Tư lệnh Binh đoàn 12 kể chuyện trị thủy trên dòng Đà Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dòng Đà Giang được ví là “dòng sông năng lượng”, “dòng sông ánh sáng”... Nơi đó, có những bậc thang thủy điện nhất nhì Đông Nam Á, có cả dấu chân của những cuộc hành quân, với tình thần quyết thắng của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Thủy điện Hòa Bình từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến 2012
Thủy điện Hòa Bình từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 đến 2012

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), PLVN đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh/Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng) về hình ảnh của Bộ đội Trường Sơn trong thời bình, về sự quyết tâm chinh phục những dòng sông, vì dòng điện của đất nước.

Hơn 2.000 người trên công trình thế kỷ

- Hơn 40 năm trước, thời điểm những đoàn quân của Binh đoàn 12 từ nước bạn Lào trở về Việt Nam rồi sau đó tiến thẳng lên Tây Bắc để đắp đập, ngăn sông làm thủy điện trên sông Đà, có ý nghĩa như thế nào đối với những trang sử của Bộ đội Trường Sơn năm xưa và hình ảnh của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn hôm nay, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc: Năm 1980, cán bộ chiến sĩ Đoàn 565 (Binh đoàn 12) bắt đầu đặt chân lên vùng núi rừng Tây Bắc để cùng với 4 vạn công nhân Việt Nam và hàng nghìn chuyên gia Liên Xô xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Từ Lào về Việt Nam, lúc bấy giờ, những người lính Trường Sơn không có nhiều kinh nghiệm về công trường và thiết bị xe máy thi công công trình công nghiệp lớn, nhưng với sự quyết tâm của người lính vừa đi qua chiến tranh, với lòng khát khao muốn xây dựng, tái thiết đất nước, phẩm chất của Bộ đội Trường Sơn lại tỏa sáng, lại sục sôi khí thế lao động, đúng chức năng của Quân đội là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Sau khi ổn định nơi đóng quân, ngày 26/2/1981, Đoàn 565 đã ra quân đào kênh bờ phải phục vụ ngăn sông Đà đợt 1 (năm 1983) thắng lợi. Lúc cao điểm, trên công trường thế kỷ này, có tới hơn 2.000 Bộ đội Trường Sơn lao động, làm nhiệm vụ. Suốt những năm xây dựng thủy điện Hòa Bình, Đoàn 565 đã khoan, đào được 6.895m đường hầm, đường kính từ 1,5 - 2,5m, đổ bê tông 280.500 m3, thi công 11 km đường ô tô, xây 17.200 m2 nhà các loại... Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 565 đã lập nên nhiều kỷ lục về khoan đào hầm.

Chúng tôi xuất thân là những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhưng trong thời bình thì phải tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế với tinh thần quyết thắng!, Tư lệnh Binh đoàn 12

Tại công trình thuỷ điện một thời từng lớn nhất Đông Nam Á này, Bộ đội Trường Sơn đã có mặt suốt 15 năm để xây dựng cho đến khi phát điện, Đoàn 565 vinh dự được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Những người lính thợ Trường Sơn cũng góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước Việt Nam - Liên Xô.

Đối với chúng tôi, công trình thủy điện Hòa Bình không chỉ là cứ liệu để viết nên những trang sử của Bộ đội Trường Sơn năm xưa mà còn là nền móng, là tiền đề quan trọng để duy trì, phát triển một ngành nghề rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển và lớn mạnh của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn hôm nay, đó là kinh nghiệm thi công công trình thủy lợi, thủy điện.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trao đổi với PV về tiến độ thi công tại khu vực nhà máy của Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trao đổi với PV về tiến độ thi công tại khu vực nhà máy của Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

- Thưa Thiếu tướng, Bộ đội Trường Sơn đã “tích tiểu thành đại” như thế nào từ những cuộc hành quân chinh phục các bậc thang thủy điện trên dòng Đà Giang?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc: Trên bậc thang sông Đà, có 5 thủy điện lớn, nhỏ - Bộ đội Trường Sơn đều tham gia. Như đã nói, chúng tôi có mặt ở thủy điện Hòa Bình sau giải phóng cho đến những công trình có công suất lên tới hàng nghìn MW (Sơn La, Lai Châu) tới Bản Chát, Huội Quảng và bây giờ là Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, khởi công đầu năm 2021.

Từ chỗ chưa có nhiều kinh nghiệm cho tới những công trình lớn như Sơn La, Lai Châu và hiện nay là gói thầu xây lắp trị giá hơn 3.100 tỷ ở Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã trở thành tổng thầu. Thực tế này đã dần chứng minh cho các chủ đầu tư trong ngành Điện thấy rằng, việc trao thầu thi công các dự án trọng điểm của EVN cho Binh đoàn 12/Tổng công ty Trường Sơn là đúng đắn, bởi nó thể hiện qua chất lượng, tiến độ công trình, và quan trọng hơn là lợi thế về tính kỷ luật luôn có trong mỗi người lính thợ Trường Sơn khi tham gia chinh phục các dòng sông Đà, Sê San, Krông Nô, Srepôk…

Tôi nói thêm về Thủy điện Hòa Bình mở rộng để thấy rõ “chất lính” trên công trường. Vào năm 2021, khi dự án vừa khởi công, các nhà thầu trong đó có Trường Sơn bị tác động rất mạnh do “bão giá” - giá sắt thép, giá nhiên liệu “nhảy múa”, dịch bệnh Covid-19 ập tới, và tiếp đó xảy ra sạt trượt khu vực thi công hố móng khiến công trình phải “phanh” lại tới 10 tháng…

Thủy điện Hòa Bình không chỉ là cứ liệu để viết những trang sử của Bộ đội Trường Sơn năm xưa mà là tiền đề quan trọng để phát triển một ngành nghề quan trọng đối với "Tổng" Trường Sơn hôm nay, đó là kinh nghiệm thi công các công trình thủy,Tư lệnh Binh đoàn 12

Khó khăn đến từ nhiều phía như vậy nếu không có giải pháp quản trị, thi công khoa học, điều hành nhân lực, xe máy hợp lý để tiết giảm chi phí thì khó mà “chống đỡ” được.

Trường Sơn đã vượt qua khó khăn này bằng những cuộc phát động phòng trào đột kích, thi đua. Bản thân chúng tôi - Thủ trưởng của Bộ Tư lệnh Binh đoàn có thời điểm phải có mặt để cùng làm, cùng ăn những bữa cơm công trường với anh em cán bộ chiến sĩ nhằm khích lệ tinh thần hăng say lao động, vì mục tiêu đạt và vượt tiến độ thi công của năm 2023 ở một số hạng mục như: hố móng nhà máy, kênh xả, cửa nhận nước...

Có thể nói, những khó khăn thử thách mà Bộ đội Trường Sơn đối mặt và đã vượt qua ở nhiều công trường, nhiều thời điểm trong suốt hơn 40 năm qua đã giúp chúng tôi trưởng thành hơn, làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Trường Sơn trong thời bình, thời kỳ đổi mới.

Ngoài việc chinh phục sông Đà, Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn thi công Thủy điện Yaly mở rộng ở Tây Nguyên

Ngoài việc chinh phục sông Đà, Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn thi công Thủy điện Yaly mở rộng ở Tây Nguyên

Xây dựng kinh tế với tinh thần quyết thắng!

- Trên thị trường xây lắp, sức mạnh của người lính và truyền thống của Bộ đội Trường Sơn hẳn là một lợi thế cạnh tranh của nhà thầu Trường Sơn khi tham gia đấu thầu các công trình thủy lợi, thủy điện, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc: Chúng tôi xuất thân là những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhưng trong thời bình thì phải tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế với tinh thần quyết thắng. Tuy nhiên, trên thị trường xây lắp thì phải rõ ràng, phải có thực lực, phải bình đẳng, đúng pháp luật. Ai đảm ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, tài chính khi tham gia đấu thầu xây lắp thị được chọn, và Trường Sơn cũng không phải là ngoại lệ.

Nhưng cũng thẳng thắn nói rằng, những trang sử vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn năm xưa đã cho chúng tôi một điểm tựa, một thương hiệu vô giá! Thực tế, khi nhắc tới Trường Sơn, các chủ đầu tư trong ngành Thủy lợi, ngành Điện lực đều có một niềm tin nhất định, vì đầu tiên họ sẽ nghĩ tới tính kỷ luật, sự quyết tâm của bộ đội trong lao động, sản xuất.

Kỷ luật và khả năng dân vận của bộ đội ở những địa bàn đóng quân đã giúp cho Trường Sơn giải quyết nhanh, gọn những việc khó liên quan giải phóng mặt bằng khi thi công xây lắp hay lúc cần điều quân đẩy nhanh tiến độ.

Ngoài những công trình thủy điện đã thi công, khắp từ Bắc chí Nam đều có dấu ấn của Bộ đội Trường Sơn trên các công trình thủy lợi lớn do Bộ NN&PTNT, các địa phương làm chủ đầu tư, như hồ chứa nước Cánh Tạng (Hòa Bình), hồ chứa nước Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), đập ngăn mặn sông Hiếu (Quảng Trị), hồ chứa nước Ea H leo, hồ chứa nước Krông Pách thượng (Đắk, Lắk)…

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động trên công trường

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động trên công trường

- Thưa Thiếu tướng, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Binh đoàn 12 đã vận dụng chủ trương này như thế nào để vừa sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một đơn vị dự bị công binh - cầu đường chiến lược của Bộ Quốc phòng?

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc: Không chỉ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, Binh đoàn 12 còn thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Binh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện chiến đấu, kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên sát với các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trạng thái quốc phòng; duy trì nghiêm nề nếp công tác huấn luyện quân sự cho các đối tượng. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án bổ sung vật chất hậu cần, trang bị kỹ thuật,... cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết.

Binh đoàn 12 yêu cầu các cơ quan, đơn vị thành viên gắn điều chỉnh tổ chức, lực lượng sản xuất với sắp xếp, kiện toàn biên chế, xây dựng các lữ đoàn công binh dự bị động viên, đơn vị cứu nạn, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng xây dựng, hoàn chỉnh khung thường trực các lữ đoàn dự bị động viên; triển khai công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, thao trường, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên… sẵn sàng tổ chức huấn luyện quân nhân dự bị khi có kế hoạch của trên.

Binh đoàn 12 cũng gắn sản xuất, kinh doanh với xây dựng địa bàn; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện công tác dân vận, hậu phương Quân đội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xây dựng cơ sở chính trị địa phương nơi đóng quân và nơi triển khai các dự án, qua đó góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh trên các địa bàn chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Không chỉ thi công Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu trên dòng Đà Giang kỳ vĩ , Binh Đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn tham gia chinh phục những dòng sông lớn ở đại ngàn Tây Nguyên xây dựng nên các Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srêpôk 3, Ialy mở rộng… đem dòng điện sáng về cho đất nước.

Đọc thêm