Tỷ lệ thi hành án càng cao càng tạo niềm tin vào công lý

Hôm qua (1/11), “mổ xẻ” nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp nhằm “giảm án tồn đọng” trong công tác thi hành án dân sự (THADS), các đại biểu quốc hội (ĐBQH) bày tỏ mong muốn, “THA - chặng đường cuối cùng đi đến công lý sẽ bớt gian truân”.

Hôm qua (1/11), “mổ xẻ” nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các giải pháp nhằm “giảm án tồn đọng” trong công tác thi hành án dân sự (THADS), các đại biểu quốc hội (ĐBQH) bày tỏ mong muốn, “THA - chặng đường cuối cùng đi đến công lý sẽ bớt gian truân”.

Đối với nhiều người dân và doanh nghiệp, thi hành án vẫn  là một “con đường đau khổ”
Đối với nhiều người dân và doanh nghiệp, thi hành án vẫn là một “con đường đau khổ”

Cần có các giải pháp để tổ chức THA hiệu quả hơn

Đánh giá “kết quả THADS có vai trò quan trọng, là cơ sở để đánh giá hiệu quả trên thực tế của các bản án, quyết định của tòa án đối với phần dân sự”, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) cho rằng, điều cử tri quan tâm là cơ quan THADS đã tổ chức thi hành được bao nhiêu so với tổng số bản án, quyết định của tòa án đã tuyên. Căn cứ vào phương pháp thống kê của Chính phủ thì kết quả công tác THADS trong cả nước tiếp tục duy trì đạt ở mức cao.

Tuy nhiên, qua phân tích loại án về giá trị có điều kiện thi hành mới chiếm tỷ lệ 31% so với tổng số phải thi hành và năm 2012 thi hành được xong trên 395.000 việc trong tổng số gần 643.000 việc toàn ngành phải thi hành (đạt tỷ lệ 61,5%), số việc chuyển sang năm sau còn nhiều, ĐB Nghĩa cho rằng cần có các giải pháp để tổ chức THA hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả như mong muốn.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2012 thi hành hơn 600.000 vụ án, nhưng có gần 200.000 vụ không có điều kiện thi hành. Trong 200.000 vụ này có những vụ án có từ khi chúng ta thành lập cơ quan THADS đến nay, cứ chuyển từ năm nọ sang năm kia như vụ Epco - Minh Phụng, vụ Tân Trường Xanh và rất nhiều vụ án khác vì áp dụng hình phạt tiền đối với các vụ án ma túy, địa chỉ không rõ.

Bên cạnh đó, ĐB Thường nhận định, công tác quản lý hành chính chưa hiệu quả nên bị cáo phạm tội ở phường này nhưng có khi ra tù về phường khác... “khiến năm nào cơ quan THA cũng phải đầu tư thời gian đi xác minh rất lãng phí và tất cả các vụ án này đều đang chuyển từ năm nọ sang năm kia, gây ra một lượng án tồn không có điều kiện thi hành rất lớn”.

Để giải quyết lượng án tồn do những nguyên nhân như trên, ĐB Phạm Xuân Thường đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS phân loại án và báo cáo với Quốc hội xem xét các vụ việc thu tiền cho ngân sách nhà nước như đã xét các khoản phải THA dưới 500.000 đồng thu ngân sách nhà nước trước đây.

Nâng hiệu quả THADS từ công tác cán bộ

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ sự quá tải của ngành THA, cũng như khó khăn trong đời sống của cán bộ THA. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân và đối với doanh nghiệp, sau khi trải qua giai đoạn tố tụng, họ phải bắt đầu “con đường đau khổ” là THA, không ít kẻ vi phạm pháp luật chiếm dụng tài sản của người khác bị xử thua kiện nhưng vẫn ngang nhiên tiếp tục hành vi vi phạm khi không thể THA đối với họ vì nhiều nguyên nhân khiến một tỷ lệ không nhỏ bản án dân sự có hiệu lực bị vô hiệu hóa trên thực tế, một bộ phận nhân dân đã thuê “xã hội đen” để đòi nợ và giải quyết tranh chấp.

Để chấm dứt sự chia cắt, “quay lưng lại với nhau” giữa Tòa án và cơ quan THADS, chấm dứt tình trạng nhiều bản án không thể được thi hành, ĐB Trương Trọng Nghĩa kiến nghị sửa đổi căn bản pháp luật và cơ chế THA, theo hướng tăng trách nhiệm của Tòa án đối với bản án của mình, tránh tình trạng “có những bản án có hiệu lực về pháp lý nhưng trên thực tế chỉ là những tiếng vang không khí”.

Cùng với việc tăng cường công tác kiểm sát để đảm bảo công tác xét xử và THADS đúng pháp luật thì phải chú trọng đến giải quyết sự quá tải, sự thiếu thốn nhân lực cả về số lượng và chất lượng của ngành Tòa án, THADS.

Nhấn mạnh, THA “là giai đoạn cuối cùng để thực thi công lý” nhưng “con đường để một vụ tranh chấp đi đến giai đoạn THA rất dài” nên ĐB Thích Bảo Nghiêm (TP.Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ số lượng không thi hành càng cao càng khiến người dân mất lòng tin vào hệ thống thực thi pháp luật. Vì thế, ĐB đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp “ngồi lại” để thực thi phần dân sự trong bản án hình sự được tốt hơn.

Do nhiều ĐBQH băn khoăn về nguyên nhân việc chậm thi hành qui định của Luật THA hình sự về việc THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, “còn rất nhiều khó khăn, không chỉ nguồn thuốc, để THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc theo qui định của Luật THA hình sự”.

Vì thế, nhiều ĐBQH đề nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết quy định rõ trong khi chờ nguồn thuốc độc cho phép tạm thời tiếp tục THA tử hình bằng hình thức xử bắn. Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Công an và các ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu bằng mọi giá bào chế cho được loại thuốc này trong năm 2013.

Đồng thời phải có biện pháp quản lý tử tội chặt chẽ, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra. Bởi “nếu tiếp tục kéo dài thời gian THA tử hình ngày nào sẽ gây tâm lý căng thẳng, phức tạp, làm trở ngại cho cơ quan giam giữ và gây hoài nghi cho nhân dân”.

Huy Anh

Đọc thêm