Gỡ vướng thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp phải ủy thác

(PLVN) -Việc ủy thác thi hành án (THA) thời gian qua đã được các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) thực hiện đúng quy định của pháp luật tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc nhất định. Trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến thanh toán tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế trong trường hợp phải ủy thác. 
Gỡ vướng thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp phải ủy thác

Ủy thác THADS có vai trò rất quan trọng trong hoạt động THADS, góp phần bảo đảm thi hành kịp thời, đầy đủ nội dung của quyết định, bản án, bảo đảm thực thi quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong THADS. Mặt khác, ủy thác THADS còn giúp cho cơ quan THADS giải quyết công việc nhanh chóng, giảm thiểu vụ việc tồn đọng. Song, bên cạnh đó thì việc ủy thác THADS vẫn còn gặp không ít vướng mắc.

Liên quan tới vướng mắc về thanh toán tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế trong trường hợp phải ủy thác, theo điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì số tiền THA thu theo quyết định cưỡng chế được thanh toán cho những người được THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó.

Khoản 1 Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp thanh toán tiền THA theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được THA đã yêu cầu THA tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện rõ mục đích của việc xác định người được THA đã có đơn yêu cầu cũng như không quy định rõ người được THA trong một hay nhiều bản án, quyết định của Tòa án tính đến thời điểm thanh toán tiền.

Trong trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được THA nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu THA mà tài sản của người phải THA không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan THADS thanh toán cho người đã yêu cầu THA theo tỉ lệ mà họ được nhận. Số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 1 tháng cho những người được THA chưa yêu cầu về quyền yêu cầu THA, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.

Còn theo khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 1/8/2016 Quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS thì cơ quan THADS xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế mà có nhiều người được THA để xác định người đã yêu cầu THA, người chưa yêu cầu THA; số tiền được thanh toán của người đã yêu cầu và của người chưa yêu cầu THA theo các bản án, quyết định đó. 

Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa các quy định của Luật, Nghị định số 62/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC về thanh toán tiền THA, dẫn đến trong thực tiễn thi hành gặp rất nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, khoản 1 Điều 49 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi theo hướng: Trường hợp thanh toán tiền THA theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì những người được THA đã yêu cầu THA theo các bản án, quyết định đang do cơ quan THA đó tổ chức thi hành tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế hoặc có biên bản về việc tự nguyện giao tài sản được ưu tiên thanh toán. Theo đó, việc thanh toán tiền cho người được THA căn cứ vào việc người được thi hành đã yêu cầu THA (thể hiện bằng việc có đơn yêu cầu) tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế. Quy định cụ thể như vậy sẽ giúp các cơ quan THADS bớt lúng túng khi áp dụng pháp luật vào thực tế.

Ngoài ra, việc ủy thác liên quan đến thu phí THA hiện nay tuy đã được quy định rõ ràng nhưng các cơ quan THADS vẫn cần lưu ý để thực hiện đầy đủ, chính xác. Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí THADS thì trường hợp ủy thác THA liên quan đến thu phí THA, cơ quan ủy thác THA phải ghi rõ số phí THA đã thu, số phí THA còn phải thu. Cơ quan nhận ủy thác phải căn cứ vào quyết định ủy thác để tiếp tục thu phí THA và được quản lý, sử dụng tiền phí thu được. 

Vì vậy, trong những trường hợp này cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan THADS khi thu phí THA chi trả tiền, tài sản cho đương sự. Trường hợp khi thực hiện việc giao tài sản cho người được THA mà họ không thực hiện nghĩa vụ nộp phí thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản đó để thu phí THA theo quy định tại khoản 8 Điều 20 Luật THADS. Vì vậy, về nguyên tắc, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp cần thiết mà pháp luật cho phép để thực hiện việc thu phí và phải hạn chế việc ủy thác thu phí THADS để tránh các khó khăn phát sinh. 

Đọc thêm