Trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi để quản lý tại gia, và đây là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt có thể được ở ngoài.
Người xưa có câu “một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”. Được thi hành án hình sự tại nhà mình quả là một điều đặc biệt dù có bị giam trong lồng sắt hay phòng nhỏ. Họ sẽ được trò chuyện với người thân, sẽ không lo một mình lúc ốm đau...
Không gian giữa người tù và gia đình sẽ có sự kết nối, ngăn cách bị loại bỏ và cũng là môi trường tốt cho phạm nhân có chí hướng cải tạo.
Nhưng sẽ rất nhiều vấn đề đặt ra cho cơ quan thi hành án là Bộ Công an và người nhà phạm nhân. Khi đồng ý cho “tù tại gia” thì trách nhiệm của người nhà phạm nhân sẽ rất lớn, từ việc giám sát, trông coi, hỗ trợ phạm nhân trong sinh hoạt mà theo như đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì “giảm tải cho khu vực Nhà nước nhưng lại đẩy vào gia đình”.
Và khi người nhà trông nom, chính quyền giám sát thì chắc chắn việc trông coi của gia đình phạm nhân sẽ nặng nề. Vậy ai sẽ là người trong gia đình phạm nhân nhận trách nhiệm này, họ có được trả lương hay không? Vì việc trông coi tù cải tạo là việc của các giám thị.
Nếu một người bị tuyên phạt “tù tại gia” nhưng gia đình không có ai trông coi như bận đi làm, nhà neo người, thì việc giám sát sẽ ra sao? Nó sẽ xảy ra mẫu thuẫn, thậm chí khiếu nại về sự công bằng trong việc “tù tại gia, như gia đình kia muốn người thân mình được “tù tại gia” nhưng không được, nhưng cũng có gia đình không muốn đón nhận mà tòa cứ tuyên án như vậy sẽ xảy ra khó xử lý.
Tiếp đến là vấn đề an ninh cho phạm nhân thụ án tại nhà. Khi thụ án thì dĩ nhiên họ sẽ phải ở trong nơi giam giữ sau những giờ cải tạo theo quy định, nhưng nếu gia đình cầm chìa khóa hay có quan hệ, mua chuộc người giám sát để phạm nhân ra ngoài đi chơi như người bình thường thì sao?.
Và nếu họ có ý định bỏ trốn, vượt biên thì lúc đó trách nhiệm xử lý gia đình ra sao, hoặc như ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: “Nếu đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao? Chúng ta có thể thấy rất khó để xử lý vấn đề này”.
Vấn đề đặt ra không mới. Việc này đã được đưa ra bàn thảo trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và nhiều nước đã áp dụng nhưng vấn đề thực thi ở nước ta cần phải bàn thảo rất kỹ càng, tránh xảy ra hệ lụy.
Hệ lụy như việc “chạy án” cho việc “tù tại gia” sẽ dẫn tới việc tiêu cực trong ngành tòa án, làm suy yếu pháp luật. Rồi khi phạm nhân được thụ án tại gia đình thì tinh thần tự do chắc chắn sẽ hơn ở trại giam, và nếu khi ra ngoài họ tiếp tục gây án thì sẽ rất khó khăn trong việc xử lý, truy bắt.
Một vấn đề nữa rất nhạy cảm về mặt hình ảnh là trong nhà bỗng dưng giam lỏng một người, bạn bè khách khứa đến nhìn thấy sẽ gây ái ngại cho gia đình, con cái suốt ngày nhìn thấy cha hay mẹ bị giam lỏng như vậy cũng đau lòng, thà khuất mắt thì tình thương khác đi.
Rồi việc xây cất phòng giam ở đâu là hợp lý và khi cho phép “tù tại gia”, ngân sách nhà nước lại phải tiêu tốn thêm về xây dựng, quản lý, gắn chíp, công an xã, phường sẽ phải làm thêm việc trông coi phạm nhân, hướng dẫn cải tạo… gây nhiều khó khăn trên địa bàn.
Và không phải cộng đồng nào cũng dễ chấp nhận có phạm nhân được thi hành án tại địa phương, khi mà việc quản lý tại gia lại lỏng lẻo, không chặt chẽ bằng trại giam.
Một việc rất nặng nề, cần có chuyên môn, nghiệp vụ, lại đẩy về cho gia đình cùng với những cán bộ chưa có kinh nghiệm chắc chắn sẽ xảy ra nhiều điều đáng tiếc.