Bộ Tư pháp trong nhóm đạt chỉ số cao về Chỉ số cải cách hành chính

(PLO) - Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tư pháp năm 2016 vươn lên đứng thứ 6 so với vị trí thứ 9 trong năm 2015 với 82,90% và đứng trong nhóm thứ nhất gồm 9 bộ, cơ quan ngang bộ đạt chỉ số cao.
Bộ Tư pháp trong nhóm đạt chỉ số cao về Chỉ số cải cách hành chính

Hôm qua (30/5), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số CCHC các bộ, ngành, địa phương (PAR INDEX 2016).

9 bộ đạt chỉ số CCHC trên 80%

Theo công bố kết quả xác định Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, về kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80% gồm 9 bộ: Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhóm thứ 2, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 10 bộ: Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Thống kê, giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được 80,94% (không có bộ nào dưới 70%). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2016 cao nhất với 92,68%. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có kết quả thấp nhất với 71,91%. Khoảng cách Chỉ số CCHC giữa các bộ đạt Chỉ số cao nhất với Bộ đạt Chỉ số thấp nhất khá lớn với 20,77%.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng cho biết, hai lĩnh vực: Lĩnh vực cải cách bộ máy hành chính nhà nước và lĩnh vực các tài chính công đạt giá trị trung bình trên 90%. Tuy vậy, Lĩnh vực Hiện đại hóa hành chính có kết quả thấp nhất trong 8 lĩnh vực của Chỉ số CCHC, với giá trị trung bình 61,15%. “Qua con số thấp trên đã chỉ ra những bất cập, hạn chế của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến”, Thứ trưởng Thừa nói.

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu

Đối với Chỉ số CCHC năm 2016 của các tỉnh, TP có giá trị trung bình đạt 74,64%, trong đó có 30/63 đơn vị đạt kết quả trên  giá trị trung bình. Đà Nẵng tiếp tục là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng với Chỉ số đạt được là 90,32% và cũng là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số thuộc nhóm A. Hậu Giang là địa phương có Chỉ số CCHC cuối bảng xếp hạng (thấp hơn 27,77% so với Đà Nẵng). Trong 8 lĩnh vực Bộ Nội vụ đánh giá, cho thấy cải cách tổ chức bộ máy có giá trị trung bình cao nhất, đạt 91,51% và lĩnh lực hiện đại hóa hành chính có giá trị trung bình thấp nhất, chỉ đạt 37,11%.

Báo cáo sơ kết CCHC 6 tháng đầu năm 2017 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, trong 6 tháng đầu năm đã có thêm 5.062 người được giải quyết tinh giản, nâng tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản từ đầu năm 2015 đến nay là 22.673 người. Trong đó, các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 944 người; các cơ quan hành chính là 2.824 người; các đơn vị sự nghiệp công lập là 14.791 người; cán bộ, công chức cấp xã là 4.086 người; doanh nhiệp nhà nước 122 người.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác CCHC để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân. Phó Thủ tướng cho biết: “Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Môi trường kinh doanh năm 2017, xếp hạng Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với nhiều chỉ số tăng hạng mạnh; trong đó có chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng hạng nhiều nhất với 31 bậc (từ 118 lên vị trí 87); giao dịch thương mại qua biên giới đạt mức tăng 15 bậc (từ vị trí 108 lên vị trí 93); nộp thuế và BHXH tăng 11 bậc, thời gian được rút ngắn 230 giờ (từ 770 giờ xuống còn 540 giờ); tiếp cận điện năng cải thiện 5 bậc do thời gian rút ngắn còn 46 ngày (năm ngoái là 59 ngày)”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh những kểt quả tích cực đạt được, còn những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC thời gian qua. “Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực tuy đã được cải cách nhưng vẫn còn rườm rà, bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đồng bộ; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng lưu ý. 

Đọc thêm