Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (bên trái ảnh) – Trung tâm Tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng Trung ương (TƯ) Hội Luật gia Việt Nam cho biết, hiện Trung tâm chưa tiếp cận được tất cả các trại giam trên cả nước để thực hiện tư vấn cho phạm nhân nên sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động của Trung tâm ở các tỉnh trong thời gian tới.
Phát huy mô hình “đồng bệnh tương lân”
Do đâu mà từ 2 năm trước, TƯ Hội thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, thưa bà?
- Công tác tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động cơ bản, thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội theo chủ trương xã hội hóa công tác này. Từ nhận thức đó, các cấp Hội đã không ngừng đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa hình thức, đối tượng của các hoạt động tư vấn pháp luật.
Qua hoạt động tư vấn pháp luật, chúng tôi nhận thấy cùng với nhu cầu được tư vấn pháp luật của người dân thì phạm nhân, những người đang bị tạm giam lại đặc biệt cần được tư vấn pháp luật để tiếp cận, nâng cao hiểu biết về pháp luật, người bị tạm giam nhận thức rõ hơn việc thi hành pháp luật thông qua việc hợp tác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, để các phạm nhân hiểu rõ hơn giá trị của quá trình cải tạo. Đồng thời, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, họ có thể tái hòa nhập cộng đồng và ngăn ngừa nguy cơ tái phạm. Ban đầu, TƯ Hội Luật gia Việt Nam muốn áp dụng kinh nghiệm ở Thụy Điển, giúp những người từng chấp hành án phạt tù có một tổ chức hỗ trợ lẫn nhau khi tái hòa nhập cộng đồng, tuy nhiên do chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam nên năm 2011 đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.
Sau một thời gian Trung tâm hoạt động, TƯ Hội đã ký thỏa thuận với Tổng cục VIII (Bộ Công an) để phối hợp trong hoạt động tư vấn pháp luật cho phạm nhân tại các trại giam trước khi họ được mãn hạn tù. Trước đây, chúng tôi cũng tiến hành hoạt động này ở các trại tạm giam và những người bị tạm giữ theo một dự án do UNDP tài trợ, nhưng đến nay Trung tâm chỉ tập trung vào nhóm đối tượng là những người sắp hết hạn tù và những đối tượng đã tái hòa nhập cộng đồng.
Cán bộ Trung tâm đã làm thế nào để có thể khiến những đối tượng “khó tiếp cận” do mặc cảm thân phận “đi tù” này đến nghe tư vấn pháp luật?
- Như tôi đã nói, chúng tôi tập trung vào các đối tượng là những phạm nhân chuẩn bị mãn hạn tù và những đối tượng đã tái hòa nhập cộng đồng. Đối với những người còn ở trong các trại giam, chúng tôi làm việc với Ban Quản lý trại và nhờ tập trung những người còn phải chấp hành án khoảng 3 tháng đến tham gia tư vấn để việc tư vấn được tập trung, thống nhất do họ sẽ thường có cùng nhu cầu. Khi còn có sự hỗ trợ của dự án SIDA (Thụy Điển), chúng tôi có hỗ trợ một phần kinh phí học nghề cho các đối tượng này, nhưng hiện chỉ còn thực hiện hoạt động tư vấn, 1-2 cuộc/tháng tại một số trại giam. Trong 3 năm (2011-2013), chúng tôi đã hỗ trợ được 24 trường hợp học nghề và nhiều người sau khi ra tù vẫn duy trì nghề đã học để kiếm sống.
Bản thân các trại cũng có các lớp “đầu ra” gồm tư vấn pháp luật, tư vấn kỹ năng sống và thông báo tình hình thời sự để phạm nhân khi ra trại khỏi bỡ ngỡ trước cuộc sống. Trung tâm thường phối hợp với các trại giam để tư vấn kỹ năng sống và tư vấn pháp luật cho phạm nhân. Sau một thời gian, nhiều phạm nhân cũng biết đến Trung tâm, một số sau khi mãn hạn tù vẫn liên lạc, đến tận nơi để tiếp tục xin tư vấn.
Đối với những đối tượng đã mãn hạn tù và tái hòa nhập cộng đồng, ban đầu chúng tôi muốn trực tiếp tiếp cận, tư vấn nhưng rất khó vì họ luôn mặc cảm, không muốn mọi người biết về quãng thời gian ở tù do xã hội còn tương đối kỳ thị nên chúng tôi phải nhờ bên công an mời họ đến UBND xã, phường tham gia tư vấn. Dần dần thì cũng tạo được niềm tin với họ để duy trì hoạt động khá đều, 1-2 cuộc/tháng, nhưng khi bắt đầu qui trình với những đối tượng mới thì điểm khó này vẫn lặp lại.
Ngoài ra, Trung tâm cũng tư vấn tại văn phòng của Trung tâm, chủ yếu là qua điện thoại. Đặc biệt, chúng tôi cũng mời những cộng tác viên chính là một số phạm nhân đã tái hòa nhập cộng đồng thành công đi cùng để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các đối tượng được tư vấn, tạo sự đồng cảm cho họ vì “đồng bệnh tương lân” mà.
Mối quan tâm chung của những người được Trung tâm tư vấn là gì?
- Do chuẩn bị được mãn hạn tù, đa số những người được tư vấn đều có nhu cầu cao tìm hiểu về xóa án tích, đặc xá, các qui định về hôn nhân gia đình, thừa kế..., đặc biệt là chính sách hỗ trợ họ vay vốn ngân hàng, tìm việc làm, nhất là Nghị định 80/2011/NĐ-CP qui định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, phạm nhân giữa các vùng miền cũng có một số mối quan tâm khác nhau, như phạm nhân ở các tỉnh miền Trung lại quan tâm nhiều đến những qui định về chế độ, chính sách đối với các gia đình có công vì nhiều người xuất thân trong các gia đình này.
Trong quá trình tư vấn, chúng tôi ít gặp trường hợp nhờ tư vấn giải quyết các mâu thuẫn giữa phạm nhân với cán bộ trại giam một phần vì đây đều là những người đã sắp mãn hạn tù, cũng chưa gặp trường hợp kêu oan sai mà chủ yếu là nhờ xin lại giấy tờ chứng nhận đã thi hành xong phần án dân sự để hoàn thiện hồ sơ chấp hành án phạt tù.
Gặp khó từ đối tượng và cả… trại giam
Có trường hợp nào tái phạm sau khi được tư vấn không, thưa bà?
- Có chứ. Đâu phải cứ được tư vấn pháp luật, hiểu pháp luật là họ không tái phạm. Chúng tôi chưa có thống kê chính thức về vấn đề này, tuy nhiên, qua một số trường hợp chúng tôi theo dõi thì vẫn có những người tái phạm, chủ yếu là những đối tượng thuộc nhóm ma túy. Đây cũng là một khó khăn của Trung tâm vì những đối tượng này khó dứt con đường nghiện hút nên tái phạm là phổ biến.
Bà có thể chia sẻ về khúc mắc lớn nhất trong thực tiễn hoạt động của Trung tâm đến nay là gì?
- Hoạt động của Trung tâm luôn khó nhất là ở việc tiếp cận các đối tượng, nhất là những người đã mãn hạn tù và trở về cộng đồng do mặc cảm của họ như tôi đã nói. Ngoài ra, đa số các đối tượng trông chờ hoạt động tư vấn của Trung tâm mang đến cho họ những hỗ trợ về kinh tế như cơ hội vay vốn, tìm việc làm… nhiều hơn chỉ là tư vấn pháp lý, lại không thuộc phạm vi, khả năng của Trung tâm. Tuy vậy, chúng tôi cũng đã phối hợp với Quỹ hoàn lương do Thành hội Luật gia TP.HCM thực hiện, giới thiệu những người đã mãn hạn cho Quỹ để có hỗ trợ nhưng do điều kiện tài chính nên việc Quỹ hỗ trợ cho các đối tượng này cũng còn hạn chế.
Hiện Trung tâm đã thực hiện hoạt động tư vấn được ở tất cả các trại giam chưa?
- Chúng tôi rất tiếc là chưa tiếp cận được tất cả các trại giam, nhưng với sự phối hợp của Tổng cục VIII (Bộ Công an), Trung tâm đã tổ chức trợ giúp pháp lý tại các trại giam, tại tạm giam ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Điện Biên, Hải Dương, Nghệ An, Ninh Bình, Hòa Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Thuận, Hà Tĩnh… cho những người đang chờ xét xử hoặc sắp chấp hành xong án phạt tù. Thời gian tới, chúng tôi cũng đặt mục tiêu mở rộng hoạt động của Trung tâm ở các tỉnh. Các Tỉnh, Thành hội sẽ là các chi nhánh của Trung tâm tại các địa phương vì phần lớn hoạt động tư vấn pháp luật tại trại giam và tại cộng đồng cho những người đã chấp hành xong án phạt tù mà Trung tâm tiến hành phụ thuộc chủ yếu vào uy tín của lãnh đạo Tỉnh, Thành hội với Ban Quản lý các trại giam vì thực tế, dù Bộ Công an đã có công văn đến các trại giam đề nghị hợp tác với Trung tâm trong hoạt động tư vấn pháp luật này nhưng không phải muốn vào trại nào làm cũng được…
Trân trọng cảm ơn bà!
Bình Thuận là một trong những địa phương thực hiện tư vấn pháp luật cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù (tại Trại giam Thủ Đức của Bộ Công an) và những người đã chấp hành xong án phạt tù đang cư trú tại cộng đồng.
Luật gia Nguyễn Kiến Quốc – Chủ tịch Hội Luật gia (HLG) tỉnh Bình Thuận - khẳng định, đây thực sự là hoạt động mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích, đáp ứng nhu cầu của can phạm, phạm nhân. Qua tư vấn pháp luật của HLG, các bị can, bị cáo nhận thức rõ hơn về qui định pháp luật, quyền và trách nhiệm, tăng khả năng tự bảo vệ của họ trong quá trình tố tụng, giúp họ phần nào bớt tâm lý tội phạm, bức xúc, tự ti, yên tâm thi hành án, giúp những người đã chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống và phòng ngừa tái phạm. Kết quả chung cho thấy, 70% can phạm, phạm nhân đánh giá hoạt động này giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật để cải tạo tốt hơn, 61% đối tượng cho rằng họ được tạo môi trường thoải mái hơn qua công tác tư vấn pháp luật.
“Do đối tượng của hoạt động tư vấn pháp luật này rất đặc biệt, có tính nhạy cảm cao nên để phát huy hiệu quả hoạt động thì “rất cần “độ mở” trong hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là cơ quan công an” - Chủ tịch HLG tỉnh Bình Thuận kiến nghị.