Năm Nguyễn Thanh Tuấn (tức Tuấn "sóc", SN 1961, ngụ xóm bãi Vân Đồn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới 3 tuổi, mẹ đã mất vì bạo bệnh. Người bố chán cảnh nghèo khổ của gia đình, sau đó cũng bỏ nhà đi biệt tích.
Tuấn lớn lên trong sự chăm sóc của bà nội. Bà cũng nghèo, chạy chợ chỉ đủ lo miếng ăn cho hai bà cháu, vì thế, Tuấn chưa bao giờ được đến trường. Tuấn càng lớn, việc chăm sóc, giáo dục cháu ngày càng khó khăn bởi bà nội giờ đã quá già yếu.
Không được đi học, không được dạy dỗ, mười mấy tuổi đầu, để kiếm miếng ăn, Tuấn đã lao vào cuộc sống bụi đời...
Bụi đời Hà Thành đi cướp ở... miền Trung
Nhập bọn với vài đứa bạn cùng cảnh ngộ, đến một ngày, Tuấn bỏ nhà, lên tàu hỏa đi tìm chân trời mới. Làm gì có tiền mua vé, Tuấn cùng đám bạn chạy trốn soát vé khắp các toa. Lúc không thể trốn đi đâu nữa, họ đu cửa sổ, trèo lên nóc, chờ người kiểm soát đi khỏi, mới lại chui xuống.
Cứ chui lủi như vậy, nhóm Tuấn cũng vào được tận miền Trung. Họ quyết định xuống ở ga TP.Huế để thử vận may với suy nghĩ, nếu không ổn, sẽ lại lên tàu, tìm đường đi tiếp.
Ngay đêm đầu tiên ở nơi xa lạ, nhóm bụi đời Hà Thành đã bị đám anh chị địa phương bắt nạt. Lần đầu tiên đi xa, nghe giang hồ bản địa nói toàn "mô, tê, răng, rứa", nhóm Tuấn không hiểu họ nói gì để trả lời. Vậy là bị quy cho tội coi thường đàn anh, bị quây đánh.
Yếu thế hơn nhưng nhóm Tuấn cũng toàn những kẻ ngang ngược, không buông tay chịu trận mà chống cự quyết liệt. Kết cục, dù bị đánh cho bầm dập, nhóm bụi đời Hà Thành cũng kịp cho mấy người của phe đối phương "đo ván".
Thấy đám trẻ mặt mũi lạ hoắc, nói giọng Bắc, lại tỏ rõ "gan cóc tía", người cầm đầu nhóm anh chị miền Trung cũng phần nào nể nang. Tỏ ra quân tử, sau vụ ẩu đả, đàn anh này lệnh cho đám đàn em đưa nhóm Tuấn về chăm sóc tử tế. Lành những vết thương trên người cũng là lúc Tuấn cùng đám bạn gia nhập vào băng du đãng này.
Đây là băng nhóm chuyên cướp bóc, giật dọc trên các chuyến tàu. Với đặc điểm hầu như gồm toàn thiếu niên, chúng đóng giả trẻ ăn xin, trẻ bán hàng dạo, lẩn khuất vào dòng người đi tàu.
Thực chất, trong người chúng lúc nào cũng kè kè đủ loại hung khí. Chỉ cần tăm tia thấy hành khách nào có chút tài sản, chúng lập tức phát tín hiệu, kéo đồng bọn đến trộm cắp hoặc dí dao trấn lột. Thực hiện xong các phi vụ, chúng lập tức lao qua cửa sổ toa tàu, biến mất dạng sau các cánh đồng, rặng núi.
Theo chân băng nhóm mới, thấy đây là mảnh đất dễ kiếm ăn, nhóm Tuấn quên hẳn mục đích "đi tìm chân trời mới" ban đầu. Họ nhanh chóng trở thành những tội phạm "nhí", trộm cướp như chảo chớp, leo tàu nhảy tàu như sóc. Biệt danh "sóc" gắn liền với Tuấn bắt đầu từ thời điểm này.
"Hoạt động" phạm pháp lộng hành ở miền Trung chừng hơn một năm, cơ quan chức năng ngày càng siết chặt an ninh, nhiều thành viên trong băng nhóm đã phải tra tay vào còng. Sớm ranh ma hơn các "đồng nghiệp", Tuấn hiểu rằng không thể "làm ăn" quá lâu ở một địa điểm.
Một ngày, gã nháy đám bạn đồng hương, âm thầm tách nhóm. Không tiếp tục hành trình dự tính, gã quyết định quay ngược ra Bắc với suy nghĩ "cướp giật thì ở đâu chả thế".
Hơn một năm trước, lúc lên tàu, nhóm Tuấn chỉ là những đứa trẻ nghèo khổ, định đi tìm nơi nào đó nhiều cơ hội hơn. Vậy mà giờ đây trở về, vì bước lầm đường, họ đã trở thành những tên cướp thực sự. Thời gian sau đó, nhóm Tuấn kết nạp thêm nhiều thành viên, vẫn kịch bản cũ, tiếp tục hoạt động trộm cướp trên những chuyến tàu khắp các tỉnh phía Bắc.
40 tuổi mới hiểu giá trị của cuộc sống lương thiện
Mãi đến năm 1981, khi tròn 20 tuổi, Tuấn "sóc" mới bị trả giá. Sau nhiều tháng theo dõi, cảnh sát đã tóm gọn hầu hết các thành viên trong băng nhóm của gã. Là một trong những kẻ cầm đầu, Tuấn phải nhận bản án 5 năm tù. Năm 1986, được tha, lần đầu tiên sau gần 7 năm bỏ đi, Tuấn mới trở về nhà. Bà nội gã lưng đã còng, mắt mờ không còn nhìn rõ. Tuy thế, bà vẫn nhận ra cháu. Thương cháu lầm đường lạc bước, bà van nài Tuấn đừng đi nữa, ở nhà bà cháu rau cháo có nhau.
Cảm động trước tình cảm của bà, Tuấn nghe lời, ở lại. Tuy nhiên, những năm 1980, lý lịch "từng đi tù" là điều gì đó rất ghê gớm, khiến gã không thể xin được việc làm. Sự cùng quẫn trong cuộc sống, sự kỳ thị của xã hội đẩy gã sớm trở lại con đường tội phạm. Có điều, thời điểm này, Tuấn "sóc" hoạt động theo kiểu "độc lập tác chiến". Ban ngày gã ở lì trong nhà hút thuốc lào vặt, đến đêm mới dắt hung khí vào người, lang thang tìm "mồi".
Chưa đầy một năm sau khi ra tù, gã đã phạm trọng tội. Cướp tài sản của một phụ nữ, bị chống cự quyết liệt, gã điên tiết, vung dao đâm trọng thương nạn nhân. Cảnh sát nhanh chóng lần ra thủ phạm. Tuy nhiên, đánh hơi thấy nguy hiểm, Tuấn "sóc" đã kịp bỏ trốn. Gã theo tàu lên thẳng một vùng giáp biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn, nơi trước kia, từng cùng đồng bọn lộng hành trộm cướp. Tại đây, sau một thời gian nằm im nghe ngóng, thấy có vẻ yên, gã lại tụ tập chiến hữu, lập thành băng nhóm.
Với tăm tiếng cũ, băng Tuấn "sóc" nhanh chóng có vị thế trên địa bàn. Trong gần 5 năm, Tuấn "sóc" và đồng bọn sống xa hoa chủ yếu bằng việc áp tải các loại hàng cấm qua biên giới. Ngoài ra, theo lệnh Tuấn, đám đàn em còn rình mò các băng nhóm khác, hễ thấy chuyến hàng nào ngon ăn, lập tức ra tay cướp bóc.
"Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", việc làm này dần bị đám anh chị vùng biên phát hiện. Tức giận vì phong cách "chơi" không đẹp, các băng nhóm đối địch liên kết nhau, quyết thanh toán Tuấn "sóc".
Một lần nữa, Tuấn lại may mắn. Vụ truy sát có cả vũ khí "nóng" chỉ hạ gục mấy đàn em thân cận của gã. Tuy nhiên, như thế là quá đủ để khiến gã phải sợ hãi, tìm đường chạy trốn. Tuấn dạt ra tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục bám vào các vùng sát biên, kiếm sống qua ngày.
Thời điểm này, vừa bị giang hồ truy sát, vừa bị lực lượng chức năng tầm nã, gã mới hiểu tận cùng khổ ải của kiếp sống tội lỗi. Ban ngày chui rúc ở các nhà trọ tồi tàn, đến đêm mới dám thò mặt ra, làm nghề bốc vác ở bến sông. Không chỉ thế, lúc nào gã cũng nơm nớp lo bị kẻ thù phát hiện, lấy mạng. Có lẽ không thể chịu nổi áp lực đó, nhận ra chỉ hoàn lương mới có cơ hội sống sót, sau hơn một năm trốn tránh ở Quảng Ninh, Tuấn "sóc" quyết định ra đầu thú.
Tình tiết này đã giúp gã được giảm tội, Tuấn "sóc" chỉ phải chịu bản án 10 năm tù cho nhiều tội danh phạm phải. Năm 2003, gã ra tù, bà nội đã không còn nữa. Hiểu tận cùng sự bế tắc của con đường tối, trước vong linh bà, Tuấn "sóc" hứa trả nợ đời.
"Kịp nhận ra sai lầm của mình, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè cùng cảnh. Tôi giờ vẫn rất nghèo, lương bảo vệ chỉ đủ ăn, nhưng sâu thẳm trong lòng lại thấy rất thanh thản. Chỉ cuộc sống lương thiện mới cho tôi cảm giác nhẹ nhàng ấy", tướng cướp một thời trải lòng.