Năm 2022, BHXH Đắk Nông được giao chỉ tiêu BHXH tự nguyện 21.792 người, tăng 5.726 người tăng 35,6% so với 2021. Đây là khó khăn, thách thức không nhỏ với khả năng thực hiện trong điều kiện của một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, điều kiện kinh tế cũng như mức sống của người dân còn khó khăn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều lao động mất việc làm đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của đại đa số người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, mức đóng BHXH tự nguyện từ 1/1/2022 tăng cao hơn so với 2021 đã ảnh hướng rất lớn đến việc tuyên truyền vận động người dân tiếp tục tham gia cũng như phát triển mới người tham gia.
Còn có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan tác động đến công tác phát triển BHXH tự nguyện như: Chính sách quy định thời gian để được thụ hưởng BHXH dài, nâng tuổi nghỉ hưu; bản thân chính sách BHXH tự nguyện cũng chưa thực sự hấp dẫn người dân do bó hẹp trong 2 chế độ hưu trí và tử tuất; dù đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng mức đóng quá cao so với mức thu thập của người dân; công tác tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng nên người dân chưa thấy rõ lợi ích loại hình bảo hiểm này...
Trước những khó khăn đó, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2022, BHXH Đắk Nông đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 175/NQ-HĐND giao chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022; Quyết định 2235/QĐ-UBND của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu phát triển KT-XH 2022; Quyết định 556/QĐ-UBND của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2022 cho các địa phương.
Đặc biệt là thực hiện các chỉ tiêu về số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn; chỉ đạo BHXH các huyện tham mưu UBND cấp huyện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho cấp xã thực hiện nhằm phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân và tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín như trưởng thôn, bon, buôn, tổ dân phố, khu dân cư… Đó là cầu nối để tiếp cận, truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện với người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa; lồng ghép tuyên truyền thông qua vai trò của các tổ chức hội như Hội Nông dân, Phụ nữ. Trực tiếp giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho cấp hội thực hiện..
BHXH Đắk Nông cũng đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác thông tin, truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho nhân dân theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và gắn liền với phát triển người tham gia; vận dụng linh hoạt mô hình tuyên truyền theo nhóm nhỏ, chỉ đạo các đơn vị phối hợp UBND cấp xã tổ chức hơn 58 cuộc đối thoại, tuyên truyền, tư vấn trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện cho 2.329 người dân trên địa bàn.
BHXH tỉnh còn triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí, website cơ quan BHXH tỉnh. Với quan điểm chủ động đến với người dân, đưa chính sách BHXH tự nguyện đến gần nhân dân, các nội dung tuyên truyền được trình bày gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân có thể nắm bắt được thông tin và nâng cao hiểu biết, nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện.
Nhờ chủ động đổi mới, linh hoạt áp dụng các giải pháp truyền thông; đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về chính sách BHXH tự nguyện. Tính đến ngày 31/5/2022, toàn tỉnh có 10.839 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1,76% so với cùng kỳ 2021; đạt 49,74% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Những nỗ lực đổi mới công tác tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện trong 5 tháng đầu năm 2022 đã phát huy được hiệu quả trong công tác mở rộng diện bao phủ BHXH trong lực lượng lao động của tỉnh. BHXH tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ của cán bộ, viên chức, người lao động để tạo niềm tin cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch Nghị quyết đề ra.