Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh cần tránh bị tuyển sinh… 'chui'

(PLO) - Hơn 76.000 thí sinh (TS) Hà Nội đã biết điểm thi và điểm chuẩn các trường THPT chuyên và không chuyên. Chỉ có gần 51.000 TS trúng tuyển vào các trường này. Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường ngoài công lập sẽ nhận hồ sơ trúng tuyển từ ngày 26/6 đến 2/7. Nếu lựa chọn các trường ngoài công lập, phụ huynh, học sinh (HS) cần tránh bị rơi vào trường hợp tuyển sinh “chui” hoặc tuyển sinh không đúng quy định như tuyển sinh không đúng thời hạn, tuyển sinh bằng các tiêu chí tự đặt ra…
Phụ huynh, thí sinh có quyền rút hồ sơ.Ảnh minh họa

Nhiều tiếc nuối

Năm nay, Hà Nội có hơn 76.000 TS thi vào lớp 10, trong đó các trường công lập tuyển 50.960 chỉ tiêu HS, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 HS. Trường có tỉ lệ chọn cao nhất năm nay là Trường THPT Chu Văn An 55,5 điểm với tỉ lệ là 3:1. Trường THPT Yên Hòa 52,5  điểm có tỉ lệ là 2,9:1; Trường THPT Nhân Chính 51 điểm có tỉ lệ chọi cao thứ 3 là 2,7:1. Đây là những trường đứng trong tốp đầu về điểm chuẩn. Bên cạnh đó, Trường THPT Kim Liên 53 điểm, khá cao so với năm ngoái…

Ngày 29/6, các trường THPT công lập hoàn thành tuyển sinh lớp 10 năm học 2017-2018. Nhiều phụ huynh hồi hộp chờ đợi khả năng đỗ nguyện vọng (NV) 1 khi con chỉ thiếu có nửa điểm. Bởi năm 2016, Hà Nội đã duyệt điểm chuẩn đợt 2 với danh sách 40 trường THPT công lập hạ điểm chuẩn, trong đó, có nhiều trường thuộc tốp đầu như Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Yên Hòa…

Vì điểm đầu vào của các trường tốp đầu có xê dịch chút ít nên HS trong kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT dù điểm khá cao vẫn trượt NV1 vào ngôi trường mơ ước như Chu Văn An, Kim Liên... Không ít trường hợp tiếc nuối nộp hồ sơ vào NV2, mặc dù điểm cao chót vót nhưng chỉ thiếu nửa điểm để đỗ NV1. Và cũng có trường hợp đỗ NV1 trong ngậm ngùi vì thừa quá nhiều điểm nhưng không tự tin đăng kí NV1 vào trường tốp đầu. Chị Ngọc Diệp cho biết, con trai chị đạt 52 điểm, trong khi chỉ đăng kí NV1 vào THPT Tây Hồ, vượt khá xa điểm vào của trường là 46,5 điểm. Trong khi với điểm này, TS có thể đủ điểm vào các trường tốp đầu.

Và một trong những lựa chọn TS điểm cao là có thể lựa chọn vào những trường có môn ngoại ngữ mới. Được biết, Hà Nội có 3 trường tuyển sinh tiếng Nhật là THPT Chu Văn An: 52 điểm, thấp hơn 3,5 điểm so với điểm chuẩn vào lớp thường, Trường THPT Kim Liên cũng tuyển tiếng Nhật với mức 44 điểm, thấp hơn điểm chuẩn của trường này tới 9 điểm. Hai trường THPT Trần Nhân Tông và Sơn Tây có tuyển tiếng Pháp với mức điểm chuẩn lần lượt là 41 và 44,5.

Trường THPT Phan Huy Chú năm nay cũng dành một lớp cho HS có nhu cầu học tiếng Nhật. Điểm đầu vào của lớp tiếng Nhật ở nhiều trường đều thấp hơn tiếng Anh. Tuy nhiên, đây là ngôn ngữ không dễ học nên khi lựa chọn vào lớp tiếng Nhật, phụ huynh, HS cần cân nhắc kỹ năng lực, nguyện vọng của mình bởi đã có không ít trường hợp bỏ giữa chừng, phải chuyển ra lớp thường vừa lãng phí thời gian, công sức của HS vừa gây khó khăn cho nhà trường.

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, năm nay, trường có 600 chỉ tiêu với 15 lớp. Trong đó có 1 lớp tiếng Nhật, 1 lớp tiếng Đức là ngoại ngữ 1. Còn lại có 13 lớp tiếng Anh. Nếu như trường này có điểm chuẩn khá cao 52 điểm thì riêng với tiếng Nhật, điểm đầu vào chỉ có 44 điểm, tiếng Đức lấy 49 điểm. Yêu cầu đối với đầu vào tiếng Đức hệ 3 năm là HS chưa học tiếng Đức nhưng phải kiểm tra đầu vào tiếng Anh. Đối với tiếng Nhật, HS phải theo học đủ 4 năm tiếng Nhật ở bậc THCS. Thầy Nguyễn Quốc Bình cho biết, sau 3 ngày thu hồ sơ, trường sẽ có thông báo điều chỉnh điểm chuẩn hay không.

Phụ huynh, HS cần lưu ý, trong trường hợp trường đăng ký NV1 hạ điểm chuẩn, mọi TS đều có quyền rút hồ sơ đã nộp  vào các trường khác. Theo ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, HS trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường THPT (công lập hoặc ngoài công lập), trung tâm giáo dục thường xuyên, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, nhà trường phải tạo điều kiện để HS rút hồ sơ.

Trường hợp HS có nguyện vọng chuyển trường sang tỉnh, thành phố khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường nhưng không được xóa tên HS trong danh sách trúng tuyển, còn các trường hợp khác phải xóa tên HS trong danh sách trúng tuyển.

Tuyển sinh “chui” đều không được công nhận

Trước sức ép của kỳ thi này, ông Nguyễn Hữu Độ  - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức khi mà các trường phổ thông công lập quá tải thì hệ thống trường trung cấp, học nghề lại tuyển sinh èo uột. Tuy nhiên, để thuyết phục phụ huynh ở các thành phố lớn như Hà Nội hướng cho con em mình theo hệ học nghề thay vì phải học hết THPT vẫn là điều khó khăn do rào cản về quan điểm, cách nghĩ.

Để tác động được tới phụ huynh trong việc phân luồng, ông Nguyễn Hữu Độ cũng thừa nhận, các trường nghề cũng phải thay đổi theo hướng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là vấn đề tạo việc làm cho các em sau khi ra trường như thế nào. Đây mới là yếu tố quyết định để thu hút được HS.  

Và nếu lựa chọn các trường ngoài công lập, phụ huynh HS cần tránh bị rơi vào trường hợp tuyển sinh “chui” hoặc tuyển sinh không đúng quy định như tuyển sinh không đúng thời hạn, tuyển sinh bằng các tiêu chí tự đặt ra…Ông Ngô Văn Chất khẳng định, những trường tuyển sinh có vi phạm đều không được công nhận. Đối với khối ngoài công lập, phụ huynh, HS nên cân nhắc kỹ, chọn những trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh và có địa chỉ cụ thể.

Phụ huynh, HS cần căn cứ vào tài liệu chính thức của Sở GD-ĐT để lựa chọn những trường hoạt động đúng quy định, được cấp phép. Năm nay, có một số trường ngoài công lập sẽ không được giao chỉ tiêu tuyển sinh vì không đảm bảo các yêu cầu về quy mô, chất lượng đào tạo... Cụ thể chỉ tiêu các trường ngoài công lập được tuyển sinh năm nay đã được công bố công khai trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội năm học 2017-2018”.

Theo ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ với các bậc phụ huynh, việc lựa chọn vào lớp 10 THPT công lập không phải là hướng đi duy nhất. Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với dạy nghề. Nhiều trung tâm trong số này đang được HS lựa chọn, đặc biệt là huyện ngoại thành do mô hình hoạt động dạy và học ở đây phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của HS và phụ huynh cũng như nhu cầu thị trường lao động. Học sinh cũng học 3 năm nhưng chỉ học 7 môn văn hóa thay vì 11 môn như ở trường THPT. 

Bên cạnh đó, các trung tâm này sẽ kết hợp việc dạy nghề cho HS với các trường Trung cấp chuyên nghiệp. Một lợi thế mà phụ huynh, HS nên cân nhắc là kết thúc 3 năm học, HS thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT như theo học chương trình phổ thông bình thường, đồng thời có thêm bằng kép học nghề.

Đọc thêm