Nói đến Sóc Trăng, nhiều người thường nghĩ ngay đến chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, vườn cò Tân Long, nhưng là một tỉnh gồm 4 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, cùng người Chăm bản địa sinh sống, vậy nên những người ở vùng sâu, vùng xa đồng bào khó có cơ hội tiếp cận với kiến thức pháp luật. Nhận thức được tình trạng trên, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành Tư pháp đã rất chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL) đến các đối tượng này.
Trong năm 2013, Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 57 hội nghị tập huấn nghiệp vụ và PBGDPL cho các đối tượng là lãnh đạo các cơ sở, ngành và báo cáo viên pháp luật tỉnh, huyện; công chức tư pháp – hộ tịch, Đoàn cơ sở, trưởng ban nhân dân, khóm, ấp, lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở; cán bộ công chức, nhân dân, lực lượng giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên địa bàn tỉnh.
Để mọi tầng lớp người dân hiểu và nắm rõ pháp luật, để pháp luật đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp Sóc Trăng đã tìm tòi các phương pháp PBGDPL sao cho người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống nhất. Sở đã tổ chức 11 hội nghị PBGDPL kết hợp với TGPL lưu động cho cán bộ, công chức và nhân dân tại các xã, phường; cùng với đó, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác PBGDPL qua chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên đài truyền thanh các huyện.
Theo nhận định của Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, việc thực hiện “Ngày Pháp luật” định kỳ; biên soạn 18.000 sổ tay pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sơ, đoàn thể cơ sở; tổ chức 70 đợt TGPL lưu động cho người dân ở tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc... đã đóp phần đẩy mạnh hiệu quả công các tuyên truyền, PBGDPL và hòa giải cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.