Tuyên bố ngừng lấp biển tạo đảo, Trung Quốc không lừa được ai

(PLO) - Sáng 16/6, Lục Khảng - Người phát ngôn mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - tổ chức họp báo khẩn cấp để thông báo việc Trung Quốc “sắp hoàn thành công trình bồi lấp nền đất một bộ phận các đảo bãi ở Nam Sa” (tức Trường Sa của Việt Nam) và “sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu về phòng ngự quân sự và hoạt động dân sự”.
Trung Quốc làm lễ khởi công công trình sau khi san nền xong
Tuyên bố của Lục Khảng thoạt nghe có vẻ là một phát ngôn ngoại giao bình thường, nhưng những ai quan tâm theo dõi tình hình Biển Đông đều thấy rằng đây là một “cam kết”: Trung Quốc sẽ không tiếp tục mở rộng thêm diện tích bồi lấp nữa mà chuyển sang giai đoạn xây dựng, lắp đặt trang thiết bị trên các đảo nhân tạo mà họ có được do vừa lấp biển. 
Một mũi tên nhằm hai đích
Tuyên bố trên rõ ràng là một mũi tên nhằm hai đích: Một là “bẫy” các bên liên quan mặc nhiên thừa nhận các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi lấp trái phép là “chuyện đã rồi”; hai là đánh lừa dư luận với ảo giác rằng Bắc Kinh đang xuống thang, hạ nhiệt căng thẳng. Trung Quốc vừa đạt được mục đích lấp biển tạo đảo nhân tạo, vừa ung dung bắt tay vào hoạt động xây dựng sân bay, bố trí vũ khí, phương tiện… để biến các đảo nhân tạo thành pháo đài ở biển Đông.
Hãng tin “Đa chiều” của cộng đồng người Hoa hải ngoại ngày 17/6 có bài phân tích, trong đó cho rằng: Công trình lấp biển đã cơ bản hoàn thành, Trung Quốc đã có được nền đất để tiếp tục xây dựng các sân bay và bố trí không quân. Vì vậy, đây không phải là thỏa hiệp hay nhượng bộ mà là thuận thế để Mỹ có cửa xuống thang. 
Trên thực tế, Trung Quốc đã có thể xây dựng căn cứ quân sự, làm sân bay để mở rộng phạm vi tác chiến chiến lược trên không lên tới 1000km, bao trùm  lên các căn cứ của Mỹ ở Philippines, điều này khiến Mỹ rất kích động nhưng không ngăn chặn được. 
“Đa chiều” cũng suy đoán: Có lẽ Trung - Mỹ đã có một thỏa thuận bí mật. Ngày 12/6, Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long kết thúc chuyến thăm Mỹ thì ngày 16, Bộ Ngoại giao tuyên bố ngừng hoạt động lấp biển tạo đảo khiến người ta nghĩ đến việc giữa hai bên Trung - Mỹ đã đạt được hiệp định gì đó không thể công khai. 
“Tình hình căng thẳng trong quan hệ gần đây cho thấy hai bên đang đi trên con đường không có chỗ quay đầu, không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc mà tháng 9 này ông Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ, hai bên còn có sự hợp tác kinh tế, Trung Quốc là bên cần có quan hệ ổn định với Mỹ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã quy định ngừng việc tiếp tục lấp biển tạo đảo để tránh tình hình phát triển theo chiều hướng nghiêm trọng hơn” - hãng “Đa chiều” bình luận.
“Đa chiều” cho rằng, dù do nguyên nhân gì thì Trung Quốc cũng đã làm cho Mỹ không mất mặt,  tuyên bố ngừng mở rộng các đảo bãi cũng chả thiệt hại gì mà lại tạo thể diện cho Mỹ, đổi được sự yên tĩnh trên biển Đông. Cách làm của Trung Quốc có thể nói là “một mũi tên trúng hai con chim”.
Bãi Chữ Thập sau khi Trung Quốc hoàn thành việc bồi đắp.
Ảnh Tân Hoa Xã
 
Bắc Kinh không lừa 
được ai
Tuy nhiên, ngay ngày 16/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã thẳng thừng tuyên bố: “Kế hoạch của Trung Quốc không đóng góp vào việc giảm căng thẳng, không hỗ trợ các giải pháp hoà bình và ngoại giao, nó cũng chẳng thể củng cố những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp”. 
Ngày hôm sau, ông lại lên tiếng: “Tôi cho rằng chúng tôi đã nhiều lần nói rõ lập trường của mình ở mọi cuộc trao đổi công khai và cả tiếp xúc riêng. Còn ý đồ Trung Quốc chọn thời điểm này để công bố tuyên bố trên thì phải hỏi họ. Nhưng đối với nước Mỹ, chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường nhất quán của mình trước những hoạt động của Trung Quốc mưu đồ phá hoại sự ổn định của Nam Hải (biển Đông)”. 
Ông John Kirby khẳng định, tại cuộc Đối thoại chiến lược kinh tế Mỹ - Trung ngày 22/6 tới đây, vấn đề biển Đông sẽ vẫn là một nội dung quan trọng. Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm và lo ngại của Mỹ đối với khu vực này.
Bà Mira Rapp Hooper, một chuyên gia về biển Đông từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế tại Washington nói với Reuters, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc sắp kết thúc hoạt động lấp biển tạo đảo có thể được hẹn giờ nhằm mục đích hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao trước thềm cuộc Đối thoại chiến lược kinh tế Mỹ - Trung từ ngày 22-24/6 chứ không làm thay đổi chính sách bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.
Báo chí Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố của Lục Khảng. “Nhật báo phố Wall” chạy tiêu đề “Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo bãi Nam Hải”, phân tích tuyên bố của Lục Khảng và kết luận: “Trung Quốc đang chuyển từ lấp biển tạo đảo sang xây dựng căn cứ quân sự và các thiết bị hạ tầng khác”. 
Đài VOA viết: “Mỹ đang ngày càng công khai bày tỏ phản đối việc Trung Quốc lấp biển tạo đảo… Đại bộ phận các công trình tạo đảo cho thấy nó bao hàm mục đích quân sự, có các hệ thống radar cảnh giới, doanh trại quân sự và đường băng. Tháng trước, Mỹ còn nói Trung Quốc đã đưa pháo binh xe kéo đến đảo đá ở Nam Hải…”.
Tại Nhật, ông Esihide Suga - Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản - đã tuyên bố: “Nhật Bản quyết không cho phép việc Trung Quốc lấp biển tạo đảo biến thành chuyện đã rồi và hy vọng Trung Quốc chấm dứt mọi hành động làm gia tăng tình hình căng thẳng trong khu vực và hành xử theo luật pháp quốc tế”. 
Mong Trung Quốc thay đổi ngay sách lược kiểu đó và kiên quyết không thừa nhận tính hợp pháp của việc họ lấp biển tạo đảo, ông Suga khẳng định: “Hoạt động xây dựng trên các bãi đá ngầm ở biển Đông của Trung Quốc không thể đảm bảo Trung Quốc có chủ quyền đối với những đảo đá này”.
Công trình bồi đắp bãi Subi
Báo chí Nhật Bản cũng “lật mặt nạ”, chỉ rõ “đây là cách để Trung Quốc tránh va chạm với Mỹ”. Đài Truyền hình Fuji nhận định: “Xem ra mục đích của Trung Quốc lấp biển tạo đảo để xây dựng căn cứ quân sự đã trở thành hiện thực”. 
Tờ “Nihon Keizai Shimbun” phân tích: Việc Trung Quốc tuyên bố kết thúc công trình chỉ là hành động tạm thời che mắt Mỹ. Có khả năng Trung Quốc đợi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế lắng xuống, cục diện căng thẳng nguội đi sẽ tái triển khai hành động lấp biển tạo đảo. 
Hãng tin Kyodo thì phân tích: “Động thái tuyên bố tạm thời kết thúc công trình lấp biển tạo đảo của Trung Quốc, xem chừng chỉ nhằm thay đổi thái độ của Mỹ, Nhật Bản và các nước láng giềng phê phán những hành động cứng rắn trên biển của Trung Quốc”.
Hãng tin Jiji Press cũng cho rằng, Trung Quốc tuyên bố “sắp hoàn thành lấn biển xây đảo” là để tránh làm gay gắt thêm đối đầu với Mỹ trước khi bắt đầu Đối thoại chiến lược Trung-Mỹ từ ngày 23/6. Tuy nhiên, hãng này cho rằng hành động lấp biển tạo đảo của Trung Quốc đã làm cho Mỹ yêu cầu chấm dứt và đưa máy bay quân sự, tàu chiến Mỹ tiếp cận đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, vì vậy “Trung Quốc nói kết thúc công trình lấp biển tạo đảo cũng có khả năng muốn thăm dò khả năng thỏa hiệp với Mỹ”. 
Tờ “Asahi Shimbun” cũng có chung quan điểm này, cho rằng: “Trung Quốc trước mắt là lấy việc không tiếp tục mở rộng công trình lấn biển xây đảo để tránh né tình hình gay gắt thêm. Hành động lấn biển xây đảo của Trung Quốc đã tạo ra “mồi lửa” rất lớn để Mỹ và các nước xung quanh tăng cường phê phán và gây sức ép. Trong bối cảnh Đối thoại chiến lược Trung-Mỹ diễn ra vào tuần tới và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng 9, trong phạm vi không bị trong nước phê phán mềm yếu, tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc xem ra đã bắt đầu tìm kiếm con đường thu dọn tình hình”.
Là quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hành động lấp biển tạo đảo của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez hôm 16/6 đã mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hãy kiềm chế, không được áp dụng những hành vi ích kỷ này, cân nhắc yêu cầu của các nước, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế như Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982”. 
Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói trong một buổi họp báo: “Chúng tôi nhắc lại mối quan ngại sâu sắc về các hoạt động cải tạo đảo quy mô và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên những thực thể này”. Theo ông Jose, những hoạt động này “hoàn toàn nhằm mục đích thay đổi đặc tính và hiện trạng của các bãi đá trên biển Đông”, đồng thời để đối phó với vụ kiện của Philippines trước tòa án LHQ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tòa án The Hague (Hà Lan), dự kiến tiến hành phiên giải trình về vụ khiếu kiện này vào ngày 7/7 tới. “Dù mục đích của những hành vi xây dựng và cải tạo này là gì đi chăng nữa thì thực tế là chúng vẫn vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) 2002”, ông nói.
Mặc dù Trung Quốc luôn nhấn mạnh tính hòa bình và công năng phục vụ dân sự của hoạt động lấp biển tạo đảo mà họ tiến hành nhưng báo chí phương Tây đều nhìn rõ mục đích quân sự mới là cốt lõi của vấn đề. 
Tờ “The Australian Financial Review” của Australia nhận định: Động thái này có lẽ nhằm hạ nhiệt cục diện tranh chấp đáng lo ngại đang leo thang dần trong mấy tuần qua. Nhưng Trung Quốc còn có những kế hoạch lâu dài ở những vị trí tiền tiêu này. Giáo sư Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia nói: “Họ đã hoàn thành phần lớn mục tiêu. Trung Quốc đang tiến hành theo chu kỳ: nỗ lực gây căng thẳng, sau đó trở nên ôn hòa, nhưng họ không từ bỏ bất cứ điều gì”.
Hãng tin Anh Reuters khi đưa tin về tuyên bố của Lục Khảng đã cho rằng: Tin kết thúc công trình lấp biển tạo đảo, chuyển sang xây dựng các công trình quân sự và dân sự rất có thể khiến Mỹ và Philippines cảm thấy căng thẳng vì hai nước này đều phản đối Trung Quốc tiến hành hoạt động lấp biển tạo đảo quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa. Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc xây dựng các đảo bãi là nhằm khẳng định yêu sách về chủ quyền ở biển Đông và lo ngại Trung Quốc có thể sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông, gây trở ngại cho hoạt động tự do của máy bay và tàu biển.

Đọc thêm