Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017: Ngày 12/7 công bố điểm sàn

(PLO) - Ngày 8/7, tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2017 đã có đại diện của 80 trường ĐH, CĐ, các cơ sở đào tạo nghề tham gia giải đáp những băn khoăn, thắc mắc mà thí sinh cũng như phụ huynh đang gặp phải trong mùa tuyển sinh ĐH,CĐ năm nay. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã giải đáp những câu hỏi nóng về xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay.
Thí sinh trong Ngày hội tuyển sinh.

Chỉ tiêu xét tuyển ĐH không cao

Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và các em học sinh. Vậy Bộ có chỉ đạo gì đối với các trường và các gian tư vấn để tập trung tư vấn cho thí sinh? 

- Có thể nói, Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng diễn ra rất đúng lúc. Thời điểm này, các thí sinh đang đứng trước lựa chọn là: có nên thay đổi nguyện vọng của mình hay không? Nắm bắt được tâm lý đó, các trường và các gian tư vấn sẽ giải thích cho thí sinh những ngành nghề mới, những ngành nghề mà xã hội đang cần, để các em nghiên cứu, tham khảo và có thể điều chuyển nguyện vọng của mình. 

Năm nay các em chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, nếu trong đợt này các em điều chỉnh xong rồi sẽ không được điều chỉnh lại. Cho nên việc có thay đổi nguyện vọng hay không là rất quan trọng; các chuyên gia và các trường sẽ có những lời khuyên hữu ích để các em có lựa chọn đúng và trúng nhất.

Đồng thời, năm nay thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, vì vậy Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm xét tuyển. Có hai nhóm xét tuyển là: Khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Hiện nay, hệ thống phần mềm đã hoàn thiện, các trường trong nhóm cũng như ngoài nhóm và cán bộ phụ trách tuyển sinh của Bộ đã chạy thử giống như chạy thật để các trường có thêm nhiều kinh nghiệm khi chính thức thực hiện khâu xét tuyển.

Hiện các trường tốp dưới, các trường nghề khá lo lắng về nguồn tuyển khi mà thí sinh điểm cao sẽ lựa chọn các trường tốp trên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Bộ công khai điểm của thí sinh là vi phạm quyền riêng tư cá nhân? Ý kiến của Bộ ra sao?

- Trên thực tế, chỉ tiêu xét tuyển ĐH không cao so với chỉ tiêu số thí sinh đăng ký trong cả nước. Vì vậy số lượng, nguồn tuyển còn nhiều cho các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.Việc công khai thông tin điểm thi thí sinh trong những năm trước Bộ GD-ĐT cũng đã đặt ra vấn đề này nhưng sau đó các cơ quan truyền thông, các cơ quan phụ trách pháp lý thấy rằng việc công bố như vậy cho đến nay cũng chưa có vi phạm quy định về luật lệ nào mà nằm trong thông tư, các quy định của Bộ GD-ĐT.

12/7 sẽ có điểm sàn

Thực tế, năm 2016, số lượng điểm 10 chưa đến 100 điểm. Trong khi đó năm nay có tới hơn 4.000 điểm 10. Sự chênh lệch này gợi ra rất nhiều suy nghĩ?

- Năm nay là năm đầu tiên chúng ta sử dụng đề thi trắc nghiệm khách quan với đề thi chuẩn hóa. Đề thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa có sự khác biệt cơ bản so với đề thi tự luận. Đề thi này được rút ra từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa bao gồm những ô chứa câu hỏi có mức độ khó dễ khác nhau.Ví dụ ô câu hỏi dễ bao gồm tất cả những câu hỏi tương đương trong tất cả các chương của giáo trình; ô chứa câu hỏi rất khó cũng bao gồm tất cả các chương trong giáo trình.Khi thi bằng phương pháp tự luận, mỗi đề thi chỉ có một vài câu khó nên không thể bao quát hết chương trình được. Vì thế chỉ những thí sinh “trúng tủ” mới làm được các câu hỏi khó. Nay thi trắc nghiệm khách quan với 24 mã đề thi khác nhau thì số câu hỏi khó rất nhiều và bao quát hết chương trình nên nhiều thí sinh có thể làm được. Đó là ưu điểm của thi trắc nghiệm khách quan chuẩn hóa, giúp giảm học lệch, học tủ ở phổ thông.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận với việc coi thi nghiêm túc, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh chỉ có một vài phút để làm một câu hỏi thế mà các em đã làm đúng hết tất cả các câu hỏi của bài thi bao quát toàn bộ chương trình thì các em hoàn toàn xứng đáng đạt điểm 10. Bên cạnh một số em đạt điểm 10 thì cũng có rất nhiều em đạt điểm 0, điểm 1 và phổ điểm không lệch về phía phải (phía điểm cao). Vì thế đề thi không phải là dễ.

Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích đã “đi” được nửa chặng đường. Liệu với kết quả điểm thi cao thì có đạt được mục đích thứ 2 là xét tuyển đại học?

- Trong vài ngày tới, Bộ sẽ phân tích kết quả thi và đến ngày 12/7, hội đồng xác định ngưỡng điểm đầu vào. Khi có số liệu đầy đủ để phân tích thì sẽ hình dung được điểm trúng tuyển vào các trường, điểm chuẩn vào các ngành khác nhau. Điều này phụ thuộc vào phổ điểm tổng hợp của 3 môn mà trường lựa chọn. Nếu việc phân bố đều, không bị dốc thì việc chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi hơn. Bởi vì khi ta tăng hoặc giảm nửa điểm thì số lượng thí sinh không tăng hoặc không giảm nhiều. Đó là điều mà các trường rất mong muốn để chọn được thí sinh phù hợp.

Trong trường hợp phổ điểm bị “dốc” thì các trường buộc phải sử dụng các tiêu chí phụ để chọn học sinh sẽ vất vả hơn một chút. Tôi có thể dự đoán phổ điểm năm nay sẽ không “dốc”. Số thí sinh đạt điểm 10 nhiều, nhưng cũng nhiều em đạt điểm 0, 1 và phổ điểm tập trung chủ yếu ở vùng trung bình, tức là điểm từ 4 đến 6.

Nhưng với điểm số cao như năm nay, việc xét tuyển sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo thí sinh không bị thiệt thòi, điểm cao mà vẫn trượt đại học?

- Theo quy chế, TS được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi của mình. Đó là đối với các trường, còn đối với TS, sẽ ưu tiên trúng tuyển NV cao nhất trong danh sách các em đăng ký. Vì vậy, nếu như một em đăng ký NV10 điểm cao hơn em NV1 thì em NV10 vẫn trúng chứ không phải là em NV1.Nhưng các em đăng ký nhiều NV từ 1 đến 10 thì đương nhiên nếu trúng NV1 thì những NV sau em không được xét tuyển nữa. Như vậy việc xét tuyển năm nay sẽ tạo thuận lợi cho TS. Và sau khi có kết quả các em không cần phải điều chỉnh NV. Ví dụ như khi các em đã đăng ký rồi thì khi xét vào một trường nào đấy, nếu điểm cao hơn đăng ký NV trước thì vẫn trúng tuyển bình thường chứ không cần phải điều chỉnh NV. 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

ĐH Bách khoa sẽ sử dụng 2 tiêu chí phụ để xét tuyển

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐH BK HN) là trường đào tạo kỹ sư hàng đầu cả nước. Nắm bắt được xu thế phát triển giáo dục thế giới, năm nay, trường ĐH BK HN có nhiều đổi mới trong mô hình và phương thức đào tạo, phát triển các chương trình đào tạo tích hợp, linh hoạt và hội nhập theo tiêu chuẩn CDIO. Đó là khẳng định của PGS. TS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH BK HN, trong buổi họp báo Tuyển sinh năm 2017 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chương trình đào tạo mới tại trường bao gồm: Chương trình cử nhân (đào tạo 4 năm), chương trình tích hợp Cử nhân - Kỹ sư (đào tạo 5 năm), và chương trình tích hợp Cử nhân - Thạc sĩ (đào tạo 5,5 năm). 

Năm nay, trường ĐH BK HN còn có những đổi mới trong chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên với hai mức học bổng cho các em sinh viên, bao gồm học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (dựa trên hồ sơ đăng ký bắt đầu từ khi nhập học). Tổng quỹ học bổng trung bình năm nay của Trường cũng tăng lên là 25 tỷ đồng được lấy từ quỹ học bổng nhà trường và từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên về xét tuyển sinh năm 2017, PGS. TS. Trần Văn Tớp cho biết, qua chạy thử dữ liệu đăng ký nguyện vọng sơ bộ của các em học sinh vào tháng 4, nhà trường đưa ra mức dự đoán điểm sàn của nhà trường không dưới 20 điểm trên tổng 3 môn.

Dự kiến, ngày 13/7, nhà trường sẽ thông báo ngưỡng điểm để thí sinh nộp hồ sơ vào trường, và có thể ngưỡng điểm sàn sẽ khác nhau ở các ngành.Nhà trường sẽ sử dụng hai tiêu chí phụ để xét tuyển thay vì một tiêu chí như năm trước. Tiêu chí phụ thứ nhất là tổng điểm ba môn, không nhân hệ số và không tính điểm ưu tiên. Tiêu chí phụ thứ hai, là theo quy chế của Bộ GD-ĐT, ưu tiên cho thí sinh cùng điểm, cùng tiêu chí phụ 1, nhưng có nguyện vọng vào ngành xếp cao hơn. 

Đọc thêm