Từ “làn gió Đổi mới”, TP HCM có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

(PLVN) - Thành phố đã đề xuất với Trung ương cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố. Định chế này sau đó đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước.
Công nhân Khu Chế Xuất Linh Trung II, Thủ Đức, TP HCM tan ca.

Xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp

Nhớ lại thời điểm “làn gió Đổi mới” bao trùm TP HCM cũng như cả nước sau Đại hội VI của Đảng, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương - không khỏi tự hào bởi cách làm của thành phố đã được Trung ương lắng nghe và chấp thuận.

“Lúc đó, lãnh đạo và người dân thành phố ai cũng phấn khởi, càng phát huy tinh thần đổi mới, càng bung ra sản xuất mạnh mẽ. Gánh nặng về tư tưởng “sợ bị quy chụp” cũng được trút bỏ”, ông Phạm Chánh Trực cho biết.

Phát huy tinh thần đó, TP HCM tiếp tục đóng góp nhiều mô hình cơ chế kinh tế mới cho Trung ương sau Đại hội VI của Đảng.

Những ngày đầu đổi mới, TP HCM đã sớm đề ra chiến lược kinh tế hướng vào xuất khẩu, trong điều kiện các chính sách kinh tế và điều kiện hạ tầng kỹ thuật chung chưa bảo đảm, hạn chế.

Từ tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài, Thành phố đã đề xuất với Trung ương cho thí điểm xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố. Định chế này sau đó đã được pháp chế hóa thành quy định chung của cả nước.

Đến nay, TP HCM đã xây dựng được gần 20 khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó khu chế xuất Tân Thuận (khu chế xuất đầu tiên của cả nước được thành lập năm 1991) là một điển hình thành công về xây dựng khu chế xuất của Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và góp phần quan trọng vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.

Bên cạnh đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố là nơi tiếp nhận nhiều kỹ thuật, công nghệ mới. Đây là nhân tố quan trọng góp phần khơi mào một không khí học tập, chạy đua về công nghệ trong nền công nghiệp nước nhà, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, điện tử, chế biến gỗ,...

Đóng góp quan trọng nhất trong gần 30 năm qua của các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố là đào tạo thu hút nguồn nhân lực có chất lượng và từng bước hình thành phương pháp quản lý tiên tiến, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp đã thu hút hàng trăm ngàn lao động. Từ môi trường này, thành phố đã tạo ra được hàng ngàn kỹ thuật viên, nhân viên quản lý có trình độ đại học, cao đẳng đủ khả năng thay thế chuyên gia nước ngoài; cùng với hàng chục ngàn công nhân trung cấp biết sử dụng thành thạo thiết bị hiện đại và hàng chục ngàn công nhân lành nghề có trình độ tầm quốc tế.

Đội ngũ này đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, được thị trường thế giới vốn khắt khe chấp nhận và ưa chuộng. Có thể nói, đây là tài sản quý để Thành phố từng bước hội nhập kinh tế thế giới.

Thực hiện chế định các loại hình doanh nghiệp

Một đóng góp quan trọng khác của TP HCM là việc thực hiện chế định các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh.

Năm 1989, UBND Thành phố đã ban hành quyết định nhằm định chế các loại hình doanh nghiệp phát triển như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần để tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo khuôn khổ pháp lý.

Theo ông Trần Du Lịch, đây có thể xem là “luật chơi” đầu tiên ở Việt Nam để vận hành cơ chế thị trường, bảo đảm tính pháp lý cho các chủ thể kinh doanh. Việc chế định các loại hình doanh nghiệp này hai năm trước khi Quốc hội ban hành một đạo luật có liên quan, đã cho thấy sự bức xúc của thực tiễn, mà pháp luật đang còn bất cập.

Có thể nói, đây là cơ sở thực tiễn để Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1991.

Bên cạnh việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và trước tình hình kinh doanh yếu kém của doanh nghiệp nhà nước ở địa phương, năm 1992, TP HCM đã chủ động đề xuất Chính phủ cho thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp đầu tiên được thí điểm thành công và hiện nay đã trở thành một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán - đó là Công ty cơ điện lạnh REE. Đến năm 1996, chủ trương này đã trở thành chương trình chung.

Cùng với thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Thành phố đã thực hiện sớm việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước của địa phương, thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại thành các đầu mối là các tổng công ty nhà nước của địa phương.

Giai đoạn năm 1986-1990, nhiều tổ chức tín dụng tập thể được thành lập dưới dạng quỹ tín dụng, hợp tác xã tín dụng, trung tâm tín dụng và đầu tư… Bản chất các tổ chức tín dụng này là hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần. Từ thực tiễn đó, TP HCM đã thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước - Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công thương vào tháng 10/1987, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank thành lập tháng 5/1989.

Sau đó, Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ngân hàng ngày 23/5/1990, tạo điều kiện cho loại hình ngân hàng thương mại cổ phần phát triển đến ngày hôm nay.

Đọc thêm