Tìm giải pháp xử lý hàng chục nghìn phương tiện giao thông bị tồn đọng

(PLVN) - Hiện nay, lực lượng có thẩm quyền đã thực hiện nghiêm túc việc tạm giữ phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý phương tiện quá thời hạn tạm giữ ở một số nơi vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định, cần sớm được tháo gỡ.
Tìm giải pháp xử lý hàng chục nghìn phương tiện giao thông bị tồn đọng

Trên cơ sở quy định của Luật XLVPHC, hiện nay Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa kịp thời các hành vi bị tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính. Đối với trường hợp bị tạm giữ để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, khoản 1 Điều 78 của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP nêu rõ gồm 04 nhóm hành vi. 

Cụ thể là, vi phạm về quy tắc tham gia giao thông như vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, buông tay, bằng chân…; vi phạm về điều kiện của phương tiện như hết hạn đăng kiểm, không có giấy đăng ký hoặc đăng ký bị tẩy xóa, không có biển số hoặc biển số không đúng với giấy đăng ký…; vi phạm điều kiện của người điều khiển phương tiện như không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, giấy phép lái xe hết hạn…; không chấp hành việc kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về nồng độ cồn, trọng tải xe…

Qua báo cáo và khảo sát thực tế của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy, lực lượng có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc việc tạm giữ phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý phương tiện quá thời hạn tạm giữ ở một số nơi vẫn còn một số hạn chế, bất cập nhất định. 

Chẳng hạn, có nơi việc xử lý phương tiện quá hạn còn chậm, có những phương tiện đã quá hạn tam giữ lâu ngày chưa được xử lý, làm mất giá trị của phương tiện (ví dụ như ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có phương tiện bị tạm giữ từ năm 2015, 2016 đến nay vẫn chưa có quyết định tịch thu). Nhiều phương tiện đã cũ, nát, không bảo đảm tiêu chuẩn, kỹ thuật lưu hành sau khi bị tạm giữ hầu hết người dân không đến nhận lại phương tiện. Việc bảo quản và xử lý loại phương tiện này mất nhiều thời gian, công sức và chi phí vật chất lớn, đa phần lớn hơn giá trị mang lại. 

Thực trạng trên được thể hiện rõ hơn trong báo cáo của Bộ Công an do Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày tại phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính diễn ra mới đây ở Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết từ năm 2013 đến tháng 9/2019, Công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là xe mô tô.

Tính đến tháng 9/2019, tại Công an các đơn vị, địa phương còn tồn đọng gần 137.000 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, trong đó có 19.887 phương tiện chưa xác định được chủ sở hữu. “Tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong tổng số gần 137.000 phương tiện tồn đọng, có gần 100.000 phương tiện còn sử dụng được, hơn 37.000 phương tiện đã hư hỏng” - ông Ngọc nêu.

Báo cáo của Bộ Công an và Bộ Tư pháp đều nhận định phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ theo thủ tục hành chính hiện nay là rất nhiều, một trong những nguyên nhân là do quy định hành vi bị tạm giữ nhiều và là những hành vi dễ mắc phải. Vì vậy, nhiều ý kiến đặt vấn đề cần sửa đổi các quy định có liên quan. 

Về quan điểm xử lý và hướng hoàn thiện Luật XLVPHC đối với các quy định tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết: Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Theo đó, Bộ Tư pháp đã tiến hành việc rà soát Luật XLVPHC, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tạm giữ, tịch thu  tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nói chung và phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nói riêng.

Cụ thể, bổ sung quy định về việc giao quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC cho cấp phó. Theo đó, cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức thực hiện việc giải trình,  áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như cấp trưởng, trừ biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì được thực hiện theo quy định tại Điều 123 của Luật XLVPHC.

Bộ Tư pháp cũng đề xuất bãi bỏ quy định về việc tạm giữ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại Điều 60 Luật XLVPC, vì đây cũng là một trong những trường hợp tạm giữ đã được quy định tại Điều 125 của Luật XLVPC; đồng thời, bổ sung trường hợp tạm giữ: “để định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt” vào điểm a khoản 1 Điều 125 Luật XLVPHC. Bên cạnh đó, còn dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính tại 126 Luật XLVPHC; sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 126 Luật XLVPHC và khoản 4 Điều 82 Luật XLVPHC về chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện theo hướng bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Phí và lệ phí…

Đọc thêm