Theo bài xã luận của Bangkok Post, các sự kiện xảy ra gần đây cho thấy việc đảm bảo hòa bình trên biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh chung của khu vực, không chỉ vì vùng biển này giàu tài nguyên tự nhiên mà còn vì nó là một tuyến giao thông chính cho hoạt động vận chuyển dầu và lực lượng hải quân các nước trên thế giới.
Vùng biển trên có vị trí chiến lược quan trọng như vậy nhưng lập trường hiện tại của Khối ASEAN trên thực tế lại không đóng góp nhiều cho việc đảm bảo rằng tranh chấp trên biển Đông sẽ được giải quyết qua các kênh ngoại giao. Theo Bangkok Post, cho đến nay ASEAN vẫn đóng vai trò thụ động, một phần vì khối vẫn chưa xây dựng được lập trường chung khi nói về vấn đề biển Đông, dù thực tế tất cả các nước trong khu vực đều có lợi ích hàng hải ở đây.
Trong khi đó, các nước trên thế giới như Mỹ và nhóm 7 nước phát triển G7 đều đã mạnh mẽ phản đối hành vi cải tạo đất của Trung Quốc, được cho là bao gồm cả việc xây dựng trái phép một đường băng trên quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Cuối tháng trước, Trung Quốc công bố Sách Trắng quốc phòng, trong đó tuyên bố nước này sẽ đáp trả bằng biện pháp quân sự cứng rắn nếu bị tấn công. Song, bất chấp động thái của Trung Quốc, quân đội Mỹ càng trở nên công khai hơn trong việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại vùng biển này. Mỹ muốn biển Đông tiếp tục là một vùng biển quốc tế, còn chủ quyền của các nước được quy định theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
UNCLOS quy định rõ chỉ những thực thể đất đai tự nhiên mới có liên quan đến các quyền hàng hải nhưng nhiều ý kiến hiện lo ngại rằng một khi các hoạt động cải tạo đất trái phép hoàn tất, Trung Quốc có thể sẽ kiểm soát trên thực tế một số vùng biển có tranh chấp vì đến lúc đó sẽ khó có thể chứng minh đâu là thực thể đất ban đầu.
Theo xã luận của Bangkok Post, sau những sự vụ nói trên, ASEAN không thể tiếp tục thờ ơ trong vấn đề biển Đông. Tờ báo trên cho rằng, hiện chính là thời điểm để ASEAN hợp tác trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực. Cả Khối cần cùng nhau xây dựng một lập trường thống nhất, cứng rắn hơn trong việc đàm phán với Trung Quốc về việc giải quyết các tranh chấp trên biển Đông vì cả khối có chung những lợi ích về an ninh và kinh tế.
Liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đang được xây dựng, xã luận của Bangkok Post cho rằng, ASEAN và Trung Quốc cần phải đẩy nhanh tốc độ để hoàn tất COC vì hai bên đã thống nhất không để vấn đề biển Đông làm ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể.
Cũng theo Bangkok Post, bản COC khi được hoàn tất ít nhất cũng phải tạo được diễn đàn để đưa ASEAN và Trung Quốc đến bàn đàm phán, thay vì để từng nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Khối giải quyết vấn đề song phương với Trung Quốc./.