Tuyên truyền bầu cử vùng dân tộc thiểu số: Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

(PLVN) - Do chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; phong tục, tập quán lạc hậu.., bởi vậy, nâng cao kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên người dân tộc thiểu số cũng như vận động người dân nơi đây tham gia bầu cử luôn được các địa phương chú trọng.
Tuyên truyền bầu cử vùng dân tộc thiểu số: Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nâng cao kỹ năng cho các ứng viên

Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em cùng chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người. Do đó, việc tham gia của đại diện DTTS trong các cơ quan dân cử có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hệ thống chính trị các cấp nói chung và cơ quan dân cử nói riêng. 

Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  khóa XV nêu rõ: đại biểu là người DTTS bảo đảm tỷ lệ ít nhất 18% tổng số người trong danh sách người ứng cử ĐBQH. Tuy nhiên, theo ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, trong 14 nhiệm kỳ qua, chưa nhiệm kỳ nào số đại biểu người DTTS đạt tỷ lệ 18% so với tổng số ĐBQH.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng điều cốt yếu vẫn là chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS còn thấp. Số lượng có trình độ đại học, cao đẳng và đặc biệt là trên đại học chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân số. Trong khi đó, công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có khó khăn đặc thù, nhận thức của đồng bào còn hạn chế... Đáng chú ý, một số ứng viên ĐBQH chưa hội đủ các điều kiện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh khi xuất hiện trước công chúng cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri.

Giải quyết những bất cập trên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng viên ĐBQH là người DTTS. Tại Hội nghị, các ứng cử viên được lĩnh hội, trao đổi, thảo luận về nhiều nội dung cần thiết, trong đó có kỹ năng vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng… Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cũng là giải pháp vô cùng quan trọng, nhằm phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nêu cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, lựa chọn và bầu ra những đại biểu xứng đáng, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có uy tín tham gia ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân.

Chú trọng tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, nhân dân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS đã nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình và sẵn sàng tham gia ngày bầu cử.

Theo ông Bùi Mạnh Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), Quảng Lạc là đơn vị đặc thù với 80% đồng bào DTTS, tuy nhiên, thuận lợi trong công tác tuyên truyền bầu cử của xã là nhận thức của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao. 100% đồng bào dân tộc nói và viết được tiếng phổ thông, vì vậy công tác tuyên truyền qua Đài truyền thanh ba cấp, tuyên truyền trực quan bằng pano, khẩu hiệu bằng tiếng Việt, dựa vào những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mường đã giúp nhân dân toàn xã, trong đó có đồng bào DTTS dễ dàng tiếp nhận thông tin về bầu cử; bà con rất phấn khởi và ủng hộ, tham gia tích cực công tác bầu cử.

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nho Quan cho biết, toàn huyện có 118.344 cử tri, trong đó cử tri đồng bào DTTS là 18.668 người. Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thông tin về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đến được với tất cả người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào DTTS. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã quan tâm chỉ đạo cho cán bộ cơ sở tập trung công tác tuyên truyền trực quan để đồng bào DTTS biết và thực hiện tốt quyền làm chủ của mình trong ngày hội toàn dân.

Không chỉ riêng huyện Nho Quan, tại nhiều xã, huyện khác trên địa bàn tỉnh  Ninh Bình cũng có nhiều cách tuyên truyền cụ thể, sinh động được Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với chi bộ các thôn xóm, triển khai tuyên truyền về công tác bầu cử. Thông tin về bầu cử được tuyên truyền bằng xe lưu động; treo băng rôn, phát tờ rơi, thậm chí còn chia từng nhóm nhỏ đến từng nhà, nhất là người già yếu, đều có thể theo dõi, kịp thời nắm bắt, hiểu rõ về ý nghĩa cuộc bầu cử. 

Để đảm bảo thông tin hàng ngày về ngày bầu cử đến với người dân đồng bào DTTS trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền còn được thực hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… để đồng bào nắm bắt nội dung cuộc bầu cử, vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện nghĩa vụ công dân chu đáo, an toàn.

Tương tự cách làm trên, để công tác tuyên truyền cho đồng bào Dao, đồng bào Tày ở các huyện miền núi đạt hiệu quả cao, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu giúp công tác tuyên truyền tăng thời lượng phát thanh; chú trọng tới các hình ảnh trực quan như tờ rơi, panô, áp phích… qua đó giúp đồng bào dễ nhớ, dễ hiểu. Thay vì chỉ tuyên truyền tập trung, các cán bộ thường thay nhau xuống tận các hộ đồng bào DTTS thông tin, giải thích để đồng bào hiểu rằng đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri. Khi bầu ra được những người đại diện ưu tú, đồng bào sẽ có thêm tiếng nói uy tín, chất lượng để tham gia xây dựng, đề xuất, giám sát việc thực hiện chính sách, nhất là chính sách liên quan tới vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Đọc thêm