Xây dựng Chính phủ điện tử: Các đơn vị cần vào cuộc chủ động, tích cực hơn

(PLVN) - Ngày 18/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và các lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ.
Xây dựng Chính phủ điện tử: Các đơn vị cần vào cuộc chủ động, tích cực hơn

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ đã bám sát các Chương trình, Kế hoạch thực hiện và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp, nhiều hạng mục công việc đã hoàn thành tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành

Theo Báo cáo Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2019, nhiệm vụ chủ yếu năm 2020 của Cục Công nghệ thông tin (đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo), Hệ thống Hội nghị truyền hình của Bộ Tư pháp đã triển khai, kết nối đến 63 Cục Thi hành án dân sự, các Trường Trung cấp Luật và Cục Công tác phía Nam. Điểm cầu chính của Bộ có thể kết nối với Hệ thống giao ban trực tuyến của Văn phòng Chính phủ. Điều này đã phục vụ kịp thời các cuộc họp giao ban trực tuyến của Lãnh đạo, các Hội nghị triển khai công tác, sơ kết... Năm 2019, Hệ thống đã phục vụ 83  cuộc họp trực tuyến của Bộ, Ngành qua đó rút ngắn thời gian tổ chức hội họp, tiết kiệm kinh phí trong việc đi lại, ăn ở của đại biểu.

 

Hạ tầng kỹ thuật của Bộ Tư pháp cũng được triển khai tập trung, thống nhất tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trên phạm vi toàn quốc. Để đảm bảo an toàn dữ liệu, năm 2019, Cục Công nghệ thông tin triển khai hạng mục Thuê lưu trữ dự phòng cho Trung tâm dữ liệu điện tử nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu cho các ứng dụng quan trọng.

Xác định đảm bảo an toàn an ninh thông tin là nhiệm vụ quan trọng, năm 2019, Cục Công nghệ thông tin đã tiến hành xây dựng các giải pháp, phương án phòng chống tấn công vào hệ thống Trung tâm Dữ liệu điện tử và mạng của Bộ. Kiểm tra đánh giá và quản lý rủi ro an toàn thông tin, phối hợp tổ chức diễn tập các phương án phòng chống tấn công và sao lưu phục hồi hệ thống khi sự cố xảy ra. Ngoài ra còn phối hợp với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin như Ban cơ yếu Chính phủ, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng - Bộ Công an.

Hình thành và đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

Về chữ ký số, đến nay 35 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và 63 Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được cấp chữ ký số cho tổ chức và chữ ký số cá nhân với tổng số gần 1.300 bộ chữ ký số. Về cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, hiện nay đã xây dựng các công cụ tiện ích phục vụ tiếp nhận yêu cầu, tra cứu, xác minh cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tính đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Số lượt nộp hộ sơ trực tuyến127.027.

Tính đến ngày 13/3/2020, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã được hình thành và đồng bộ tại 61/63  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 14.287.741 hồ sơ đăng ký hộ tịch, 8.222.281 hồ sơ đăng ký khai sinh, 1.953.181 hồ sơ được đăng ký kết hôn và 1.268.815 trường hợp được đăng ký khai tử. Trong năm 2019, Cục Công nghệ thông tin đã tiến hành nghiên cứu, bổ sung, nâng cấp Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch đáp ứng một số yêu cầu quản lý và đăng ký hộ tịch . 

Ngoài những mặt tích cực nêu trên còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đó là việc triển khai và ứng dụng chữ ký số chưa được khai thác, sử dụng triệt để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều người dân còn giữ thói quen muốn trực tiếp nộp hồ sơ hoặc nhận kết quả tại trụ sở cơ quan chức năng hoặc chưa an tâm về thời gian trả kết quả cũng như tâm lý còn e ngại, sợ thất lạc hồ sơ. Do đó, số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực cho xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành trên phạm vi toàn quốc…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận sự cố gắng của nhiều đơn vị, đặc biệt là sự nỗ lực của Cục Công nghệ thông tin trong việc ứng dụng CNTT. Trong bối cảnh hiện nay, các quy định pháp luật, các yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mong muốn của người dân, doanh nghiệp vào công nghệ thông tin là rất lớn, trong khi nguồn lực hiện có còn khó khăn, do vậy phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm để ưu tiên thực hiện hiện cho hợp lý.

Đưa ra một số nhiệm vụ cần phải thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu: “đối với những thủ tục hành chính có thể kết nối, chia sẻ với cơ quan khác thì cần làm sớm; cần kết nối tích hợp qua cổng dịch vụ công của Bộ hay từng đơn vị với cơ quan khác. Việc này sẽ rà soát, kiểm soát được quy trình, thủ tục hành chính mà Bộ Tư pháp đang thực hiện, quản lý”. 

Nhấn mạnh rằng, phải nhận thức rõ hơn về Chính phủ điện tử, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu, ứng dụng CNTT cần sự quyết liệt, chủ động hơn nữa của Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc các Sở Tư pháp.

 

Cơ bản thống nhất với Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Trưởng Lê Thành Long đã đánh giá cao Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ có nhiều cố gắng trong thời gian qua. Trong điều kiện nguồn lực có hạn nhưng bộ, ngành vẫn đáp ứng được cơ bản yêu cầu về Chính phủ điện tử. Bộ trưởng đề nghị sự vào cuộc chủ động, tích cực hơn nữa từ Cục Công nghệ thông tin đến các đơn vị sử dụng để có thể làm tốt và làm tốt hơn nữa trong điều kiện cơ sở vật chất hạn chế.

Cũng theo Bộ trưởng, trong thời gian tới trên cơ sở bám sát những nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cách thức và tính hiệu quả của việc thực hiện. Giao nhiệm cho Cục CNTT và các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng cũng khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc có sự đầu tư trở lại cùng Cục Công nghệ thông tin; nghiên cứu nâng cấp các phần mềm đã xây dựng để khai thác một cách hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho công việc của đơn vị.

Đọc thêm