Tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay - 12 /4, sau kỳ nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm lên mức 23.108 VND/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.108 VND/USD, tăng 7 đồng so với phiên giao dịch trước đó.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.050 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giao dịch lúc 9h sáng nay:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.700 đồng/USD (mua vào) – 23.010 đồng/USD (bán ra), tăng 10 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.723 đồng/USD (mua vào) – 23.003 đồng/USD (bán ra), tăng 83 đồng chiều mua vào và giảm 77 đồng chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 22.720 đồng/USD (mua vào) – 23.000 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.

Tại thị trường thế giới (cùng giờ Việt Nam): Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 100,1 điểm, tăng 0,17% so với phiên giao dịch trước đó. Hiện 1 Euro đổi 1,087 USD; 1 bảng Anh đổi 1,301 USD; 1 USD đổi 125,39 yên.

Đồng USD tăng mạnh nhờ được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng cao hơn.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng vọt do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, thúc đẩy giá đồng bạc xanh đi lên. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Mỹ đạt 2,793%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2019.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu giá tiêu dùng cho tháng 3 của nền kinh tế lớn nhất thế giới được công bố hôm nay (12/4) để có có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng đồng bạc xanh trong thời gian tới.

Trên thị trường, đồng USD cũng tiếp tục tăng giá so với đồng yen Nhật lên mức đỉnh kể từ giữa năm 2015. Đồng tiền Nhật Bản đã suy yếu khi Ngân hàng Trung ương nước này có quan điểm ôn hòa hơn so với đa số các ngân hàng trung ương khác như Fed.

Các đồng tiền liên quan đến hàng hóa bao gồm đô la Canada, Úc và krone Na Uy đồng thời suy yếu do giá dầu trượt dốc.

Ở một diễn biến khác, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu so với đồng bạc xanh do nhà đầu tư lo ngại về dòng vốn chảy ra và áp lực giảm giá tiền tệ sau khi chênh lệch lợi suất chuẩn trở nên tiêu cực giữa cường quốc kinh tế châu Á và Mỹ.