Thị trường xây lắp hạ tầng nhiều năm nay ghi nhận một thực tế là ở đâu có khởi công, khánh thành các công trình lớn và quan trọng, thì ở đó có Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn. Thương hiệu “Trường Sơn” bây giờ không chỉ xuất hiện ở các công trình cầu đường, thủy lợi, thủy điện mà đã có mặt ở những “sân chơi” hạ tầng với độ khó cao, đó là thi công sân bay, cảng biển…
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn “sắm vai” là nhà đầu tư tại một số dự án BT, BOT dọc theo các tỉnh, thành phố nơi có đường Trường Sơn huyền thoại đi qua.
Lý giải về sự thích ứng, hội nhập nhanh, mạnh của một doanh nghiệp quân đội trong bối cảnh thị trường xây lắp cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hữu Ngọc -Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn nói: “Quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Căn cứ vào điều kiện thời bình hay thời chiến – quân đội sẽ xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu của mình và sẽ quyết tâm hoàn thành cao nhất mọi nhiệm vụ trong chiến đấu hay trong lao động, sản xuất, làm kinh tế”.
Với truyền thống 65 năm của Bộ đội Trường Sơn, tiếng tăm thương hiệu “Trường Sơn” còn được thị trường biết tới bởi tính kỷ luật và sự quyết tâm cao độ trong lao động của bộ đội.
|
“Chất lính” đã nói là làm! Kỷ luật nghiêm minh, chất lượng công trình đảm bảo cộng với dân vận khéo ở những địa bàn đơn vị đứng chân đã giúp Trường Sơn giải quyết nhanh, gọn những việc khó liên quan giải phóng mặt bằng, thi công bứt tốc nhiều dự án… Dần dà những yếu tố đó đã tạo nên nét riêng của thương hiệu “Trường Sơn”, một sự thuyết phục rất tự nhiên đối với các chủ đầu tư dự án, giúp Trường Sơn vượt qua nhiều doanh nghiệp để thắng thầu ở nhiều công trình lớn”, lời tướng Ngọc.
Thực tế, thị trường xây lắp hạ tầng đã và đang rộng mở đối với tất cả các thành phần kinh tế. Nhưng để có được một chỗ đứng vững chắc, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu trong, ngoài nước thì cần phải có nguồn nhân lực tốt, kỹ thuật mạnh và trường vốn. “Ai thỏa mãn nhưng tiêu chí đó ắt sẽ được chon. Hoàn toàn không có một sự ưu ái nào giữa doanh nghiệp quân đội hay dân sự”, Tư lệnh Binh đoàn 12 nói và cho biết, Binh đoàn đang theo phương châm này để có thể tham gia các dự “siêu” dự án đã, đang và sẽ triển khai như Sân bay Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hay các dự án đường bộ cao tốc trục ngang của đất nước…
“Không có một doanh nghiệp nào trong phút chốc trở thành lớn mạnh mà phải tích cóp và và phát huy tối đa thế mạnh của mình, để từ đó trở thành lợi thế cạnh tranh. Thực tế cho thấy, chúng tôi đã làm từ việc nhỏ đến việc lớn; kiên trì tích lũy kinh nghiệm thi công xây lắp và căn cơ trong công tác tài chính, hậu cần suốt nhiều năm qua mới có ngày hôm nay”, tướng Ngọc nói thêm.
Được biết, trong năm 2024, giá trị sản xuất của Binh đoàn 12 đạt gần 12.500 tỷ đồng, tăng 144% so với năm 2023, gấp 3,5 lần so với năm 2019. Đây là kết quả đánh dấu bước tăng trưởng mạnh mẽ nhất, toàn diện nhất của Binh đoàn 12/Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trong quá trình tham gia xây dựng kinh tế từ năm 1977 đến nay.