Không để những người kém tiêu chuẩn làm “thầy cãi“

(PLO) -Thời gian qua, ở một số Sở Tư pháp còn xảy ra tình trạng xác nhận đủ điều kiện cho cả những đối tượng bị kỷ luật, gian dối hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề... Để giải quyết thực trạng này, Bộ Tư pháp đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, không cho những người không đủ điều kiện làm nghề, nhất là trong lĩnh vực luật sư.
Ảnh minh họa - Luật sư đang hành nghề tại một phiên tòa
Ảnh minh họa - Luật sư đang hành nghề tại một phiên tòa

Bị cách chức thẩm phán, kỷ luật 5 lần, vẫn “đạo đức tốt”

Báo cáo chuyên đề về lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp mới đây đã nêu một số hạn chế, vướng mắc trong hoạt động bổ nhiệm, cấp chứng chỉ hành nghề bổ trợ tư pháp. 

Theo đó, các quy định pháp luật hiện nay liên quan đến tiêu chuẩn về ý thức tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và tiêu chuẩn có phẩm chất đạo đức tốt để được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc bổ nhiệm chức danh bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực luật sư là các tiêu chuẩn định tính nên khó khăn cho quá trình thẩm tra hồ sơ của những người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề cả ở phía Bộ và Sở Tư pháp địa phương.

Bộ Tư pháp nhận thấy, số lượng người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp thời gian gần đây tăng đột biến. Điều này phản ánh sự phát triển kinh tế - xã hội, kết quả cải cách tư pháp và dân chủ hóa đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, mặt trái là trong đó có nhiều đối tượng bị kỷ luật, bị cho nghỉ việc ở ngành nghề khác hoặc đối tượng cơ hội, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, gian dối hồ sơ để chui vào vỏ bọc các chức danh bổ trợ tư pháp, nhất là lĩnh vực luật sư. Qua đó, họ lợi dụng chức danh, quyền tự do dân chủ để chống đối Nhà nước.

Trong khi đó, Sở Tư pháp một số nơi lại vẫn còn tình trạng thực hiện chưa hết trách nhiệm được pháp luật giao. Cụ thể, Luật Luật sư năm 2012 đã giao cho Sở Tư pháp tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trước khi gửi lên Bộ. 

Thời gian qua, trong quá trình thẩm tra hồ sơ, Bộ Tư pháp đã phát hiện không ít hồ sơ khi chuyển đến Bộ còn tình trạng như không đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, khai thiếu, thậm chí khai man, che giấu thông tin để qua mắt cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ làm qua loa, thiếu giấy tờ chứng minh theo quy định dẫn đến nhiều trường hợp phải làm lại hoặc bổ sung hồ sơ mất nhiều thời gian. 

Việc bổ sung hồ sơ được Bộ gửi về Sở để yêu cầu người đề nghị bổ sung nhưng quá trình thông tin của một số Sở cho đương sự còn chậm, đương sự không nắm được tình trạng hồ sơ lại phản ánh lên Bộ. 

Bên cạnh đó, việc thẩm tra của một số Sở Tư pháp về quá trình công tác, tiêu chuẩn đạo đức, chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo tiêu chuẩn các chức danh bổ trợ tư pháp còn thực hiện qua loa, đơn giản, hình thức, dẫn đến việc khi xem xét hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ phải tiến hành xác minh mất nhiều thời gian. 

Nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật nhiều lần, có hệ thống (dù chưa đến mức hình sự) hoặc ý thức chấp hành pháp luật rất kém, bị cách các chức danh tư pháp hoặc thiếu bằng cấp theo quy định nhưng vẫn được địa phương xác nhận “đủ tiêu chuẩn” và gửi về Bộ.

Bộ Tư pháp dẫn chứng vụ việc ông N.V.R ở Sóc Trăng, đã bị Chủ tịch nước cách chức thẩm phán, 5 lần bị xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng do ý thức kém nhưng vẫn được địa phương xác nhận đủ điều kiện (trong đó có đạo đức tốt) cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để gửi lên Bộ Tư pháp. Khi không được đáp ứng yêu cầu, ông R khởi kiện ra Tòa hành chính.

Xứng đáng với "nghề cao quý" trong xã hội

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương Bùi Sỹ Hoàn cũng cho biết, đơn vị đang thụ lý hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề 1 trường hợp nguyên là cán bộ công an, trong 5 năm 3 lần bị kỷ luật, sau đó bị cho ra khỏi ngành công an. 

“Khi chúng tôi xác minh hồ sơ có làm việc với ngành Công an, chính quyền địa phương, họ đều xác nhận về tiêu chuẩn này nhằm tạo điều kiện cho cán bộ cũ của ngành. Chúng tôi băn khoăn khi đề xuất trường hợp này, nhưng lại không biết từ chối thế nào”, ông Hoàn chia sẻ và đề nghị Bộ Tư pháp phải quan tâm hơn tới chất lượng đầu vào của luật sư và cần có hướng dẫn cụ thể về “tiêu chuẩn, phẩm chất  đạo đức tốt”.

Trao đổi với phóng viên báo chí, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh, quản lý hoạt động luật sư và các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác luôn được Lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo sát sao để đảm bảo việc hành nghề của luật sư và đối tượng trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác đúng với quy định của pháp luật. 

Theo bà Mai, trong bối cảnh hoạt động luật sư ngày càng mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế thì Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo sát sao, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đưa ra một số giải pháp. 

Cụ thể là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho đội ngũ luật sư Việt Nam về vị thế, vai trò cũng như trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư đối với hoạt động nghề nghiệp của mình, đối với việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. 

Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ trong việc chấn chỉnh những hoạt động hành nghề của luật sư, không chỉ đối với các hành vi vi phạm pháp luật mà chấn chỉnh cả những hành vi vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, rà soát toàn bộ các quy định pháp luật để có hướng hoàn thiện (trong đó có xây dựng nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 123 về hướng dẫn Luật Luật sư có bổ sung 1 điều hướng dẫn thế nào là phẩm chất đạo đức tốt). 

Đồng thời, xem xét kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhanh chóng nghiên cứu, rà soát các quy định tại Quyết định 68 ban hành năm 2012 về quy trình xử lý kỷ luật luật sư nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật.

Qua đó, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động luật sư và quản lý hành vi vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo hoạt động hành nghề luật sư tuân thủ quy định pháp luật và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng với nghề được mệnh danh là "nghề cao quý" trong xã hội./.

Đọc thêm