Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang cật lực thúc đẩy một xã hội không tiền mặt (cashless) thì những ý tưởng chia tay với chiếc thẻ nhựa trong thanh toán điện tử đã nhen nhóm ở vài nước phát triển, với sự hậu thuẫn của các đại gia công nghệ (Big Tech) và các startup công nghệ tài chính (Fintech).
Hàng loạt công nghệ đang thúc đẩy tiến trình bỏ qua chiếc thẻ vật lý trong thanh toán (cardless), ít nhất cũng đang tồn tại khoảng 3 xu hướng nổi bật. Đi từ phổ biến nhất là tích hợp chiếc thẻ vật lý vào trong thiết bị di động.
Có thể thấy một vài tên tuổi nổi bật như Apple Pay (Apple), Samsung Pay (Samsung), Paypal Here (Paypal), Local Register (Amazon), Square Register (Square)... Các dịch vụ này đều đã có mặt tại Mỹ. Riêng Samsung Pay đã vận hành ở Việt Nam, với gần 400.000 người dùng, 500.000 giao dịch, giá trị thanh toán gần 350 tỷ đồng trong 6 tháng.
Xu hướng kế tiếp là ví điện tử. Ở Mỹ, người dùng Google Pay (tiền thân là Google Wallet) có thể dùng tài khoản này để trả các hóa đơn, mua các loại vé, thẻ quà tặng...và nhận thêm điểm tích lũy, giảm giá. Ví điện tử ở các quốc gia khác cũng có tính năng tương tự.
|
Ví của nhiều người dùng không gọn nhẹ hơn bao nhiêu dù không dùng tiền mặt bởi họ chỉ mớithay thế các tờ tiền sang một loại thẻ vật lý làm tốn không gian không kém. |
"Tuy nhiên, nhiều người dùng chưa sẵn sàng từ bỏ những chiếc thẻ nhựa và chuyển hẳn sang dùng những chiếc ví điện tử", ông Gururaj Deshpande - Phó chủ tịch Infosys nhận định.
Một loạt xu hướng khác cũng đang 'tiếp tay' đẩy chiếc thẻ nhựa vào thế 'vô dụng'. Ví dụ AMT không cần thẻ (cardless ATM) của Ngân hàng hoàng gia Scotland (RBS), Commonwealth Bank Australia (CBA). Hay như phương thức thanh toán mạng xã hội (Social Payments), POS không cần thẻ (cardless POS), công nghệ NFC, Bluetooth năng lượng thấp..
Song, đáng chú ý nhất là "sát thủ" QR code, với tính tiện lợi và đơn giản có thể khiến người dùng cần mang theo chiếc thẻ nhựa. Trên khắp Trung Quốc, gần một tỷ người đang mua sắm và thanh toán bằng các ứng dụng điện thoại, chủ yếu qua hình thức QR code. Thành quả này nhờ vào "tứ trụ" công nghệ BATX, tức Baidu - Alibaba - Tencent - Xiaomi.
Niềm tin về câu chuyện thành công của Trung Quốc đang truyền động lực cho những thị trường khác về tương lai không tiền mặt, thậm chí là không thẻ nhựa. Tuy nhiên, theo ông Chris Clark - Chủ tịch Visa Châu Á Thái Bình Dương, mô hình Trung Quốc không dễ học hỏi.
"Trung Quốc là một ví dụ rất độc đáo vì họ có Alibaba và Wechat. Họ có nền tảng trò chuyện trực tuyến và thanh toán kết hợp. Thanh toán điện tử ở đây phát triển nhanh là nhờ thương mại điện tử chứ không phải nhờ giao dịch trực tiếp (face to face)", vị chuyên gia lý giải và cho rằng tốc độ thúc đẩy thanh toán điện tử ở Đông Nam Á chưa thể nhanh như Trung Quốc.
Nhưng nhìn chung, tương lai cho thanh toán điện tử khá tích cực. Sự tăng trưởng về mức độ sử dụng điện thoại di động và tốc độ đô thị hoá đã thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển trên toàn Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, gần một nửa dân số đang sinh sống tại các thị trấn và thành phố, và hơn hai phần ba (1,3 tỷ) trong tổng số 1,9 tỷ người dùng Internet tại Châu Á Thái Bình Dương truy cập Internet bằng smartphone.
Xét về doanh số sử dụng, thị trường Châu Á - Thái Bình Dương có giá trị tương đương 11 nghìn tỷ USD. Hiện tại, hơn một nửa (55%) giao dịch tại đây vẫn đang được thực hiện bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc vẫn còn 6,1 nghìn tỷ USD có tiềm năng chuyển đổi thành các giao dịch điện tử.
Rất có thể, con số 6,1 nghìn tỷ tiền mặt đang lưu thông này sẽ dần được chuyển hóa thành các ví điện tử, các loại thẻ ảo (softcard), các tài khoản ngân hàng trên ứng dụng di động hay thiết bị đeo thông minh, mà không còn là một chiếc thẻ bằng nhựa, được xếp đầy và dầy trong ví người dùng.
Tuy nhiên, đâu là ngày nói lời 'vĩnh biệt' với thẻ nhựa là câu hỏi rất khó trả lời, tương tự như câu hỏi bao giờ tiềm mặt sẽ 'chết'.
"Chúng ta không biết chắc tương lai chính xác sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng tôi nghĩ vai trò của chiếc thẻ nhựa ngày nay được mọi người xem như là tiền mặt và không thể biến mất. Thậm chí 10 năm nữa mọi người vẫn sẽ dùng nhưng không nhiều. Và chúng vẫn có thể 'tuyệt chủng' nhưng vào một ngày nào đó thì tôi không nói được", ông Chris Clark nói.
Chuyên gia Gururaj Deshpande cũng không thể đưa ra câu trả lời cụ thể. "Với những công nghệ mới, thế giới thanh toán sẽ tiếp tục hướng đến tương lai không cần thẻ vật lý. Tuy nhiên, rất khó để nói khi nào chiếc thẻ nhựa sẽ bị loại bỏ hoàn toàn", ông nói.
Nhiều chuyên gia đồng thuận rằng, tiến trình biến mất của chiếc thẻ nhựa sẽ phụ thuộc vào sự hoàn thiện cơ sở hạ tầng thanh toán và khả năng bảo mật. Trong đó, Host Card Emulation (HCE) với ứng dụng mã hóa (Tokenization) đang là công nghệ bảo mật đang được nhiều đơn vị hướng đến.