Phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong hành trình “chở” luật đến với người dân

(PLVN) -Trước yêu cầu đổi mới về chất lượng và mục tiêu bảo đảm tính bền vững của công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật (PBGDPL), việc nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội để cùng chung tay, góp sức, đề ra các giải pháp, sáng kiến đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền pháp luật được xác định là giải pháp đúng đắn, cần thiết. 
Phát huy trách nhiệm của toàn xã hội trong hành trình “chở” luật đến với người dân

Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng, Bộ Quốc phòng: Sử dụng hình thức tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, cần tiếp tục bám sát đặc điểm của đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số để vận dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phù hợp theo hướng dễ hiểu, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Theo đó, có thể sử dụng hình thức tuyên truyền miệng là chính, kết hợp với sử dụng mạng truyền thanh cơ sở, thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức chiếu phim tài liệu.

 

Đặc biệt, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, gia đình cũng là hình thức cần được áp dụng rộng rãi. Cùng với cách thức tuyên truyền dễ hiểu thì nội dung tuyên truyền cũng phải phù hợp, tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm. Ngoài ra, để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả hơn nữa, cần phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của các đơn vị, nguồn lực về con người, tài chính và thời gian trong công tác PBGDPL; tăng cường tập huấn để nâng cao kỹ năng cho cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền tại khu dân cư, hộ gia đình

Thời gian qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên luôn chú trọng thực hiện tốt công tác PBGDPL. Trong đó, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại khu dân cư, hộ gia đình với nội dung phổ biến là các vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, các vấn đề “nóng” như đất đai, hôn nhân gia đình, môi trường sống…

 

Thời gian tới, Mặt trận sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thức tuyên truyền pháp luật tại khu dân cư; thành lập các tổ nòng cốt để tập hợp người dân có trình độ làm công tác PBGDPL; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác hòa giải, xem đây là một trong những cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả. Cùng với đó, Mặt trận cũng mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về PBGDPL; tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ làm công tác này.

Ông Vũ Thế Lân, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội Luật gia Việt Nam: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp 

Công tác PBGDPL là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ riêng của Bộ, ngành Tư pháp mà của toàn xã hội. Để thực hiện chức năng này, Hội đã tích cực phối hợp, chủ động ký kết các chương trình hợp tác với Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị khác. Đặc biệt, Hội đã triển khai thực hiện tốt Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016" theo Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó góp phần tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý trên cơ sở phát huy vai trò của các luật gia, Hội Luật gia các cấp và các tổ chức, cá nhân khác nhằm đáp ứng nhu cầu về quyền được thông tin và cung cấp dịch vụ pháp lý của nhân dân.

 

Với hơn 64.000 hội viên trên khắp cả nước, trong năm 2019, Hội và Chi hội đã tổ chức hơn 73.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho hơn 6 triệu người tham dự, phát hàng triệu tài liệu pháp luật, tờ rơi, tờ gấp. Trong năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid nhưng các hoạt động của Hội vẫn diễn ra đạt hiệu quả. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai tốt Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017-2021 ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp để đạt được nhiều kết quả đậm nét hơn trong công tác PBGDPL.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chánh Văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Cùng chung tay để phấn đấu “giảm nghèo” pháp luật

Hệ thống pháp luật nước ta đã khá đầy đủ nhưng việc áp dụng pháp luật còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, tình trạng vi phạm pháp luật còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, cần thống nhất trong nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền PBGDPL để phấn đấu “giảm nghèo” pháp luật và có các giải pháp đưa pháp luật vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

 

Đối với công tác này, hàng năm, Liên đoàn đều ban hành các văn bản chỉ đạo các Đoàn Luật sư địa phương để tổ chức các kênh tuyên truyền pháp luật khác nhau; tổ chức 130-150 lớp đào tạo bồi dưỡng luật sư/năm. Ngoài việc tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, mỗi năm, các luât sự đều thực hiện tối thiểu 4 giờ tuyên truyền pháp lý miễn phí cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là việc làm thể hiện đóng góp thiết thực và trách nhiệm của đội ngũ luật sư đối với công tác PBGDPL.

Bà Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình: Huy động các nguồn lực để đảm bảo kinh phí cho công tác PBGDPL

Là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống nên công tác PBGDPL tại tỉnh Hòa Bình có nhiều đặc thù, đòi hỏi các tuyên truyền viên pháp luật phải nắm bắt, am hiểu các phong tục tập quán của người dân để có cách tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu và tập trung vào những vấn đề thiết thực, gắn bó trực tiếp đời sống của bà con.

 

Vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cần xác định rõ từng đối tượng để tuyên truyền, từ đó có phương thức để phổ biến phù hợp. Ngoài ra, cũng cần quan tâm hơn tới nguồn kinh phí phục vụ công tác PBGDPL. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương cũng cần tích cực, chủ động hơn trong việc tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội thực hiện công tác PBGDPL, tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân tiếp cận pháp luật, đây cũng là một trong các chỉ tiêu để công nhận nông thôn mới. 

Bà Vũ Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP.Hà Nội: Ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hình thức phổ biến pháp luật

Sở Tư pháp Hà Nội luôn không ngừng đổi mới để có các cách làm hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL trên địa bàn. Theo đó, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật qua mạng với các ứng dụng trên điện thoại thông minh, các fanpage, trang thông tin điện tử; tích cực tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; giải đáp pháp luật qua đường dây nóng; phát huy hiệu quả PBGDPL thông qua mô hình tự quản ở cộng đồng…

 

Việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng được Sở đổi mới bằng nhiều hình thức khác nhau như thi online, thi bằng hình thức sân khấu hóa. Đặc biệt, năm nay, Sở đã tổ chức cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi bằng hình thức thi bằng các video bài giảng, hùng biện. Cách làm này đã đem lại kết quả rất tích cực. Đặc biệt, để hưởng ứng Ngày Pháp luật, hàng năm, Sở luôn triển khai một chuỗi các hoạt động để tạo điểm nhấn đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sức lan tỏa, ý nghĩa của Ngày Pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Công tác PBGDPL cho người dân thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là đối với người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

 

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác PBGDPL để nhiều doanh nghiệp, cán bộ và người dân có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu pháp luật. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ thêm kinh phí để các luật sư có thể tư vấn miễn phí cho nhiều người dân hơn. 

Đọc thêm