Tỷ giá tăng, lãi suất sẽ tăng?

(PLO) - Đồng tình với việc điều chỉnh tỷ giá thêm 1% là cần thiết trong thời điểm hiện nay, song nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại hệ lụy của quyết định này sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất tiếp tục hạ...
Ngay cả ngân hàng cũng muốn giảm lãi suất . (Ảnh minh họa)
Ngay trong ngày đầu tiên điều chỉnh lãi suất, chị Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy lo lắng. Chị chia sẻ, chị đang có một khoản tiết kiệm VND gửi trong ngân hàng. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc số tiền này quy ra USD sẽ giảm. “Chẳng thích tý nào, tự nhiên như bị mất tiền…” – chị Linh chia sẻ. Chưa biết sẽ xử lý như thế nào với khoản tiền dành dụm này, chị Linh cho biết sẽ theo dõi diễn biến thêm một thời gian nữa.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bằng VND và USD khoảng trên 5%, song khi tỷ giá tăng mạnh thì người gửi tiền sẽ có xu hướng rút tiền đồng, đổi sang USD để gửi ngân hàng. 
Do đó, để tránh “mất máu” trên kỳ hạn tiền gửi bằng VND, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất tiền đồng để giữ chân khách hàng. Như vậy, khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra sẽ tăng theo. Tuy nhiên, theo TS Hiếu, đây cũng chỉ là giả định sẽ xảy ra trong dài hạn.
TS Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) dẫn các tính toán cho thấy khi tỷ giá VND/USD tăng 1% sẽ khiến lãi suất huy động tăng khoảng 0,3- 0,33 điểm phần trăm, còn lãi suất cho vay tăng khoảng 0,35- 0,4%. Nếu việc điều chỉnh tỷ giá 2% mỗi năm sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,6 - 0,8 điểm phần trăm.
“Tuy nhiên, sự gia tăng của tỷ giá VND/USD không phải là trở ngại duy nhất đối với mục tiêu hạ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay. Những vấn đề như nợ xấu, thâm hụt ngân sách, nợ công, phát hành trái phiếu Chính phủ… có thể mới là yếu tố chính khiến mặt bằng lãi suất bị đội lên khoảng 1,5 điểm phần trăm trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay…”- TS Độ nhận định.
Hiện tại các ngân hàng vẫn chưa có động thái gì. “Chúng tôi vẫn đang theo dõi. Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khởi sắc, tăng trưởng tín dụng khả quan thì việc điều chỉnh lãi suất huy động lên một chút, theo tôi cũng không ảnh hưởng lớn đến việc cho vay…”- lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết. 
Trước đó, thông tin từ Cty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá nhanh vào giữa tháng 4 do nhu cầu vốn ngắn hạn tăng mạnh ở một số ngân hàng. Nhu cầu vốn tăng lên một phần do tín dụng 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá - đã đạt xấp xỉ 1,25% so với cuối năm 2014 trong khi cùng kỳ năm trước giảm 0,57%. Giữa tháng 4, lãi suất qua đêm dao động quanh 4,6%/năm, kỳ hạn 1 tuần khoảng 4,7%/năm và lãi suất 1 tháng khoảng 4,73%/năm.
Lãnh đạo một ngân hàng phân tích: Chưa kể tỷ giá tăng, với chỉ tiêu CPI cả năm ở mức 5%, tăng trưởng tín dụng 13 – 15% thì lãi suất sẽ không thể giảm mà còn chịu áp lực tăng theo CPI. Theo ông, không chỉ DN mà chính các ngân hàng cũng muốn giảm lãi suất, nhưng “đâu phải muốn là được…”.
Báo cáo mới công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) cho biết, năm nay, tăng  trưởng  tín  dụng  tốt  ngay  từ  những  tháng  đầu  năm.  Tháng  4/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 2,78%, là mức cao nhất trong 3 năm gần đây (2013 và 2014 tương ứng là 1,04% và 0,53%). “Đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm. Dòng tín dụng cũng  có xu hướng phân bổ tốt hơn vào những ngành và khu vực ưu tiên…”- cơ quan này nhận định.
Báo cáo của NFSC cũng cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản tiền VND và USD đều cải thiện và có xu hướng ổn định trong thời gian tới.  Tổng các khoản cho vay/tổng tiển gửi (LDR) tại thời điểm tháng 2/2015 là 84% (tháng 12/2014 là 83%). Huy động tiền gửi khách hàng đạt 4 triệu 438 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (giảm 0,02%). Tại thời điểm tháng 2/2015, LDR VND là 84%, LDR ngoại tệ là 83%.
“Điều chỉnh tỷ giá cũng có mặt trái của nó, song cân nhắc được - mất thì quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này đem lại lợi ích nhiều hơn”- TS. Nguyễn Đức Độ khẳng định khi trao đổi với PLVN. 
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn phổ biến ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm và từ 5,5-6,7%/năm đối với trung, dài hạn.

Đọc thêm