Đây là cơ sở dữ liệu cần thiết để đáp ứng yêu cầu cao nhất của Luật Hộ tịch về vấn đề cho phép người dân có thể đăng ký hộ tịch ở bất kỳ xã, phường, thị trấn nào trên phạm vi cả nước.
Ảnh minh họa |
Trên thế giới và khu vực, để thiết lập dữ liệu điện tử, nhiều nước đã thực hiện tin học hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tùy thuộc điều kiện thực tiễn và nhu cầu của mỗi nước. Tại Việt Nam, nhiều địa phương cũng đã tin học hóa công tác nàyvới những mức độ khác nhau.
Báo cáo của các địa phương cho thấy, có 14 tỉnh, thành phố đã trang bị cho 100% công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã máy tính có kết nối internet phục vụ riêng công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; 11 tỉnh đã trang bị cho hơn 55% số công chức tư pháp – hộ tịch, còn các địa phương khác tuy có quan tâm trang bị song tỷ lệ thấp (từ 20 đến dưới 55% số xã trên địa bàn).
Theo thống kê bước đầu, đã có 40/63 tỉnh, thành phố triển khai việc tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; 5 tỉnh, thành phố đang trong giai đoạn xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm trong đăng ký và quản lý hộ tịch. Tuy nhiên, mức độ thực hiện tin học hóa tại các địa phương hầu hết đều chưa đồng bộ và chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu quản lý.
Ngoài ra, đã có 8 địa phương trang bị phần mềm chuyên dụng về hộ tịch, ứng dụng trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố, kết nối liên thông 3 cấp nhưng vẫn chưa toàn diện và độ trễ khá cao. Một số địa phương thì có phần mềm chuyên dụng về hộ tịch và áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh, có điều chưa kết nối giữa các cấp. Một số địa phương khác mới có phần mềm công cụ hỗ trợ đơn giản hoặc chưa triển khai phần mềm quản lý hộ tịch, chưa kết nối thông tin hộ tịch giữa các cấp.
Các địa phương đều đánh giá cao lợi ích của việc tin học hóa song rõ ràng không có sự đồng bộ, thống nhất nên khả năng phục vụ nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin hộ tịch của người dân, yêu cầu quản lý nhà nước của cơ quan quản lý hộ tịch chưa được đáp ứng đúng mức. Vì vậy, thực hiện quy định của Luật Hộ tịch và trên tinh thần của Đề án 896, việc hình thành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để kết nối, chia sẻ và cung cấp thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điều kiện không thể thiếu.
Thuận lợi cho người dân khi đăng ký hộ tịch
Báo cáo sơ bộ những lợi ích cơ bản mà Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc mang lại cho người dân của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết: Nếu từ sau năm 2020, mỗi đơn vị cấp xã có một máy vi tính kết nối internet, có thể truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công tác đăng ký, quản lý hộ tịch sẽ đổi mới hoàn toàn về chất và lượng. Công chức tư pháp – hộ tịch dễ dàng giúp người dân tra cứu dữ liệu hộ tịch khi có yêu cầu.
Sau khi đăng ký khai sinh, thông tin khai sinh và số định danh cá nhân được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi có yêu cầu thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo, người dân không phải xuất trình giấy tờ cá nhân để chứng minh nhân thân như hiện nay.
Phần lớn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch sẽ được rút gọn, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, trình tự và thời hạn giải quyết và từ đó, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, kể cả lệ phí, sẽ giảm.
Đặc biệt với phương pháp đăng ký hộ tịch trực tuyến sẽ xóa bỏ được sự lệ thuộc vào hộ khẩu của người yêu cầu đăng ký hộ tịch – vốn là vấn đề nan giải và rắc rối lâu nay trong cải cách thủ tục hành chính. Lúc ấy, người dân có thể yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch tại bất cứ cơ quan đăng ký hộ tịch nào, không còn phục thuộc vào nơi cư trú, đồng thời giảm áp lực lưu trữ bản chính giấy tờ hộ tịch hiện hành hoặc người dân có thể thực hiện đăng ký trực tuyến theo các cấp độ.
Đối với phía cơ quan nhà nước, việc vận hành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử giúp các cơ quan, cán bộ, công chức khắc phục được cách làm thủ công hiện nay. Hơn nữa, thời điểm Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đi vào vận hành cùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể thay thế cho việc tổng điều tra dân số theo định kỳ, đỡ tốn kém chi phí.
Các cơ quan, ban, ngành khác ở các cấp không phải tự thiết lập hệ thông tin về người dân, có thể kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng những thông tin này, tạo lập cơ sở dữ liệu cho ngành, dễ cập nhật thông tin có liên quan vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, một yêu cầu cao nhất của Luật Hộ tịch là người dân được đăng ký hộ tịch tại bất cứ xã, phường, thị trấn nào trong phạm vi cả nước. Bởi vậy, nếu công chức tư pháp – hộ tịch không được trang bị máy tính thì không thể làm được, hay nói cách khác là bắt buộc phải tin học hóa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. “Và như thế phải chú trọng giải bài toán về kinh phí và cách thức đầu tư, trong đó giải pháp quan trọng chính là xã hội hóa để làm sao “đầu tư một lần, sử dụng vĩnh cửu”, có lợi cho cả người dân lẫn Nhà nước” – Thứ trưởng Ngọc nói.