Khó phát hiện tài sản tham nhũng

(PLVN) -Thực tế hiện nay cho thấy việc phát hiện tài sản tham nhũng còn gặp rất nhiều vướng mắc. Từ đó đặt ra không ít khó khăn cho các cơ quan THADS trong việc tổ chức thực hiện xử lý, thu hồi tài sản.

Theo đánh giá của Tổng cục THADS, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ dạo việc kê biên thu giữ  tài sản đạt tỷ lệ cao như vụ Giang Kim Đạt, Vụ Phan Sào Nam, vụ AVG, vụ Phan Văn Anh Vũ…

Cùng với việc chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phối hợp, chủ động hơn trong áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, hạn chế việc để các đối tượng có liên quan tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng. 

Cơ quan THADS các cấp chủ động xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành chức năng đã ban hành hoặc phối hợp tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ chế, pháp luật về thu hồi tài sản. Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. 

Tuy đã có những chuyển biến tích cực song khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đó là việc phát hiện tài sản tham nhũng. Về nguyên tắc, tài sản tham nhũng phải bị thu hồi hoặc bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc chứng minh tội phạm tham nhũng rất khó khăn, phức tạp; chứng minh nguồn gốc tài sản do tham nhũng mà có lại càng khó khăn hơn và mất nhiều thời gian bởi trước hết phải làm rõ tài sản đó có phải là tài sản do phạm tội mà có hoặc là tài sản riêng của bị can hay không.

Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ án tham nhũng thường diễn ra tương đối dài, trải qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, nhờ người khác đứng tên, chuyển tiền, tẩu tán ra nước ngoài, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả, không còn tài sản đề thu hồi, trong khi đó cơ quan thi hành án không có thẩm quyền xác minh nguồn gốc tài sản, chỉ căn cứ vào tình trạng pháp lý  

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thường tập trung vào chứng minh hành vi phạm tội để đảm bảo yêu cầu cao nhất là không oan sai, không bỏ lọt tội phạm sau đó mới áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản tập trung. Viện kiểm sát chưa chú trọng ban hành yêu cầu điều tra truy tìm tài sản do đó nhiều trường hợp khi cơ quan chức năng tiến hành kê biên phong tỏa thì tài sản đã bị tẩu tán.

Còn trong quá trình xét xử, Tòa án thường chú trọng nhiều đến phần trách nhiệm hình sự của bị cáo mà chưa quan tâm đúng mức đến phần trách nhiệm dân sự và việc xử lý tang vật. Ví dụ như vụ án hình sự liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (vụ án Vinashin), nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC). 

Thực trạng nêu trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập để kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác, đặc biệt là trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. 

Chú trọng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng; quy định bắt buộc trong xử lý tội phạm tham nhũng phải áp dụng hình phạt bổ sung nhằm thu hồi đủ giá trị tài sản bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; đồng thời phải chịu trách nhiệm vật chất về thiệt hại của Nhà nước do hành vi phạm tội gây ra. 

Tăng cường hoạt động kiểm tra, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với hoạt động phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thu hồi tài sản để đôn đốc việc thực hiện; có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, cần rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước quốc tế về chống tham nhũng, nhất là liên quan đến các biện pháp thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, tích cực ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. 

Đọc thêm