Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu chính tại Bộ Xây dựng và hơn 500 điểm cầu tại các địa phương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh; Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ Xây dựng; lãnh đạo các Sở Xây dựng, Thanh tra Xây dựng của 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng đã được Chính phủ ban hành ngày 28/01/2022 nhằm đảm bảo sự đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung năm 2020 và hệ thống pháp luật về xây dựng có liên quan.
Trong đó, phải kể đến Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, Luật Kiến trúc năm 2019, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật nhà ở.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có nhiều nội dung mới cần được phổ biến, hướng dẫn để các cơ quan có thẩm quyền xử phạt cũng như đối tượng bị xử phạt hiểu đúng, áp dụng đúng pháp luật. Do đó, mục đích của Hội nghị này nhằm sớm đưa Nghị định vào cuộc sống, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ngành Xây dựng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên cả nước.
Tại Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã trình bày về quá trình xây dựng Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, những điểm mới cũng như những vấn đề cần lưu ý trong việc nghiên cứu, thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Theo ông Tuấn, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo cơ bản như: Kế thừa những quy định phù hợp của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, bổ sung những quy định mới phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, bãi bỏ các hành vi vi phạm không còn phù hợp hoặc không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Xây dựng; Khắc phục những bất cập của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, bãi bỏ những quy định chồng lấn, phân định rõ phạm vi quản lý nhà nước ngành Xây dựng.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP gồm 8 chương, 86 điều. Trong đó hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dựng gồm 33 điều (Điều 7 đến Điều 40); trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng có 01 điều (Điều 41); trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật có 16 điều (Điều 42- Điều 57); trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quản lý phát triển nhà có 14 điều (Điều 58-71); Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính được nêu trong Chương VI, gồm 9 điều ( Điều 72-Điều 80).
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP bãi bỏ 121 hành vi vi phạm, sửa đổi bổ sung 185 hành vi, bổ sung mới 138 hành vi, đồng thời điều chỉnh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng tương ứng với mức phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp Bộ, Sở.
Theo đó, Nghị định quy định tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi, nhóm hành vi có tỷ lệ vi phạm cao như: lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng; trật tự xây dựng; kinh doanh bất động sản; quản lý sử dụng nhà chung cư; hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, mức xử phạt vi phạm về lập, điều chỉnh quy hoạch tối đa đến 300 triệu đồng (Nghị định 139 – 70 triệu đồng); vi phạm về trật tự xây dựng – mức cao nhất 1 tỷ đồng và mỗi hành vi vi phạm khác có mức phạt tiền tăng từ 1,5 lần trở lên so với Nghị định 139/2017/NĐ-CP; vi phạm về kinh doanh bất động sản – mức xử phạt tối đa 1 tỷ đồng (Nghị định 139 – tối đa 300 triệu đồng)…
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã bị lập biên bản vi phạm hành chí về hành vi sai phép, không phép, sai quy hoạch mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hoặc tái phạm.
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/01/2022 và có các quy định về chuyển tiếp đối với các hành vi vi phạm hành chính về xây dựng xảy ra trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này.