Thu hút cán bộ tư pháp trẻ làm việc tại địa phương: Khó mà dễ

(PLO) - Không ít người có quan niệm rằng công tác tư pháp địa phương vừa khô, vừa khó, vừa khổ nên chuyện thu hút người trẻ có năng lực quyết tâm làm việc, cống hiến không hề đơn giản. Tuy nhiên, những câu chuyện nhỏ này lại cho thấy một sự thật khác hoàn toàn…
Cán bộ trẻ bộ phận một cửa quận Long Biên tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ trẻ bộ phận một cửa quận Long Biên tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Tại TP Hà Nội, trên địa bàn phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) hiện có hơn 12.000 nhân khẩu, nên số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết không nhỏ và phần lớn thủ tục hành chính tại cấp phường lại thuộc lĩnh vực tư pháp, hộ tịch. Thế nhưng, nhờ sự linh hoạt của cán bộ, việc giải quyết thủ tục tư pháp hộ tịch tại phường Đồng Xuân được đánh giá là khá thuận lợi. Một trong số những cán bộ trẻ được Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác tư pháp cơ sở là anh Trịnh Tất Thắng. 

Để sử dụng thời gian làm việc thật khoa học, hiệu quả, anh Thắng và một số đồng nghiệp đã xây dựng “khóa thời gian”. “Khóa thời gian” là kế hoạch công tác tuần, ghi cụ thể công việc cần giải quyết trong ngày theo từng 30 phút. Trong “khóa thời gian”, ngoài nội dung công việc cần làm, còn có mục ghi kết quả, kiến nghị và những vấn đề cần rút kinh nghiệm. “Kế hoạch công tác tuần này đã giúp tăng tính chủ động cho mỗi cán bộ, công chức. Đồng thời, nhìn vào mục kiến nghị, cán bộ phụ trách cũng biết nhân viên của mình gặp khó khăn, vướng mắc gì để giải quyết công việc”, anh Thắng nói.

Đáng chú ý là ý tưởng của anh Thắng khó có thể trở thành hiện thực nếu như không được lãnh đạo UBND phường Đồng Xuân cho áp dụng thử nghiệm từ tháng 3/2017 tại Bộ phận một cửa mà anh Thắng là nhóm trưởng. Sau 6 tháng thực hiện, ý tưởng này đã được sơ kết, rút kinh nghiệm và anh Thắng đang tiếp tục nghiên cứu, cải thiện những biểu mẫu để thuận tiện hơn trong việc nhập thông tin.

Có thể nói, việc được chính quyền cơ sở cho triển khai những sáng kiến công tác tư pháp là sự khích lệ rất tốt đối với những cán bộ trẻ. Còn ở cấp thành phố, Sở Tư pháp Hà Nội thường xuyên quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp. Những khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư pháp được duy trì hàng năm đã góp phần trang bị cho cán bộ những kiến thức cần thiết nhất phục vụ cho hoạt động chuyên môn cũng như những kỹ năng, cách giải quyết nhanh tình huống tại cơ sở.

Cũng đặc biệt ủng hộ đội ngũ cán bộ trẻ thì không thể không kể đến Sở Tư pháp TP HCM. Nơi đây luôn chú trọng xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thoải mái cho cán bộ. Điều đó thể hiện qua việc quán triệt, thực hiện tốt các tiêu chuẩn công sở văn minh, xanh, sạch, đẹp; văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; chấp hành nội quy, giờ giấc, trang phục làm việc, thái độ ứng xử… khi công dân đến. Gần đây nhất, UBND TP HCM còn ban hành quy định liên quan đến quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn nên càng thu hút người cùng tham gia, thực hiện.

Tương tự như chính quyền phường Đồng Xuân, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Tư pháp TP HCM đều có sự tin tưởng, giao việc cho công chức, viên chức trẻ, trong đó mạnh dạn giao cả những việc khó, mang tính phức tạp để cán bộ trẻ đầu tư, nghiên cứu, tham mưu thực hiện và bộc lộ được năng lực của mình. Thực tế tại Sở Tư pháp TP HCM cho thấy đa số các Phó trưởng phòng và một số Trưởng phòng chuyên môn được bổ nhiệm khi còn rất trẻ. Nhiều trường hợp có tuổi đời dưới 30 và có trường hợp bổ nhiệm thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo. Điều này đã tạo luồng sinh khí mới, kích thích người trẻ phấn đấu, hăng say lao động, dành tâm trí, sức lực của mình cho công việc được giao.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo môi trường, không khí sôi nổi cho đoàn viên, thanh niên của Sở phấn đấu, rèn luyện, phát huy vai trò, năng lực của mình, đại diện Đoàn Thanh niên Sở Tư pháp TP HCM nêu lên nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, nhiều công trình thanh niên gắn với chuyên môn do đoàn viên, thanh niên Sở Tư pháp triển khai đã tạo tiếng vang trong thanh niên thành phố như chương trình truyền hình “10 phút tiếp dân”, phong trào “Chống sa lông – không thực tiễn” với giải thưởng “Ngòi bút lửa”; công trình “Xung kích thực hiện hướng dẫn, giải quyết hồ sơ công chứng và trợ giúp pháp lý tại nhà đối với người già yếu, neo đơn, người bị khuyết tật, người  đang bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai”…

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả theo đại diện Đoàn Thanh niên Sở Tư pháp TP HCM chính là thành phố nhiều năm qua luôn quan tâm đến thu nhập và chế độ đãi ngộ đối với công chức, viên chức trẻ. Nhiều chương trình đãi ngộ, nhiều chính sách khuyến khích tăng thu nhập ngoài lương cho công chức, viên chức, nhất là người trẻ được thành phố và các cơ quan, trong đó có cơ quan tư pháp đề ra. Các chính sách ấy được xây dựng, thực thi công khai, công bằng, minh bạch, đúng quy định đã tạo động lực lớn cho người trẻ an tâm công tác.

Đọc thêm