thậm chí còn bị “xóa sổ”, bị coi là “con buôn, con phe” suốt một thời gian dài cho tới khi đất nước đổi mới...
Thời bao cấp gian khó, xuất hiện những tên gọi “ con phe, con buôn”.

Thời của… “con phe”

Thời bao cấp, với cách gọi nôm na là “thời đặt gạch xếp hàng”, diễn ra từ năm 1957 tại miền Bắc, tới sau tháng 4/1975 thì triển khai trên toàn quốc, mãi tới tháng 4/1989 mới thực sự kết thúc. Giai đoạn này nằm trong ký ức không thể quên của thế hệ đầu 8X, 7X, 6X… Đây là một giai đoạn mà hầu hết hoạt động kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa do nhà nước kiểm soát, không chấp nhận kinh doanh tự do.

Bao cấp là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày… Lương hàng tháng của công chức nhà nước chỉ nhận được một phần tiền rất nhỏ, còn lại quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo.

Tất cả mọi hình thức kinh doanh hoàn toàn do nhà nước nắm giữ. Nhà nước phân phối vài chục mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo, thực phẩm, chất đốt, vải vóc, pin, cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung như xà phòng giặt, giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…

Điển hình là một người dân được tiêu chuẩn 1,5 lạng (150gr) thịt/tháng, tương đương với mức tiêu thụ thịt trung bình trong 1 ngày hiện nay của người trưởng thành. Các cấp bậc cán bộ nhà nước được tiêu chuẩn cao hơn, từ 3-5 lạng/tháng (300gr-500gr), tùy cấp bậc.

Thông thường nếu chọn thịt thì thôi mỡ, vì chỉ được chọn 1 trong 2. Thời đó không có dầu ăn, phải dùng mỡ để xào, nấu nên mỡ rất quý. Các gia đình vì vậy thường hay chọn “mỡ” thay vì “thịt”, như vậy sẽ có tích cóp được 1 hũ mỡ dùng để chiên xào nấu một thời gian dài hơn là 3 lạng thịt tiêu chuẩn trong tháng.

Tuy “phàn nàn” thiếu thốn như vậy, nhưng thời đó nếu để mất tem phiếu sẽ là thảm họa, so thảm họa này với cảnh thiếu thốn thường nhật thì thiếu thốn vẫn còn là “thiên đường”. Các thế hệ thời đó sẽ đứng trước nguy cơ nhịn đói cả tháng, đi xin, đi vay mượn lương thực, hoặc mua chui lại của “phe tem phiếu” (người tích trữ đầu cơ trái phép tem phiếu).

Muốn mua được lương thực thực phẩm, các thế hệ thời đó cần đi xếp hàng 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết lương thực, thực phẩm. Người ta dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ để “xí chỗ” khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng vào hàng khi mở cửa.

Thậm chí nếu xếp hàng đầu, nhưng cũng không bảo đảm là sẽ được mua trước, bởi vì nếu có những sổ thuộc dạng “ưu tiên” hoặc “chen ngang” do có móc ngoặc với nhân viên thương nghiệp, hoặc đơn giản là xếp hàng tới nơi mới biết đã bị ăn cắp tem phiếu hay sổ rồi.

Rất nhiều khi, mỏi mệt rã rời vì xếp hàng cả đêm, nhưng tới gần lượt, thì cánh cửa hàng mậu dịch sẽ sập xuống phũ phàng trước mặt cùng với câu nói lạnh băng của cô mậu dịch viên “HẾT HÀNG”… Vậy là lê bước về nhà để hôm sau đi xếp hàng tiếp…

Bởi tất cả mọi thứ hàng hóa không phải của ngành thương mại thì đều là hàng lậu. Trong khi cuộc sống đang cần càng nhiều hàng thì nguồn cung từ quốc doanh chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Chính vì vậy mà gạo, thịt, bánh kẹo, bột giặt, áo quần, mũ dép... đều có thể là hàng lậu ở bất cứ nơi nào, lúc nào... Thời đó, người dân nào cũng có thể là “con phe” (dân buôn lậu) nên cán bộ chống buôn lậu rất nhiều. Công an, thuế vụ kiểm tra xét hỏi bất cứ chiếc bì, thúng, sọt, túi... của ai, ở đâu.

Từ “con phe” hay “làm nghề phe phẩy”, “con buôn”- dùng để chỉ những người mua lại những mặt hàng của người được cung cấp theo tem phiếu hay chế độ phân phối để bán lại kiếm lời. Những người này bị mọi người coi khinh, mặc dù họ kiếm được nhiều tiền. Cụm từ “móc ngoặc” được dùng khá phổ biến thời bao cấp để chỉ sự cấu kết của hai cá nhân hay hai cơ quan nhằm một mục đích không chính đáng, hay vi phạm pháp luật.

Các họa sĩ biếm thời đó hay vẽ hai người giơ hai bàn tay có ngón trỏ dài và cong móc vào nhau để minh hoạ cho sự “móc ngoặc”. Có câu chuyện vui kể về chuyện “móc ngoặc” của một ông bác sĩ và bệnh nhân: Ông bác sĩ kê đơn cho vị “bệnh nhân”... không hề ốm đau được nghỉ làm việc 10 ngày để anh ta đi chơi, với lời nhắn “Nhớ kiếm cho tớ vài lạng chè... móc câu (chè búp Thái Nguyên) nhé!”…

Đến Doanh nhân

Nhà bác học Lê Quí Đôn (1724 - 1784) khẳng định “Phi Công bất phú - Phi Thương bất hoạt - Phi Nông bất ổn - Phi Trí bất hưng”. Dân gian thì cụ thể hơn “Phi thương bất phú”. Thương ở đây không chỉ là buôn bán mà còn là sản xuất và dịch vụ. Đất nước mở cửa, đổi mới hòa nhập với thế giới và từng bước cởi trói cho DN.

Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày “Doanh nhân Việt Nam”. Đội ngũ doanh nhân được hình thành ngày càng đông đảo, đủ mọi lứa tuổi và thành phần, đang làm thay đổi diện mạo của cuộc sống. 

Có người khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Có người khởi nghiệp lúc đã về hưu nhưng đều giống nhau ở khát vọng làm giàu chân chính. Trong quá trình kinh doanh, cũng gặp không ít cản trở, không ít lần thất bại nhưng vẫn nỗ lực vượt khó vươn lên, tự khẳng định. 

Lớp doanh nhân U50 trở lên, nhiều người tay ngang lập nghiệp ngẫu nhiên, kiểu “Nghề chọn minh”. Các doanh nhân U40 trở xuống, đa phần được đào tạo bài bản, cả trong và ngoài nước. Có khi làm trái nghề nhưng có nền tảng tri thức, biết ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin. Lớp doanh nhân trẻ ngày càng khẳng định tâm thế tự tin hòa nhập, làm chủ và quản lý hiệu quả. 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc - trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, bằng nhiều thuật ngữ khác nhau (người buôn bán, thương nhân, tầng lớp tư sản, giới công thương), đến nay thuật ngữ doanh nhân VN mới chính thức trả về nguyên ngữ. Chưa bao giờ đội ngũ doanh nhân VN có được các điều kiện để phát triển như hiện nay. 

Trước tiên phải nói rằng, doanh nhân VN là một sản phẩm của lịch sử. Chúng ta có thể trở lại chân dung của tầng lớp doanh nhân qua từng thời kỳ của lịch sử. Bắt đầu từ thuật ngữ thương nhân, một thuật ngữ Hán Việt. Người xưa thường gọi thương nhân là những người buôn bán, với vai trò giao lưu, lưu thông hàng hóa, sản vật. Tuy nhiên, văn hóa làng xã của VN đã chi phối rất mạnh mẽ sự phát triển của thương nhân thời phong kiến.

Về cơ bản, nền kinh tế thời phong kiến theo kiểu tự cấp, tự túc. Mỗi làng thường có một cái chợ để giao lưu hàng hóa với quy mô nhỏ, lẻ. Ngay đến Thăng Long được gọi là kinh kỳ - kẻ chợ thì thực tế bên cạnh cơ quan chính trị trung ương cũng chỉ là một mô hình chợ lớn hơn. Hơn nữa, nhiều giai đoạn, việc buôn bán, giao lưu hàng hóa phần lớn do người Hoa nắm giữ.

Chỉ trừ một số trường hợp được coi là đột biến như Gốm Chu Đậu, hay Hội An...Vì một số cảng của VN thời đó nằm ở con đường tơ lụa trên biển nên việc giao lưu hàng hóa có phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung, xã hội phong kiến VN không phát triển về thương mại. Do vậy, tầng lớp thương nhân cũng chưa phát triển.

Tuy nhiên, với việc đổi mới tư duy, cách nhìn nhận và những tư tưởng từ trước đó nửa thế kỷ của Hồ Chí Minh đã được đặt lại đúng vị trí của nó. Với khẩu hiệu “Nhìn thẳng vào sự thật” và “tự cởi trói chính mình”, chúng ta đã thiết lập lại những giá trị cơ bản của nền kinh tế. Những chính sách hội nhập và nền kinh tế thị trường không những tạo điều kiện tốt cho phát triển mà thực tế nó còn đưa chúng ta theo nhịp phát triển của kinh tế thế giới.

Và cùng với sự đổi mới này, thuật ngữ doanh nhân VN đã thực sự ra đời và thể hiện đầy đủ vai trò của nó. 20 năm chỉ là một thời gian rất ngắn của lịch sử. Tuy nhiên, đội ngũ doanh nhân VN đã tiến những bước dài để trưởng thành. Giai đoạn 5 năm tiếp theo 20 năm đó lại càng minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của doanh nhân VN. Ví dụ như Cà phê Trung Nguyên, FPT, Gạch Đồng Tâm... Chưa bao giờ đội ngũ doanh nhân VN có được các điều kiện để phát triển như hiện nay.

Chúng ta đang hình thành một đội ngũ doanh nhân trẻ, doanh nhân mới. Đây là một lực lượng nhanh nhạy và năng động. Với việc hội nhập và mở cửa mạnh mẽ như hiện nay, đội ngũ này sẽ sớm trở thành một lực lượng quan trọng. Từ sự hỗ trợ về mặt cơ chế, đến những cơ hội để học hỏi, cộng tác, doanh nhân trẻ hiện nay có thể ngay lập tức tiếp cận với công nghệ mới, cơ hội mới...

Đọc thêm