Thanh Hoá: Một số bất cập trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp

(PLVN) -Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là phiếu  do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, HTX trong trường hợp doanh nghiệp, HTX bị tòa án tuyên bố phá sản.
Thanh Hoá: Một số bất cập trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp

Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Thanh Hóa, những năm gần đây, nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng. Trong năm 2018, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan xác minh, cấp 16.276 phiếu LLTP thì đến năm 2019, số phiếu LLTP đã cấp tăng thêm 8.055 trường hợp (24.331 phiếu LLTP). Riêng trong quý I-2020, sở đã xác minh, cấp 5.304 phiếu LLTP. Về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, sở đã thực hiện cập nhật vào cơ sở dữ liệu LLTP 24.274 hồ sơ trong năm 2019 và 3.407 hồ sơ trong năm 2020.

Phiếu LLTP gồm 2 loại: Phiếu LLTP số 1 (đối với người không bị kết án, người đã được xóa án tích thì ghi “không có án tích”; trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”). Phiếu LLTP số 2 (đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”; đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xóa, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, tòa án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng...).

Phiếu LLTP số 1 được cấp cho cá nhân; cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, HTX. Phiếu LLTP số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Đây được coi là giấy tờ pháp lý quan trọng, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, nhiều văn bản pháp luật quy định phải có phiếu LLTP khi tham gia vào các quan hệ pháp lý.

Tuy nhiên, công tác cấp phiếu LLTP cho cá nhân hiện còn gặp nhiều vướng mắc do quy định của pháp luật vẫn chưa đồng bộ; công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP đôi lúc chưa thường xuyên, kịp thời; nhiều thông tin LLTP chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp hoặc cung cấp còn thiếu, ảnh hưởng đến yêu cầu quản lý, khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP của Sở Tư pháp. Hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP với mục đích xóa án tích ngày càng tăng (nhất là sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, việc xóa án tích được giao cho Sở Tư pháp), nhiều trường hợp người yêu cầu cấp phiếu LLTP đã từng vi phạm pháp luật nhiều lần, bị kết án ở tỉnh, thành khác nhau, vì vậy phải xác minh tại nhiều cơ quan trong và ngoài tỉnh; có trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt từ lâu không còn hồ sơ, giấy tờ lưu trữ dẫn đến khó khăn, không đảm bảo thời hạn trong việc giải quyết thủ tục hành chính cấp phiếu LLTP; khối lượng, nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng trong khi cán bộ làm công tác LLTP còn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng.

Để công tác cấp phiếu LLTP đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích người dân nộp hồ sơ cấp phiếu LLTP bằng hình thức trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ đắc lực cho hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP kết hợp với cấp phiếu LLTP. Quan tâm phối hợp với các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự trong công tác trao đổi, xác minh thông tin, cấp phiếu LLTP; Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP; xây dựng quy chế phối hợp; tăng cường liên kết, trao đổi với các cơ quan có liên quan trong và ngoài tỉnh trong việc tra cứu, xác minh, cấp LLTP để nâng cao hiệu quả.

Đọc thêm