Tại phiên tòa sơ thẩm, từ lời khai của Dương Chí Dũng về việc được một cán bộ cấp cao của Bộ Công an “mật báo” để “tạm lánh”, TAND TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”…Liệu Dương Chí Dũng có giữ nguyên nội dung khai báo, hay rút lại lời khai, hay khai thêm những nội dung mới? Và những nội dung khai báo đó liệu còn có ý nghĩa gì với Dương Chí Dũng khi mà vị cán bộ cấp cao bị tình nghi là “mật báo” đã từ trần, và Dương Chí Dũng thì đã trở thành tử tù sau khi bị TANDTC tuyên y án tử hình về tội “Tham ô”?
Đại án Vinalines và “đại án” gia đình họ Dương
Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Hà Nội đã kết luận, sau khi nghe tin mình bị khởi tố trong vụ án tại Vinalines, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) đã gọi điện thoại cho em trai là Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.Hải Phòng) và được Trọng tổ chức cho Dũng trốn đi nước ngoài. Được sự giúp sức của cấp dưới và các “chiến hữu”, Trọng đã đưa Dương Chí Dũng trốn chạy từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, vào TP.HCM, rồi vượt biên sang Campuchia, bay qua Singapore để định đi Mỹ. Tuy nhiên, do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên Dương Chí Dũng đã phải quay lại Campuchia và bị bắt ở đây vào tháng 9/2012.
Từ nhận định này, bản án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù, Vũ Tiến Sơn 13 năm tù, Trần Văn Dũng 8 năm tù, Đồng Xuân Phong 7 năm tù, Nguyễn Trọng Ánh 6 năm tù, Hoàng Văn Thắng 5 năm tù, Phạm Minh Tuấn 5 năm tù. Chỉ duy nhất Hoàng Văn Thắng không kháng cáo, còn lại các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt.
Số phận vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” ra sao?
Ngoài việc ra phán quyết đối với các bị cáo như trên thì HĐXX sơ thẩm còn ra Quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 BLHS. Việc khởi tố này dựa trên lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, lời khai của Dương Chí Dũng với tư cách người làm chứng về việc Dũng được một cán bộ cấp cao của Bộ Công an (hiện đã từ trần) báo tin khởi tố vụ án tại Vinalines và khuyên Dũng “tạm lánh một thời gian”; dựa trên đề nghị của Kiểm sát viên và quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước; Danh mục bí mật nhà nước mức độ “tuyệt mật” và “tối mật” của Bộ Công an…
HĐXX sơ thẩm cũng đã đề nghị VKSND TP.Hà Nội báo cáo VKSNDTC để xử lý theo quy định về lời khai của Dương Chí Dũng tại Tòa rằng, đưa cho vị cán bộ cấp cao 510.000 USD, đưa cho hai cán bộ khác ở Cục C48 Bộ Công an 20.00 USD và 10.000 USD. Ngoài ra, Dương Chí Dũng còn khai chuyển cho vị cán bộ cấp cao 20 tỷ đồng liên quan đến dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát…
|
Dương Chí Dũng là nhân chứng trong vụ án của em trai |
Tuy nhiên, đến nay cơ quan tố tụng mới khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, chưa khởi tố bị can; mặc dù vị quan chức bị Dương Chí Dũng tố cáo có hành vi mật báo đã từ trần nhưng chưa có thông tin chính thức diễn biến vụ án đến đâu hoặc đã đình chỉ vụ án hay chưa?
Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC, là người rất quan tâm đến vụ án này cho biết, để khẳng định lời “mật báo” của Dương Chí Dũng có đúng hay không, phải tiến hành xác minh lời khai của Vũ Tiến Sơn, Dương Tự Trọng, thời gian và nội dung cuộc họp ngày 17/5, quyển sổ nhật ký (sổ vạn sự)…
Đồng quan điểm, Luật sư (LS) Hoàng Ngọc Hiển (Hà Nội) cũng cho rằng vẫn phải tiếp tục điều tra làm rõ vụ án làm lộ bí mật nhà nước. Trường hợp điều tra mà không có dấu hiệu phạm tội thì sẽ phải đình chỉ vụ án, nếu không có dấu hiệu phạm tội đồng nghĩa với việc Dương Chí Dũng đã có hành vi “vu oan giá họa”, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự vì hành vi “Khai báo gian dối”.
Chỉ trường hợp cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu phạm tội nhưng vì nhiều lý do không thể thu thập chứng cứ làm rõ được thì Dương Chí Dũng mới không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Dương Chí Dũng có hy vọng “xuống án”?
Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là hiện Dương Chí Dũng đã bị tuyên y án tử hình nhưng cuộc điều tra về “người mật báo” vẫn chưa đi đến hồi kết. Trường hợp Dương Chí Dũng vẫn giữ nguyên lời khai về “người mật báo” thì liệu lời khai đó còn có ý nghĩa gì với số phận của Dương Chí Dũng hay không?
Thạc sỹ Phạm Thanh Bình cho rằng vấn đề này đã được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 58 Luật Thi hành án hình sự. Theo đó, “Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình trong trường hợp sau:... Ngay trước khi thi hành án, người chấp hành án khai báo những tình tiết mới về tội phạm”.
Gần 20 năm trước, bị án Siêng Phênh trước giờ ra pháp trường đã khai ra Vũ Xuân Trường và một số cán bộ công an dính líu đến đường dây buôn bán ma túy. Lời khai của Siêng Phênh đã mở ra một vụ án lớn khác và sau đó Siêng Phênh đã được tha tội chết.
Cũng theo Thạc sỹ Bình, tại Khoản 4 Điều 58 Luật Thi hành án hình sự quy định: “Trường hợp thi hành án theo quy định tại Điểm b và c Khoản 1 Điều này mà lý do hoãn không còn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu Hội đồng thi hành án tiếp tục thực hiện việc thi hành án”.
Theo ông Bình, giả sử trong trường hợp này, việc áp dụng án tử hình với Dương Chí Dũng sẽ được hoãn cho tới khi vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” được giải quyết (có kết luận của Cơ quan điều tra là không có hành vi phạm tội hoặc có bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật)./.