Tuyển sinh Đại học năm 2024: Lo ngại điểm xét tuyển đại học 'chạm' ngưỡng thấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện đã có hàng loạt trường đại học (ĐH) công bố kết quả trúng tuyển sớm. Ngược lại với những trường có điểm trúng tuyển cao tuyệt đối 30/30, nhiều trường chỉ có mức điểm chuẩn học bạ từ 15 - 18, tức trung bình 6 điểm một môn.
Mùa tư vấn tuyển sinh 2024 tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
Mùa tư vấn tuyển sinh 2024 tại Hà Nội. (Ảnh: PV)

Không khó để trúng tuyển

Theo thống kê, có ít nhất có hơn 100 trường đại học công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2024. Theo đó, nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) từ 3 - 6 học kỳ. Mùa tuyển sinh năm nay, phần lớn thí sinh cũng đã lựa chọn phương thức này và đã trúng tuyển sớm, tạo tâm lý thoải mái, không áp lực khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, năm nay là năm cuối của kỳ thi theo chương trình cũ, nên xét tuyển học bạ sớm được xem là giải pháp an toàn.

Tuy nhiên, xét tuyển bằng học bạ như nhiều chuyên gia tuyển sinh đã lên tiếng về câu chuyện “làm đẹp” học bạ đâu đó vẫn xảy ra. Trong khi chất lượng dạy học, phương pháp và sự khắt khe trong đánh giá của địa phương, khu vực, trường, loại hình trường, các lớp khác nhau. Một học sinh học lực xuất sắc ở trường này chưa chắc đã đạt được mức độ tương tự ở trường khác. Sự chênh lệch rõ nét giữa trường THPT chuyên, trường công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và giữa các địa phương, vùng miền…

Do đó, mùa tuyển sinh 2024, một số trường tốp đầu đã bỏ hoặc bổ sung thêm điều kiện với phương thức xét tuyển bằng học bạ. Đơn cử, Trường ĐH Ngoại thương quy định xét tuyển học bạ chỉ áp dụng với nhóm học sinh đã được chọn lọc như: Thí sinh tham gia/đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển của trường; đoạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

Như vậy, kết quả học bạ giữa các thí sinh rõ ràng là không cùng thang đo. Theo các chuyên gia tuyển sinh, muốn công bằng thì không nên dùng điểm học bạ để xét tuyển. Chỉ nên dùng học bạ làm ngưỡng sơ loại ban đầu. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ được cộng điểm ưu tiên theo quy chế. Những em có chứng chỉ quốc tế tương đương IELTS 5.0 trở lên được cộng 0,1 - 0,5 điểm khuyến khích. Điều kiện tối thiểu là thí sinh phải đạt điểm trung bình 5 học kỳ từ 6,5 và hạnh kiểm loại khá trở lên.

Thực tế, xét tuyển sớm với ưu điểm chắc suất vào ĐH nhưng câu chuyện mặt bằng chung về chất lượng không đồng đều, cũng như đầu vào thấp có bảo đảm chất lượng đầu ra - là băn khoăn của nhiều người? Việc vào ĐH bằng mọi giá bất kể có yêu thích ngành nghề đó hay không sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như chọn sai ngành, sai nghề, bỏ dở giữa chừng hoặc nguồn nhân lực thấp. Mặc dù có nhiều bạn đầu vào thấp nhưng với sự nỗ lực và đam mê, bứt phá, đầu ra của bạn vẫn khá tốt. Điều đó phụ thuộc vào mỗi người…

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

Trước thực trạng trên, một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chất lượng đầu vào và kiến nghị cần đặt mức “điểm sàn” nhất định để không tuyển những thí sinh quá kém vào học ĐH. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, đối với đề xuất về việc phải có điểm sàn chung cho xét tuyển ĐH, cần phải có đủ các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn để triển khai.

Theo bà Thủy, về căn cứ pháp lý, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT xác định và công bố điểm sàn tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo sức khoẻ có chứng chỉ hành nghề. Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện nội dung này trong các năm qua theo đúng yêu cầu của luật định.

Về căn cứ thực tiễn, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay đóng trên các địa bàn khác nhau trên toàn quốc, đào tạo các ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền, khu vực, với đối tượng tuyển sinh khác nhau (từ các thí sinh đang sinh sống, học tập ở các vùng kinh tế phát triển, cho đến các thí sinh tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo).

Về phía các cơ sở đào tạo, các trường được thành lập trong những thời kỳ khác nhau, lịch sử dài ngắn khác nhau; thương hiệu, uy tín các trường cũng có sự khác biệt, phân cách. Do vậy, điểm trúng tuyển đầu vào các ngành/trường khác nhau nhiều, nhưng nhìn chung không dưới 15 điểm (nhóm ngành khó tuyển như các ngành nông, lâm, ngư nghiệp) và có ngành/trường trên 27 điểm (khối ngành sức khoẻ, pháp luật, kinh tế - quản lý, quốc phòng, an ninh…). Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, số lượng thí sinh tham gia xét tuyển và thực tế nhập học chỉ đạt khoảng 80% năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong toàn hệ thống. Các trường đại học đã và đang phải cạnh tranh bằng chất lượng, bằng cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nếu sinh viên tốt nghiệp không có việc làm tốt, không có cơ hội phát triển… thì các lứa thí sinh tiếp theo sẽ không lựa chọn ngôi trường đó để học tập.

Bà Thủy nhấn mạnh, chất lượng đào tạo phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó điểm thi đầu vào chỉ là một trong nhiều yếu tố. Để kiểm soát chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, tăng cường triển khai tự chủ đại học đi kèm với trách nhiệm giải trình (trong đó có công tác tuyển sinh). Tăng cường rà soát và yêu cầu nâng cao đối với các điều kiện bảo đảm chất lượng của các trường, các ngành đào tạo. Đề xuất chính sách ưu tiên đầu tư vào các trường đào tạo các nhóm ngành trọng điểm...

“Xem xét các phân tích nêu trên thì việc quy định mức sàn chung để xét tuyển đại học cho toàn hệ thống là chưa có căn cứ chắc chắc, cũng chưa bảo đảm tính khả thi để phát huy tác dụng trong thực tiễn”... Trên thực tế, tỉ lệ học đại học ở Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới, cũng như so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ... Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải mở rộng quy mô đào tạo theo Quy hoạch tổng thể quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và về nguyên tắc, phần lớn những người tốt nghiệp THPT đều có khả năng học lên sau trung học (đại học hoặc cao đẳng). Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030 cũng đã khẳng định “cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và kỹ thuật có chất lượng cho mọi người”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết...

Đọc thêm