Tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia chương trình

(PLVN) - Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía” được tổ chức mới đây, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Nhất Kha nhấn mạnh, cơ quan Hải quan khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa tuân thủ để hỗ trợ trở thành doanh nghiệp tuân thủ.
Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Nguyễn Nhất Kha. (Ảnh: QH)

Theo thống kê, sau 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (gọi tắt là Chương trình), cơ quan Hải quan đã ghi nhận có 295 DN tham gia, có trên 80% DN duy trì được mức độ tuân thủ và tăng mức độ tuân thủ. Trong đó, có 118 DN nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3; 135 DN giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, 3).

Điểm lại những kết quả của Chương trình, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Nguyễn Nhất Kha cho biết, Hải quan Việt Nam là thành viên của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Về cơ bản, hoạt động quản lý rủi ro của cơ quan Hải quan các nước trên thế giới có nhiều sự tương đồng.

Theo WCO, DN được chia làm 4 nhóm: Tuân thủ, tuân thủ khi được hỗ trợ; không tuân thủ khi có cơ hội và hoàn toàn không tuân thủ. Đồng thời, WCO cũng ban hành Công ước Kyoto về hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Trong đó, đưa ra Chương trình đối tác tin cậy và Hải quan các nước tập trung đầu tư nguồn lực để kiểm tra, giám sát các DN không tuân thủ và ngược lại tạo điều kiện cho các DN tuân thủ. Để triển khai Công ước Kyoto, Hải quan các nước cũng triển khai các chương trình, tương tự như Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan mà Tổng cục Hải quan đang thực hiện.

Tiếp đó, WCO có triển khai Chương trình DN ưu tiên. Để trở thành DN ưu tiên, trước tiên DN phải là đối tác tin cậy của cơ quan Hải quan.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Chương trình, ông Nguyễn Nhất Kha cho biết, về thuận lợi, Chương trình được triển khai rộng rãi trong toàn ngành Hải quan. Toàn bộ các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, phân luồng tờ khai được điều phối tập trung tại Tổng cục Hải quan (Cục Quản lý rủi ro).

Cơ quan Hải quan cũng chủ động theo dõi, giúp các DN trong việc thông báo kỳ hạn nộp lệ phí hải quan, từ đó chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng mức độ tuân thủ pháp luật. Một số đơn vị hải quan địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các DN kinh doanh kho, bãi cảng thực hiện thông báo tới các DN thành viên để hỗ trợ giao hàng sớm hơn, giải phóng hàng nhanh hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cơ quan Hải quan gặp phải không ít khó khăn về thiếu chương trình phần mềm trao đổi thông tin; thiếu nguồn lực do phải bố trí cán bộ, công chức theo dõi hoạt động, theo dõi, đánh giá DN. Bên cạnh đó, nhiều DN thành viên, lãnh đạo DN còn chưa quan tâm đến Chương trình và đầu mối phụ trách thường xuyên thay đổi..., dẫn đến khó khăn trong việc trao đổi thông tin.

Theo ông Nguyễn Nhất Kha, hiện nay, ngành Hải quan đang nghiên cứu, tái thiết hệ thống CNTT gồm Hệ thống VNACCS/VCIS và 21 hệ thống vệ tinh. Trong đó, có đề cập đến các vấn đề liên quan đến tương tác Hải quan - DN, giải đáp vướng mắc, cảnh báo...

Cơ quan Hải quan khuyến khích DN tham gia Chương trình bao gồm DN lớn, DN sản xuất, DN nhỏ và vừa, đặc biệt là các DN chưa tuân thủ để hỗ trợ DN trở thành DN tuân thủ. Ông Kha cũng nhấn mạnh, Chương trình chỉ là một hoạt động của ngành Hải quan hướng đến cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, hàng năm từ cấp Tổng cục đến cấp cục hải quan tỉnh, TP cũng tổ chức các diễn đàn, hội nghị. Theo đó, những vấn đề vướng mắc của các DN, các cảnh báo, những hỗ trợ của cơ quan Hải quan để DN nâng cao mức độ tuân thủ, tuân thủ tốt pháp luật hải quan cũng được triển khai thường xuyên.

Khi triển khai chính thức Chương trình, tất cả những cách làm đã mang lại sự thành công, kết quả tích cực từ giai đoạn thí điểm sẽ được tiếp tục triển khai. Đơn cử như kinh nghiệm của Hải quan một số địa phương trong việc trao đổi với các DN kho, bãi, cảng; cách thức tương tác giữa các chi cục hải quan với DN xuất khẩu.

Đọc thêm