Tuyên truyền sinh động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình tại Hà Tĩnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hơn 300 cán bộ, hội viên và người dân huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) được cập nhật kiến thức về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Đại biểu tham dự chương trình và xem các tài liệu tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: PV
Đại biểu tham dự chương trình và xem các tài liệu tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: PV

Ngày 23/5, tại huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), Ban Phụ nữ Quân đội phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4, Báo Công lý, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Sơn tổ chức Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên phụ nữ và vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở với chủ đề "Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024”.

Chương trình có sự góp mặt của hơn 300 cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn.

BTC xây dựng "Phiên tòa giả định" về bạo lực gia đình. Ảnh: PV
BTC xây dựng "Phiên tòa giả định" về bạo lực gia đình. Ảnh: PV

Tại chương trình, BTC đã xây dựng “Phiên tòa giả định” liên quan đến vụ án xảy ra trong một gia đình, người chồng là Phạm Văn V đã bạo hành vợ của mình. Câu chuyện trong vụ án có thật, là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai.

Tình huống trong “Phiên tòa giả định” cho thấy từ những khúc mắc trong cuộc sống hôn nhân gia đình, Phạm Văn V đã có hành vi bạo hành vợ của mình là chị Bùi Thị C, khiến người vợ phải cắt bỏ hoàn toàn thận bên phải do bị vỡ thận độ 4 và tổn thương cơ thể 45%. Phạm Văn V sau đó đã bị truy tố, đưa ra xét xử vì tội “Cố ý gây thương tích” và phải lĩnh mức án 5 năm tù theo Điểm C, Khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Qua “Phiên tòa giả định”, BTC đã đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến tính chất, mức độ phạm tội, mức án phải chịu… Đặc biệt là tư vấn pháp lý, nâng cao nhận thức để người dân có thể “ứng biến” với những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống hôn nhân hàng ngày, từ đó giảm thiểu thấp nhất những tổn hại có thể xảy ra cho mình và người thân.

Hội viên Hội Phụ nữ chăm chú theo dõi chương trình. Ảnh: PV

Hội viên Hội Phụ nữ chăm chú theo dõi chương trình. Ảnh: PV

Mỗi câu trả lời đều được các chuyên gia nhận xét và có giải đáp cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích để cho người dân nắm rõ hơn quy định của pháp luật, vận hành được vào thực tiễn.

Mô hình “Phiên tòa giả định” đã phát huy được tính hiệu quả của mình khi người dân tích cực, hồ hởi tham gia, tương tác. Các nhận định của cá nhân được chuyên gia phân tích, đánh giá, bổ sung đầy đủ tính pháp lý. Những người chơi – cũng là những hội viên Hội phụ nữ trên địa bàn huyện không chỉ được trang bị thêm kiến thức cho mình mà còn bổ sung thêm kiến thức pháp luật phong phú để tuyên truyền sâu rộng xuống từng địa bàn phụ trách.

Hội viên đặt các câu hỏi liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: PV

Hội viên đặt các câu hỏi liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Ảnh: PV

Hiệu ứng tại chương trình cho thấy “Mô hình phiên tòa giả định” thực sự là cách làm sáng tạo, sát với thực tế tại cơ sở, tạo được chuyển biến trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhiều tầng lớp Nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

“Phiên tòa giả định” còn phát huy hiệu quả của hoạt động xét xử, góp phần hạn chế, ngăn ngừa sự gia tăng của tội phạm.

BTC chương trình trao quà cho các Hội viên. Ảnh: PV

BTC chương trình trao quà cho các Hội viên. Ảnh: PV

Để góp phần động viên, chia sẻ với hội viên phụ nữ thuộc đối tượng chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hương Sơn, BTC chương trình đã trao tặng 20 suất quà đến các đối tượng. Ngoài ra BTC còn trao tặng sách về Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 cho nhiều tổ chức và cá nhân.

Đánh giá về chương trình, Đại tá Lê Nam Thành, Trưởng phòng Pháp luật hành chính, Vụ Pháp chế; Thường trực Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Bộ Quốc phòng cho hay: “Mô hình phiên tòa giả định” đã đổi mới được hình thức tuyên truyền, mang đến sự phong phú từ “sân khấu hóa” với hình ảnh trực quan để tác động đến người tham gia. Đặc biệt, “Phiên tòa giả định” đã tạo ra không khí tương tác gần gũi, cởi mở giữa cơ quan chức năng và người dân. Mọi thắc mắc của người dự tòa được các chuyên gia pháp lý tư vấn, giải đáp kịp thời đã tác động mạnh mẽ đến ý thức người dân. Chương trình đã thu hút rất đông người dân tham gia, tạo ra một hình thức tuyên truyền pháp luật mới phù hợp với thực tiễn”.

Đọc thêm