Chiếc trực thăng phát nổ không rõ nguyên nhân
“Ngay trong ngày bị bắt, tôi cầm đầu phái đoàn Phòng Thương mãi Công - Kỹ - Nghệ đi ủy lạo binh sĩ ở Quảng Trị. Phái đoàn gồm có nhiều người, tôi nhớ có bà Trần Thị Mười, ông Trần Đức Ước, Trung tướng Nguyễn Hữu Có, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, đại diện Nha Chiến tranh Chính trị… Máy bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, tới phi trường Đà Nẵng rồi lấy trực thăng tiếp tục ra Quảng Trị.
Tại phi trường Đà Nẵng, chúng tôi được loan báo, đúng như chương trình ấn định, Trung tướng Tư lệnh quân đoàn cho ba chiếc trực thăng từ Quảng Trị vô Đà Nẵng đón phái đoàn ra Quảng Trị.
Tôi có thói quen tặng tiền bạc và tặng phẩm cho các binh sĩ. Chuyến đi này, phái đoàn chúng tôi mang theo số bạc 10 triệu để ủy lạo.
Trong lúc chờ đợi, tôi có dịp tiếp xúc với các binh sĩ, làm tôi hồi tưởng việc đã qua, cảm thấy lòng tôi man mát buồn mà thấy trong một xã hội chậm tiến, có một số người được vận hên “ngồi mát, ăn bát vàng”. Sống ích kỷ chỉ biết quyền lợi riêng tư, không chịu hòa mình để thấu hiểu nỗi khổ cực của những kẻ thiếu may mắn hơn mình, mà dành làm một việc thiếu tình người với người.
Trong gia đình nhân viên Tín Nghĩa ngân hàng có các gia đình quả phụ, có ký gởi tiền tại Tín Nghĩa ngân hàng khi chồng tử nạn, lập hồ sơ theo pháp lý để được rút tiền ra, rất chậm chạp không nói là khó khăn. Khi tôi được biết như vậy, tôi giản dị hóa thủ tục, bằng cách người vợ ký tên chung với cha mẹ bên vợ, bên chồng. Tôi cho lãnh tiền ra liền, để họ sớm giải quyết các vấn đề chi tiêu cấp bách…
Chuyện làm nội bộ bất vụ lợi, xây dựng trên tình cảm và nhân đạo giữa gia đình Tín Nghĩa ngân hàng, nên được nhân viên hoan nghinh, vô tình loan truyền ra ngoài, dù không ai thưa gởi, kêu nài. Nhưng khi Hiệp hội ngân hàng biết được, họ buộc tôi chấm dứt việc làm nhân đạo này…
|
Ông Thiệu trực tiếp ra lệnh đóng cửa Tín Nghĩa ngân hàng vì lý do “ghen ghét” tỷ phú Đời? |
Trò chuyện với nhau trong khoảnh khắc, tiếc là tiếng trực thăng đã khua vang ngoài kia, hai chiếc trực thăng đã đáp xuống. Tôi chưa kịp thắc mắc vì sao chỉ có hai chiếc tới, thì một Đại úy bước vào và cho biết sẽ có một chiếc đến sau. Vì trước khi cất cánh rời Quảng Trị để tới đây, Trung tướng tư lệnh quân đoàn Ngô Quang Trưởng có cho gọi Đại tá Bảo trình diện để nhận lệnh điều gì đó, nên sẽ tới rước tôi sau.
Theo sự phân phối của Đại úy này thì hai chiếc trực thăng này dành riêng cho phái đoàn, còn tôi thì phải chờ trực thăng của Đại tá Bảo tới để đi cùng.
Sự phân phối này rất hợp lý, vì tôi là trưởng phái đoàn, lại là Dân biểu, nên chính quyền dành riêng cho tôi một chiếc trực thăng cũng chẳng có gì là lạ, tôi cũng không có gì thắc mắc cả.
15 phút trôi qua, vẫn chưa thấy bóng dáng Đại tá Bảo đến, thấy anh em trong phái đoàn chờ đợi lâu lắc như thế không tiện, mà chính tôi cũng muốn nhập chung với anh em cho vui, vả lại đi một mình cũng chẳng thú vị gì mấy.
Tôi liền đề nghị với vị Đại úy cho thêm 15 phút, nếu mà trực thăng của Đại tá Bảo chưa tới thì để tôi nhập bọn với anh em để tranh thủ thời gian lên đường ủy lạo binh sĩ. Vị Đại úy bằng lòng, quay sang dặn dò một quân nhân khác là khi Đại tá Bảo tới thì nói vị dân biểu muốn ngồi chung với phái đoàn để đến Quảng Trị cho sớm.
Trung tướng Trưởng tiếp đón chúng tôi tại Quảng Trị rất là thông thường, sau đó chúng tôi được mời vào phòng thuyết trình. Trong lúc nghe Trung tướng thuyết trình về tình hình quân sự, một sĩ quan bước vào báo cáo chiếc trực thăng đi rước tôi ở Đà Nẵng đã phát nổ sau khi cất cánh trở về Quảng Trị, Đại tá Bảo đã tử nạn trên không trung. Tất cả phòng họp đều bàng hoàng và ngậm ngùi thương tiếc.
Đến lúc 14h45 thì tin đài phát thanh Sài Gòn đọc thông báo của chính phủ là Tín Nghĩa ngân hàng bị niêm phong và cơ quan an ninh được lệnh truy nã tôi. Lập tức tôi xin viên Trung tướng tư lệnh cho trực thăng đưa tôi gấp về Đà Nẵng và nhờ can thiệp với Air Vietnam cho vợ chồng tôi và Trung tướng Nguyễn Hữu Có về Sài Gòn gấp để tôi gặp Tổng thống Thiệu để xem hư thực ra sao”.
Vụ nổ ca nô không một lời giải thích
Trên đường về Sài Gòn, tỷ phú Đời miên man nghĩ lại câu chuyện vài năm trước đó, ông cũng đã một lần may mắn thoát chết trong một vụ nổ khó hiểu khác như sau:
“Năm 1970, tôi có mua một chiếc tàu “hors bord” để đi trượt nước. Tôi là người thích ưa thể thao, hoạt động.
Cha mẹ sinh ra tôi, nhờ Trời cho có sức vóc cao lớn. Thêm vào sự lăn lộn từ nhỏ, bon chen với đời. Nên lúc sau, thân thể có phần phát triển bừa bãi cộng thêm những công việc đa đoan dồn dập. Trong tình trạng nặng nề vì thân thể mập nhiều, phải tập thể dục, thể thao mềm mại... Muốn chơi môn thể thao này, phải có chiếc tàu nhỏ (hors bord) kéo mình trên mặt nước. Chiếc tàu nhỏ này, tôi gửi ở Hội quán ngay bến Cột cờ Thủ Ngữ.
Mỗi sáng thứ Bảy hay Chủ nhật, tôi tới đây, tự lái tàu đến vùng Cầu Sơn để đi trượt nước. Bình thường, tài xế lái xe cho tôi đến bến Cột cờ Thủ Ngữ, bỏ tôi xuống đó rồi lái xe không đến Cầu Sơn chờ tôi để trở về nhà.
|
Tỷ phú Đời cho rằng ông Thiệu có rất nhiều thủ đoạn |
Sáng thứ Bảy hôm đó, như mọi ngày, tôi đến Cột cờ Thủ Ngữ. Xuống xe, bảo tài xế chở vợ con tôi đi đám giỗ bên bà Đại tá Trương Lương Xương, trong khu cư xá Thủ Đức. Còn tôi ở lại định đi sky tới 12h đến sau.
Đây không phải là lần đầu tôi làm như vậy. Nhưng thường thì vợ tôi đi một mình vui vẻ, lần này không hiểu vì nguyên nhân nào thúc đẩy, vợ tôi phản đối mạnh mẽ, sau cùng vợ tôi đề nghị để tài xế lái tàu đến club Cầu Sơn chờ sẵn ở đó. Nghe lời vợ, lái xe cùng đi ăn giỗ sớm, gặp bà con, bè bạn, mãi tới chiều sau khi ăn xong tôi mới đi cũng không muộn. Tôi hoàn toàn chiều theo ý vợ cho vẹn bề.
Tài xế ở lại, theo lời tường thuật của anh ta, thay vì xuống tàu cho nổ máy để đi Cầu Sơn, anh ta cho nổ máy trước, đi uống cà phê cho tàu nóng máy sẽ xuống lái đi.
Ý định như vậy cho nên anh tài xế “đứng trên cầu tàu, nhoài người vặn chìa khóa công tắc cho máy nổ, không buồn bước xuống tàu”. Chìa khóa vừa mở, tiếng động cơ thứ nhất chưa kịp vang lên thì tiếng nổ kinh hoàng, long trời lở đất vang lên. Tàu vỡ tan tành thành trăm mảnh. Lửa bùng cháy, sáng lòe và sáng rực.
Chiếc ghế ngồi lái tàu do sức đẩy của chất nổ, văng lên đập trúng người tài xế, sức đẩy đủ mạnh làm cho người tài xế té văng xuống sông. Chính vì thế mà anh ta đã thoát chết. Nếu đứng tại chỗ, sợ không tránh được những mảnh vụn của chiếc tàu văng tới và nhất là không tránh được ngọn lửa do thùng xăng phực cháy, đã thiêu hủy tất cả mọi vật chung quanh, đưa tới những tiếng nổ phụ, kế tiếp…
Người tài xế tên Thành may mắn không bị chết oan như Đại tá Bảo. Ngay sáng thứ Hai tôi gõ cửa tất cả các cơ quan an ninh yêu cầu điều tra. Sau nhiều tháng, không nhận được kết quả nào, cũng không một lời giải thích đúng đắn nào, từ phía chính quyền, cơ quan an ninh hữu trách. Câu trả lời duy nhất người ta mang lại cho tôi: “Chiếc tàu nổ là do sự trục trặc của máy móc”.
Họ đã trả lời cho một Dân biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương Mại, Công - Kỹ - Nghệ, Chủ tịch Tổng Giám đốc một Ngân hàng, chiếc tàu của tôi phát nổ chỉ do nguyên nhân đơn giản “trục trặc máy móc”.
Dù sao, lần này tôi cũng còn nhận một giải thích đơn sơ. Còn chiếc trực thăng phát nổ trên bầu trời Đà Nẵng, Đại tá Bảo thiệt mạng thì có phải vì “máy móc trục trặc”? Vì tôi chẳng nhận được lời giải thích nào về vụ này cả. Và còn bị bắt giữ ngay tối hôm đó.
|
Trước khi vụ đóng cả ngân hàng xảy ra, vợ tổng thống Thiệu (trong hình) đã gọi vợ ông Đời vào “nhỏ to câu chuyện” |
Bắt giữ Dân biểu không có trát tòa, bị tống vào khám Chí Hòa sau đó. Giam giữ không xét xử. Tổng Giám đốc Cảnh sát không thừa thì giờ, để gửi vào một người tù chưa bao giờ được cũng như bị xét xử, bản án duy nhất chỉ thâu tóm trong mấy tiếng “Vua muốn hại anh””.
Tỷ phú “cả gan” từ chối lời mời Tổng thống
Nói về nguyên nhân bị Nguyễn Văn Thiệu “ghen ghét”, tỷ phú Đời hồi ức: “Xét cho cùng kỳ lý, mình cũng có những việc làm cho ông “Vua” ấy giận. Nhưng biết làm sao hơn không thế làm khác được.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hơn một lần ngỏ ý trực tiếp, gián tiếp mời tôi thay thế ông Phụ tá Nguyễn Cao Thăng, khi ông Thăng qua đời.
Đã nhiều lần tôi từ chối chức vụ Phụ tá Chính trị với bạn bè thân cận với Tổng thống Thiệu, không biết các vị này có cho Tổng thống Thiệu biết không, riêng tôi chưa trực tiếp từ chối, tôi chỉ xin suy nghĩ và thử sắp xếp việc làm ăn rồi sẽ trả lời sau…
Trước đó, vợ tôi vô thăm Tổng thống Phu nhân, Tổng thống Thiệu gặp mặt vợ tôi nhắn mời tôi vào dinh dùng cơm thân mật và có việc cần bàn. Khi gặp, tay bắt mặt mừng, sau đó Tổng thống Thiệu ngỏ lời…
Lời ông Thiệu: Chúng ta đã là anh em biết nhau từ lâu, hôm nay tôi muốn anh trả lời dứt khoát lời đề nghị của tôi về chức vụ Phụ tá Chính trị.
Đáp: Xin Tổng thống cảm phiền về sự chậm trễ trả lời.
Lời ông Thiệu: Anh Đời, ở đây có hai anh em mình nên xưng hô anh em như xưa thân mật hơn.
Đáp: Dạ như anh đã biết tôi từ lâu, tôi luôn luôn có tinh thần bằng hữu rất cao. Nên quá khứ đã giúp bạn bè rất nhiều, trong đó có anh, việc làm Phụ tá Chính trị cho anh ngoài tình bằng hữu ra, còn là việc nước, mà việc nước là hệ trọng…
Lời ông Thiệu: Ngắt lời, tôi đã lựa đúng khả năng của anh rồi còn gì nữa?
Đáp: Thưa anh, để không phụ lòng anh thương và tin cậy, tôi nguyện hết lòng tận tâm, tận lực giúp anh về kinh tế và tài chánh, vì tôi hiện giờ có một “ê kíp” rất giỏi về việc này để giúp Anh thảo kế hoạch, chương trình, đồng thời nguyên cứu lại giùm anh, những biện pháp và đề nghị của cơ quan viện trợ Mỹ và Bộ Kinh tế, để anh đỡ nhức đầu vì đã có tài liệu sẵn, để anh so sánh chọn lựa rồi quyết định.
|
Cảnh sát VNCH cùng ngày giờ được lệnh khám xét toàn bộ hệ thống ngân hàng của ông Đời |
Lời ông Thiệu: Anh Đời, tôi nhờ anh một đàng, anh lại đòi làm một ngả khác mà tôi không cần đến. Tôi nói cho anh rõ người Mỹ hiểu các loại cá ở sông biển Việt Nam còn hơn anh và các loại cây trong rừng Việt Nam còn hơn cả anh. Về Kinh tế, Tài chánh họ sẽ giúp tôi để biến xứ này những thập niên sau này có thể ngang hàng với Nhật Bản… Anh biết không? Hơn thế nữa, mình có dầu hỏa ở ngoài biển và lục địa.
Đáp: Xin anh đừng phiền, tôi chỉ trình bày về khía cạnh sở trường của tôi hiện nay cốt để phục vụ Tổng thống đắc lực hơn.
Lời ông Thiệu: Vậy việc tôi nhờ anh, anh không sở trường?
Đáp: Dạ thưa phải, bởi tôi trên đà phát triển về ngành ngân hàng nên bao nhiêu nỗ lực đều dồn vào đó hết.
Lời ông Thiệu: Ngân hàng anh đã thành công rồi, tại sao anh không nghĩ đến việc này?
Đáp: Anh nhớ không? Khi xưa các anh hội họp về Chính trị, Quân sự, tôi ngồi ngủ ngon lành, khi bàn về kinh doanh là tôi tỉnh hẳn. Vì tôi chỉ biết nghĩ về việc kinh doanh là đường thẳng, tôi phải liên tục đi, đi cho đến đích, Anh nhớ không xưa kia ông Nguyễn Văn Bửu hợp tác với Chính phủ Diệm, rồi sau đó ông ấy bị tiêu tan tài sản.
Lời ông Thiệu: Anh chắc làm kinh doanh thuần túy anh sẽ đi đến đích?
Đáp: Thưa anh, tôi cảm nghĩ như vậy, vì việc ông Bửu nó cứ ám ảnh tôi mãi.
Lời ông Thiệu: Thôi bỏ qua các chuyện đó đi, để anh và tôi có thời giờ suy nghĩ lại, bây giờ chúng ta nhắc lại chuyện xưa cho vui.
Chúng tôi lại ngồi lại ăn uống, nhắc lại chuyện xưa ở Huế, ở sông Hương, ở Sài Gòn, ở Vũng Tàu, ở Long Hải và thỉnh thoảng chêm vào những chuyện tiếu lâm thật là vui vẻ, cởi mở…
Lúc ấy, với lòng ngây thơ và chân thật giữ tình bằng hữu mà tôi không hề nghĩ gì về hậu quả,gánh chịu, của cuộc gặp gỡ đó, để rồi biến đổi tình bằng hữu ra tình nghi ngờ, rồi người bạn biến thành người tù không có án bị giam giữ suốt hai năm trời đầy khổ lụy”.
Thiệu gạ mua cổ phần Tín Nghĩa Ngân hàng
“Sau khi mời làm phụ tá bất thành, ông Thiệu xoay qua đòi mua cổ phần Tín Nghĩa Ngân hàng.
Không cần phải những nhà chuyên môn kinh tế, tài chính, chúng ta đều hiểu nếu mua cổ phần, có hai phương thức.
Người đầu tư nhỏ, muốn mua một số cổ phần giới hạn để được ăn lời, bằng cách được chia lời cuối năm hoặc bán khi cổ phần lên giá.
|
Sự việc ông Đời bị bắt được thông báo thời gian dài trên báo chí |
Những tay tài phiệt, tư bản, khi nhảy vào một công ty để mua cổ phần, lại muốn mua theo đường lối, mua cho được đa số, thường là 51%. Khi đã nắm trong tay 51% cổ phần, đương nhiên họ được quyền kiểm soát công ty, quản trị trực tiếp, hoặc gián tiếp qua một người trung gian của họ. Còn mua theo đường lối thông thường, ông Thiệu và những người trong gia đình ông chỉ việc mua lại những cổ đông nào muốn bán ra.
Nhưng khi đề nghị muốn mua cổ phần của Tín Nghĩa Ngân hàng, ông Thiệu đã muốn nắm đa số cổ phần, quyền kiểm soát ngân hàng. Vì nhận thức được điều đó, tôi không phải nhường cổ phần của mình. Cũng không có quyền áp lực các cổ đông phải nhường lại cho gia đình ông Thiệu.
Đã sống trong thế giới kinh tế tài chính, tôi có thói quen chịu đòn, ngoại trừ thế giới thời tuổi trẻ, mơ mộng thì nơi đây không phải là thiên đường. Kinh tế tài chính là thế giới của tương quan lực lượng. Đó là một đấu trường. Không ai cho bạn một cái gì, nếu không đổ mồ hôi để hái trái… Bạn phải tự gỡ ra con dao đã chịt vào cổ bạn. Phải gỡ nó ra, tuyệt đối không van xin, cầu khẩn khóc lóc. Khóc than chẳng có kết quả gì.
Như vậy, nếu ở địa vị của tôi, phải bán cổ phần Tín Nghĩa Ngân hàng đi, tôi sẽ phải bán. Còn ở tư thế tài chính cho phép tôi giữ lấy, định luật, tài chính của thị trường lúc đó, bảo tôi phải giữ hơn là bán ra. Bởi lẽ đó, tôi đã tuân theo nhu cầu, thị trường mà không thể theo ý “vua”.
Một khi đã tuân theo ý muốn của một ông vua, sẽ có cả chục ông vua con khác xuất hiện, dí dao vào cổ bạn, bắt phải tự tay bạn thiêu hủy cả cơ nghiệp của mình. Tôi từ chối, nhất quyết không bán cổ phần Tín Nghĩa cho ông Thiệu, gia đình do ông ấy đứng tên”.
Trở lại thời điểm bị bắt giữ, ông Đời cho hay: “Thừa lúc tôi đi ủy lạo chiến sĩ ở Quảng Trị, cùng ngày cùng giờ, cảnh sát các nơi: Đô Thành, Tổng Nha, Gia Định, Thủ Đức, Biên Hòa, Tân An... Trên toàn quốc được khẩu lệnh thượng cấp, bao vây, phong tỏa và đóng cửa tất cả Tín Nghĩa Ngân hàng, hãng xưởng của tôi. Đồng thời cô lập tư gia, gia đình bên vợ, bên tôi và gia đình các cấp chỉ huy của tôi.
Cùng một lúc tung tin thất thiệt, được loan truyền trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí... với dụng ý tuyên truyền, bôi nhọ tôi như một cuộc đảo chánh vừa xảy ra, để che mắt dân chúng về hành động tội ác, phi pháp của Tổng thống Thiệu.
Cứ như vậy mà liên tục phổ biến rộng rãi tin tức trong dân chúng kéo dài trên một tháng, như họ đã thành công dẹp được một cuộc đảo chánh. Đồng thời, lúc đầu biến Tín Nghĩa Ngân hàng thành nhà giam, giữ nhân viên các cấp điều hành.
Ngày đầu tiên bị giam tại văn phòng của tôi, ba má tôi nhờ luật sư Lê Văn Mão đến thăm, để biện hộ hoặc dự thính khi lấy khẩu cung, dầu có án lệnh của tòa, cũng bị cảnh sát từ chối quyền gặp tôi. Luật sư Lê Văn Mão phản đối tại Ngân hàng, bị cảnh sát gí súng vào lưng đẩy luật sư Mão lên xe hộ tống về văn phòng của ông.
|
Một góc Sài Gòn khoảng năm 1973 |
Em tôi, Nguyễn Tấn Phước ở Thụy Sĩ đã 20 năm, có vợ con tất cả đều là dân Thụy Sĩ, một ngày sau khi tôi bị bắt, vô tình về thăm gia đình. Khi vừa bước xuống máy bay, cũng bị bắt ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất đem giam giữ tại đồn cảnh sát. Tòa lãnh sự Thụy Sĩ can thiệp, hai ngày sau họ mới được thả và được cảnh sát hộ tống ra thẳng phi trường, lên máy bay về Thụy Sĩ mà không một lời thăm hỏi, từ giã cha mẹ, gia đình.
Đúng lúc, vợ tôi từ Đà Nẵng trở về, liền được mời về nhà, để chứng kiến họ lục xét, mở tủ sắt và tịch thu tất cả bảo vật riêng của vợ tôi, rồi còn hành hạ, đem giam chung với gái điếm. Nên sau ba tuần lễ, vợ tôi bị thần kinh nặng, điên loạn được đưa vào bệnh viện Đồn Đất giam lỏng tại đó, không một ai được quyền đến thăm, dù luật sư Mão có án lệnh trong tay, cũng bị cảnh sát từ chối.
Những hành động phi lý, bất chấp luật pháp, hiến pháp, án lệnh tòa, Tổng thống Thiệu đã ra khẩu lệnh trực tiếp cho cảnh sát tự do hành động. Đóng cửa Tín Nghĩa Ngân hàng một cách bất thường, tại sao lại cấp bách dùng khẩu lệnh cho cảnh sát mà không qua các thủ tục cần thiết?
Tín Nghĩa Ngân hàng là công ty, có Hội đồng quản trị, nếu có cá nhân nào hành xử lỗi lầm, sẽ bị thay thế, đằng này Tổng thống Thiệu tự ý ra lệnh cho cảnh sát đóng cửa Tín Nghĩa Ngân hàng như vậy chẳng những vi luật, vi hiến mà là bất bình thường, phải có ẩn ý đen tối.
Còn việc ra khẩu lệnh cho cảnh sát bắt giam một Dân biểu đương nhiệm, rồi mới đưa ra Quốc hội biểu quyết dù không đủ túc số để truất quyền, nhưng vẫn bị giam cầm gần 2 năm, thân nhân kêu nài vẫn không đem ra xét xử...
Thân mẫu của tôi nhờ luật sư Lê Văn Mão làm thủ tục xin chữ ký của các Dân biểu, hội đủ túc số, để đưa tôi ra trước phiên họp khoáng đại của Quốc hội trực tiếp trả lời với Hành pháp, Tư pháp... hòng làm sáng tỏa vấn đề, để Quốc hội toàn quyền quyết định, việc truất quyền Dân biểu. Ác thay, Quốc hội cũng không được triệu tập như thân mẫu tôi kêu nài và yêu cầu trên báo chí.
Việc đóng cửa phi pháp Tín Nghĩa Ngân hàng, có hai quản trị viên Ngân hàng Quốc gia vì danh dự và can đảm đã từ chức để phản đối: Ông Phó Bá Long, Viện trưởng, Viện Đại học Chánh trị Kinh doanh Đà Lạt. Và ông Đốc phủ sứ Trần Văn Thi.
(Còn tiếp)
Ông Đời hồi ức: “Tín Nghĩa Ngân hàng có bị thiếu hụt tiền ký thác của dân chúng? Tôi quả quyết không có, tôi sẵn sàng đối chất công khai trên đài truyền hình để làm sáng tỏ với ai, hay nói ngược lại...
Thứ nhất trước đó, Tín Nghĩa Ngân hàng không bao giờ bị Ngân hàng Quốc gia khuyến cáo, chế tài... Rồi tại sao bất thần đóng cửa Tín Nghĩa Ngân hàng bằng khẩu lệnh cho cảnh sát? Ngân hàng Quốc gia Việt Nam quản lý tiền bạc, tài sản, lập bảng đối chiếu, dù rất gò bó để tìm lý do chánh đáng cho họ mà cũng không sao tìm được sự thâm hụt như đã loan truyền.
Thứ hai, là tài liệu sống và quý giá, mà các Tiến sĩ, Giáo sư đại học Mỹ, Việt Nam, đã dày công phối hợp nghiên cứu các tài liệu tại Tín Nghĩa Ngân hàng, tại Ngân hàng Quốc gia vào cuối năm 1972 đều cho rằng tiền dự trữ bắt buộc, Tín Nghĩa Ngân hàng đã tự đặt ra ngoại lệ, giữ thêm 5% đến 10%; nên hồi năm 1971 khi Ngân hàng Quốc gia tăng số tiền dự trữ lên từ 35% đến 40% thì Tín Nghĩa Ngân hàng là một trong những ngân hàng có đủ điều kiện mà còn trội hơn nữa.
Vậy người thay thế tôi là ai? Đương nhiên là đại diện cho chánh quyền, do ông Thiệu lãnh đạo và chủ xướng ra việc này”.