Nhiều bệnh viện công thiếu nhân lực
Những ngày qua, cộng đồng xôn xao trước thông tin cháu bé sơ sinh tử vong ở Hà Tĩnh, sau đó nhiều người tỏ ra bức xúc trước thông tin bác sỹ trực Sản khoa ngày hôm đó lại là một bác sĩ chuyên ngành Răng Hàm Mặt. Vậy tại sao lại có chuyện một bác sỹ nha khoa lại trực Sản khoa? Theo lý giải từ phía bệnh viện là thiếu nhân sự.
Ông Phạm Hồng Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ giải thích: “Do thiếu người nên cả Khoa Sản chỉ có hai bác sĩ. Ngoài bác sĩ Đức thì còn một bác sĩ khác đang đi vắng. Vì thiếu người nên bác sĩ Quyền, chuyên Răng Hàm Mặt phải phụ trách. Sắp tới phải đề xuất xin Sở Y tế bổ sung người”.
Về phần mình, bác sĩ Quyền cho biết: "Đó là một ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời hơn 38 năm làm nghề y của tôi. Chứng kiến sự việc cháu bé tử vong tôi phải chạy ra ngoài để trấn tĩnh lại tinh thần. Cho đến hôm nay, sự việc đã qua được mấy ngày nhưng không đêm nào tôi ngủ được.
Cứ nhắm mắt lại là thấy hình ảnh đầy ám ảnh đó lại hiện ra. Tôi chỉ giúp các hộ sinh, các hộ sinh bảo tôi làm gì, lấy cái gì thì tôi sẽ làm cái đó. Còn việc tôi bị đình chỉ thì đó là việc của lãnh đạo. Kể cả bây giờ cho tôi về hưu tôi cũng về, không vấn đề gì cả”.
Việc thiếu nhân lực chuyên môn y khoa là câu chuyện dài và rất phổ biến trên toàn thế giới không riêng gì với nước ta. Đào tạo cho ngành Y là một việc rất khó và cực kì tốn kém, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, cho đến khi huấn luyện chuyên khoa, chuyên ngành để đủ khả năng khám chữa bệnh.
Ở nước ta những năm gần đây tại các địa phương tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế đang trở nên nghiêm trọng. Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong vòng 3 năm trở lại đây đã có 61 bác sĩ đồng loạt gửi đơn xin nghỉ việc, trong đó, có 31 bác sĩ biên chế và 30 bác sĩ hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế xin nghỉ.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ bác sĩ rất thấp, hiện chỉ khoảng 7,85 bác sĩ/vạn dân, trong đó thiếu nhiều nhất là An Giang và Tiền Giang. Hạn chế này đã tác động rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
BS CKI Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp trả lời truyền thông: "Cái khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực bác sĩ. Riêng đối với huyện Hồng Ngự hiện tại bây giờ chỉ có hơn 2 bác sĩ/1 vạn dân. Trong khi đó, tính ra huyện cần khoảng 60 – 80 bác sĩ”. Tỉnh An Giang cũng đang trong tình cảnh tương tự. Cơ sở thì có, nhưng bác sĩ thì chẳng bao nhiêu. Hiện toàn địa phương chỉ có khoảng 6 bác sĩ/ vạn dân.
Tại sao bác sĩ nghỉ việc?
Nguyên nhân khiến thiếu hụt bác sĩ, các bác sĩ xin nghỉ việc tại bệnh viện công phần lớn là do thu nhập quá thấp, áp lực công việc cao, làm việc trong môi trường căng thẳng (bị người nhà sẵn sàng chửi bới, hành hung…). Bởi thế, việc thu hút bác sĩ về làm việc ở các tỉnh đã khó, giữ chân bác sĩ ở lại làm việc lâu dài càng khó hơn.
Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị T gắn bó với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái được 9 năm nhưng rồi vì nhiều lý do, năm 2017 bác sỹ T quyết định rời bỏ bệnh viện tỉnh làm việc ở một bệnh viện khác chuyên về nhãn khoa ở Hà Nội. Theo bác sĩ này, thời gian làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác không thuộc chuyên môn, chị cảm thấy áp lực, vất vả.
Về mức thu nhập, bác sỹ T. cho biết, với thâm niên 9 năm công tác và hệ số lương mỗi tháng chị T. được 5 triệu đồng. Cộng các khoản phẫu thuật viên, trực đêm, tiền dịch vụ... thì tổng mức lương của chị T. nhận được là 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chuyển ra bệnh viện tư, lương cố định hàng tháng của chị T. đã 20 triệu, cộng các khoản tiền phẫu thuật viên, dịch vụ, tổng thu nhập là khoảng 30 triệu/tháng.
Tương tự, gần 10 năm làm việc trong bệnh viện công, năm 2018, bác sĩ Lê Văn C. (quê ở Thanh Hóa) đã quyết định từ bỏ bệnh viện công để ra Hà Nội làm việc tại một bệnh viện tư nhân. Bác sĩ C. chia sẻ, môi trường làm việc ở bệnh viện công áp lực, phải khám hàng trăm lượt bệnh nhân/ngày.
Việc khám quá nhiều bệnh nhân/ngày có thể dẫn đến chất lượng khám sẽ không tốt, đôi khi còn gây cho bác sĩ những tính xấu như cáu gắt, khiến bệnh nhân không hài lòng. Quay lại sự việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), có thể nhận thấy nếu như bệnh viện đủ người, nha sĩ được làm đúng chuyên môn nhiệm vụ thì có thể đã không xảy ra tình trạng “thai chết lưu không nhận biết được”.