Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.145 VND/USD, giảm 2 đồng so với chốt phiên giao dịch sáng qua.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 VND/USD ở chiều mua vào và 23.791 đồng/USD bán ra.
Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 8h sáng nay:
Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.625 đồng/USD (mua vào) – 22.855 đồng/USD (bán ra), giảm 5 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.635 đồng/USD (mua vào) – 22.855 đồng/USD (bán ra), giảm 20 đồng chiều mua vào và giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.655 đồng/USD (mua vào) – 22.855 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.
Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 93,58 điểm, tăng 0,02%. Hiện 1 Euro đổi 1,166 USD; 1 bảng Anh đổi 1,383 USD; 1 USD đổi 114,37 yên.
Đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi đồng euro tăng khá mạnh. Đồng USD hồi phục khi mà triển vọng nền kinh tế châu Á u ám hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2021 chỉ còn tăng 6,5%, thay vì mức tăng 7,6% được dự báo hồi tháng 4. Trong khi đó, IMF nâng đự báo 2022 của châu Á lên 5,7% từ mức dự báo 5,3%.
Nguyên nhân khiến IMF hạ bớt triển vọng tăng trưởng của khu vực châu Á là do dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; ngoài ra còn có rủi ro tới từ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nguy cơ lạm phát.
Đồng USD hồi phục chậm còn do dòng tiền đổ vào thị trường tiền số. Đồng Bitcoin tăng lên mức 64.000 USD và gần mức cao kỷ lục mọi thời đại sau khi một quỹ ETF về tiền số của Mỹ ra mắt hôm 20/10.
Đồng USD yếu so với đồng euro sau khi châu Âu công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,5% trong tháng 9 và tăng 3,4% so với cùng kỳ, tương đương với kỳ vọng của thị trường và không quá nóng như lo ngại trước đó.
Dù vậy, lạm phát ở châu Âu vẫn là điều được lưu ý trong các tháng tới. Ngày càng có nhiều báo cáo về sự thiếu hụt nguồn cung đối với các loại hàng hóa thô quan trọng như đồng, trong khi đó sự tắc nghẽn trong khâu vận tải cũng khiến hàng hóa lưu chuyển chậm trễ.