Tục giỗ tổ nghề sân khấu: Ý nghĩa đặc biệt với nghệ thuật truyền thống

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hằng năm cứ vào dịp 12 tháng 8 âm lịch, các nghệ sĩ sân khấu nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam lại tề tựu, vui vầy nhân ngày giỗ Tổ nghề sân khấu. Đây không chỉ là dịp để giới nghệ sĩ bày tỏ lòng tri ân đến các bậc tiền nhân có công xây dựng, phát triển ngành sân khấu mà còn là dịp để các nghệ sĩ gắn kết với nhau hơn và ý thức hơn về trách nhiệm với nghề.
Tục giỗ tổ nghề sân khấu: Ý nghĩa đặc biệt với nghệ thuật truyền thống

Giá trị nghệ thuật truyền thống

Từ nhiều năm trở lại đây, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu 12 tháng 8 âm lịch đã trở thành ngày lễ quen thuộc ở Việt Nam. Cứ đến ngày này, giới nghệ sĩ khắp nơi trên cả nước đều hướng về Tổ nghiệp. Với những nghệ sỹ làm nghệ thuật, ngày này có ý nghĩa tâm linh rất lớn, là sự tri ân với các bậc tiền nhân đã sáng tạo ra nghệ thuật sân khấu. Được biết, ngày lễ giỗ Tổ chính thức lần đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 12 tháng 8 năm 2010 âm lịch (tức 18/9/2011) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tục lệ giỗ Tổ nghề sân khấu đã tồn tại hơn chục năm thế nhưng nếu nói một cách chính xác thì đến nay ngày giỗ Tổ sân khấu vẫn chưa được chính thức công nhận. Trên thực tế chỉ có ngày giỗ Tổ hát bội và ngày Sân khấu Việt Nam. Xuất phát ban đầu từ nghệ thuật truyền thống hát bội dần dần giỗ Tổ đã trở thành ngày hội chung của mọi người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí. Có thể nói, cách gọi giỗ Tổ sân khấu như một sự mở rộng ý nghĩa từ giỗ Tổ hát bội.

Từ đó tới nay, ngày giỗ Tổ nghề sân khấu được tổ chức trọng thể khắp cả nước. Các hoạt động trong ngày giỗ Tổ thường chia làm hai phần: Phần dâng hương, làm lễ và phần hội. Trong phần dâng hương, vai trò chủ tế thường được giao cho những nghệ sĩ gạo cội, có nhiều đóng góp cho sân khấu. Trong phần hội, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn chung vui với nhau hoặc tri ân khán giả.

Theo các nhà nghiên cứu, có rất nhiều giai thoại về ngày giỗ Tổ của ngành Sân khấu Việt Nam nhưng giai thoại nào cũng chỉ mang tính ước lệ, rất khó để xác định cụ thể nguồn gốc của ngày giỗ này. Một trong những giai thoại được nhiều người tin nhất là truyền thuyết về một nhà vua không có con nên thường xuyên làm lễ cầu xin trời phật ban phúc, mỗi lần làm lễ lại cho người đóng vai thần tiên múa hát. Sau này, hoàng hậu hạ sinh được hai vị hoàng tử. Cả hai lớn lên đều rất mê ca hát. Vì mê xem hát mà các hoàng tử bỏ ăn, bỏ ngủ, sức khỏe suy sụp, nên vua cha cấm các con xem hát. Các hoàng tử đã lén rời khỏi hoàng cung, chui vào bộng cây vông nem để trốn theo gánh hát, nhưng không may hỏa họa xảy ra khiến họ qua đời. Ngày ấy là 12 tháng 8 âm lịch.

Theo NSND Đinh Bằng Phi, người có nhiều năm nghiên cứu về hát bội cho biết, theo truyền thuyết tuy hai hoàng tử đã về suối vàng nhưng vẫn hay hiện về để xem đào kép ca diễn. Do vậy, giới nghệ sĩ quyết định lập bàn thờ phụng kính là Tổ nghiệp. Bởi thế, trên bàn thờ trong các đoàn hát thường có đặt hai cốt gỗ nhỏ như búp bê, tượng trưng cho hai vị hoàng tử.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều giai thoại khác, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ rằng nhiều nghệ sĩ tin rằng Tổ của ngành sân khấu gồm ba vị Tiên sư, Tổ sư và Thánh sư, gọi chung là Tam vị Thánh Tổ. Tiên sư là vị khai sáng ra nghề, Tổ sư là người tiếp nối, lưu truyền nghề và Thánh sư là vị soạn giả có tài văn chương.

Ngày “Tết đặc biệt” của giới nghệ sĩ

Cho đến nay, ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ của bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng. Giờ đây không chỉ các nghệ sĩ sân khấu mà ngay cả những người hoạt động trong các loại hình biểu diễn khác như phim ảnh, ca nhạc, MC, người mẫu... cũng háo hức tham gia các hoạt động của ngày giỗ Tổ.

Trong ngày này, các nghệ sĩ thường trở về những nhà hát, sân khấu, đoàn thể mình đã trưởng thành. Như ở Hà Nội, giới sân khấu thường quy tụ về Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam… Còn ở TP HCM, giới kịch nói quy tụ về các sân khấu như Hồng Vân, Sân khấu Trịnh Kim Chi, 5B Võ Văn Tần,... Các nghệ sĩ cải lương gạo cội như Minh Vương, Thanh Tuấn, Kim Cương,… lại có chương trình riêng.

Quả không ngoa khi nói rằng dịp giỗ Tổ nghề là ngày “Tết đặc biệt” của giới nghệ sĩ. Dù bận rộn đến đâu, các nghệ sĩ cũng thu xếp để về dự giỗ Tổ, dâng nén nhang tưởng nhớ và cầu nguyện Tổ nghiệp phù hộ. Đây cũng là dịp anh chị em đồng nghiệp các thế hệ gặp gỡ nhau, cùng hàn huyên, chia sẻ với nhau nhiều chuyện đời, chuyện nghề. Từ đó cùng nhắc nhở nhau có ý thức hơn và trách nhiệm với nghề.

Sau 2 năm liền sân khấu vắng lặng dịp “Tết nghề” do dịch bệnh COVID-19, vào tháng 8 âm năm nay nghệ sĩ mọi miền đã cùng tề tựu, vui vầy nhân ngày giỗ Tổ nghiệp. Tại Hà Nội, lễ giỗ Tổ nghề sân khấu 2022 đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, diễn viên miền Bắc. Ngoài ra, Hội Sân khấu Hà Nội cũng trang trọng tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIII và Ngày giỗ Tổ của ngành sân khấu, đông đảo các nghệ sĩ gạo cội cũng đã có mặt tại buổi lễ.

Tại TP HCM, tổ chức bài bản nhất có lẽ là đơn vị Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP HCM. Nơi đây bài trí bàn thờ Tổ đẹp và đủ lễ nghi, từ việc ban trống, niệm hương đến làm lễ đại bội. Nhiều lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Hội Sân khấu TP HCM đến các ban quý tế từ các lăng, hội đình… đã có mặt để vui chung ngày giỗ Tổ của các nghệ sĩ hát bội. Đồng thời, Nhà hát Trần Hữu Trang, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Kịch TP HCM, Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Thế Giới Trẻ… cũng đồng loạt tổ chức ngày giỗ Tổ.

Năm nay cũng là năm đầu tiên Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM tổ chức kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam. Tại Nhà hát TP HCM, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM – phát biểu: “Ngày này nhắc nhở người nghệ sĩ rằng lộc Tổ không tự nhiên có mà phải bằng sự trau dồi nghề nghiệp, tu dưỡng đạo đức và trách nhiệm công dân. Mọi vinh quang sẽ qua đi, điều còn lại trong trí nhớ của người mộ điệu mới là vĩnh cửu”.

Thông qua những hoạt động trên ta thấy được giới nghệ sĩ và các sở, ban, ngành đang ngày càng coi trọng ngày giỗ Tổ nghề sân khấu. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy được sự trân trọng, say mê với nghề nghiệp của các nghệ sĩ cũng như sự quan tâm, đầu tư phát triển của Đảng và Nhà nước với lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Trước hoạt động sôi nổi nói trên, nhiều chuyên gia đánh giá rằng việc lan tỏa giá trị văn hóa của lễ giỗ Tổ sân khấu đến công chúng sẽ là phương thức hiệu quả để giữ gìn bản sắc cũng như phát huy sức mạnh văn hóa nghệ thuật trong thời đại mới.

Năm 2011, Thủ tướng đã ký và ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12/8 âm lịch làm ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là hoạt động kỷ niệm nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân, đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.