Tạo bước đột phá mới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) -Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tại Hội nghị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan vào sáng 30/9. Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đồng chủ trì Hội nghị.
Tạo bước đột phá mới trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Bổ sung một số hình thức văn bản

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến đã giới thiệu và quán triệt những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL (Luật năm 2020). Cụ thể, Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung 68 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật của Luật năm 2015. Trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản, như: quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL; bổ sung làm rõ quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. 

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến giới thiệu những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL
Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến giới thiệu những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL 

Luật năm 2020 đã bổ sung một số hình thức văn bản gồm: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã được sửa đổi theo hướng: Cho phép HĐND cấp huyện ban hành Nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành Quyết định QPPL để thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới; bổ sung trường hợp “Nghị quyết của Quốc hội giao” thì HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã cũng được ban hành VBQPPL.

Toàn cảnh Hội nghị
 Toàn cảnh Hội nghị

Ngoài ra, Luật năm 2020 cũng còn có nhiều điểm mới đáng chú ý khác như: thu hẹp phạm vi loại VBQPPL phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách và quy định cụ thể trình tự, thủ tục lâp đề nghị xây dựng, soạn thảo VBQPPL; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Võ Văn Tuyển cho biết: Luật năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Để đảm bảo các quy định mới của Luật được triển khai kịp thời, thống nhất, hiệu quả, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương thực hiện các nội dung tại Kế hoạch triển khai thi hành Luật năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1323/QĐ-TTG ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung làm tốt việc tổ chức hội nghị triển khai Luật tại Trung ương và địa phương; rà soát các VBQPPL hiện hành liên quan đến Luật để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành VBQPPL…

Chú trọng tập huấn chuyên sâu cho cán bộ

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, Luật năm 2020 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai Luật năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật ban hành VBQPPL, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận Hội nghị
 Thứ trưởng Phan Chí Hiếu kết luận Hội nghị

Theo Thứ trưởng, để đưa đạo luật này vào cuộc sống, phát huy hết hiệu quả là một vấn đề không đơn giản nên các đại biểu cần tiếp tục nghiên cứu, nắm kỹ các nội dung mới của Luật năm 2020 và các nhiệm vụ trong kế hoạch triển khai thi hành Luật này của Thủ tướng Chính phủ để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị triển khai đầy đủ, triệt để, hiệu quả các nhiệm vụ.

Cùng với đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan cần làm tốt công tác phối hợp để triển khai hiệu quả kế hoạch triển khai Luật năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành mới đây. Trong đó lưu ý về việc cho ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP; tham mưu cho bộ, ngành, cơ quan xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Luật năm 2020 của Bộ, ngành mình và tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên sâu để phổ biến, quán triệt, thực hiện tốt các quy định của Luật.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh bộ tài liệu tập huấn, đăng tải công khai trên mạng để các Bộ, ngành có liên quan sử dụng tài liệu. Làm tốt công tác tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong triển khai Kế hoạch của Thủ tướng, trong đó chú trọng tới công tác tập huấn chuyên sâu, chuẩn bị tài liệu dưới các hình thức khác nhau để giúp các cán bộ pháp luật, pháp chế nắm vững các quy định và áp dụng hiệu quả. Đặc biệt, Vụ cần theo dõi sát tình hình triển khai thi hành Luật để kịp thời phát hiện ra bất cập, vướng mắc khi áp dụng Luật, từ đó có các biện pháp tháo gỡ phù hợp. 

“Nếu mỗi cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế đều phát huy tính chủ động, trách nhiệm khi triển khai thi hành Luật năm 2020 thì hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá mới, tạo chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng VBQPPL”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Đọc thêm