Số định danh sẽ được gắn trên tất cả giấy tờ công dân
Theo Luật Hộ tịch, từ ngày 1/1/2016 khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mới sinh ra, một số thông tin nhân thân của trẻ em như họ tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, họ tên cha, họ tên mẹ sẽ được đẩy sang hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an.
Sau khi thực hiện kiểm tra đối soát dữ liệu, hệ thống cấp số định danh sẽ dựa trên các thông tin nhận được để mã hóa, sinh số định danh theo cấu trúc quy định và gửi về hệ thống thông tin hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, từ đó cấp giấy khai sinh cho công dân đã bao gồm số định danh cá nhân. Số định danh này sẽ theo cá nhân đến suốt đời, không thay đổi.
Thống kê cho biết, trong số 5.400 thủ tục hành chính hiện hành thì có tới 1.600 thủ tục yêu cầu khai thông tin cá nhân liên quan tới giấy tờ của công dân. Chỉ tính riêng cấp xã, phường đã có gần 400 loại tờ khai. Chi phí tương ứng cho việc sao chụp, chứng thực các loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục hành chính này khoảng 4.780 tỷ đồng/năm.
Bộ Tư pháp tính toán, nếu thực hiện đơn giản hóa về mặt hành chính, quản lý công dân theo công nghệ số sẽ tiết kiệm được 461 tỷ đồng/năm. Thay cho việc phải khai các thông tin cá nhân, việc cung cấp số định danh cá nhân cũng chính là giải pháp đơn giản hóa và Bộ Tư pháp kỳ vọng, số định danh cá nhân sẽ gắn trên tất cả các giấy tờ của người dân.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công an tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư xây dựng CSDL chuyên ngành đảm bảo khả năng kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thu thập, cập nhật và khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư.
Đã thống nhất được quy trình cấp số định danh
Hiện tại, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đã thống nhất với C72 Bộ Công an về quy trình các bước cấp số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch. Việc kết nối trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch và Hệ thống cấp số định danh cá nhân cũng như CSDL quốc gia về dân cư sau này của Bộ Công an được xây dựng và phát triển đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn trong trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch như thay đổi năm sinh, giới tính thì chưa có quy định rõ ràng về việc sẽ đổi số định danh cá nhân hay không và đề nghị làm rõ nội dung này để thống nhất phương án xử lý. Còn Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Trần Thị Lệ Hoa nhấn mạnh, việc cấp số định danh cá nhân nói chung đang được xã hội rất mong chờ.
Nhưng bà Hoa lo lắng, cơ sở hạ tầng thông tin chưa đồng bộ, còn lỗ mỗ như hiện nay, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa phát triển hạ tầng thì sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo tất cả trẻ em sinh ra từ ngày 1/1/2016 đều được cấp số định danh cá nhân.
Chia sẻ với các lo lắng, băn khoăn trên, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) Nguyễn Chí Dũng khẳng định đã có phương án cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa tuy rằng sẽ có độ trễ nhất định. Không những thế, cán bộ tư pháp tại đây cần phải được tập huấn, đào tạo về nghiệp vụ, trong trường hợp xã chưa kịp trang bị hệ thống mạng thì cán bộ xã lên huyện bởi mạng đã phủ 100% huyện.
“Về kỹ thuật, chúng tôi không thấy vướng và đảm bảo trẻ em sinh ra từ ngày 1/1/2016 khi khai sinh được cấp số định danh” – ông Dũng tự tin nói.