Sau khi bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “đưa vào vòng ngắm”, tỷ phú Đời bị bắt giam không nguyên cớ suốt nhiều năm, sự nghiệp tan tành, gia đình tan nát.
Sau này khi ra nước ngoài định cư, ông Nguyễn Tấn Đời đã viết lại cuốn hồi ức kể về cuộc đời làm ăn “lên voi xuống chó” của mình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến biến cố bị Tổng thống Thiệu “vùi dập”. Kể từ số báo này, XLPL xin đăng tải loạt bài “Tỷ phú Nguyễn Tấn Đời và cái kết “tàn đời” vì trái ý Tổng thống”.
Cuộc bắt nhốt kỳ lạ
Theo hồi ức của tỷ phú Đời, đầu năm 1973, khi bị bắt, ông là dân biểu Quốc hội VNCH, có quyền bất khả xâm phạm. Thế nhưng cơ quan tố tụng Sài Gòn đã bất chấp điều này. Ông Đời kể:
“Biện lý (thẩm phán – NV) Tuấn không ký giấy giam tôi, bị cách chức. Không một ai dám quyết định ký giấy tống giam tôi. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dọa không ký sẽ ra lệnh cho Tổng Trưởng Tư pháp cách chức. Nhưng biện lý Tuấn vẫn từ chối, kết quả ông bị cách chức.
Tất cả những chức sắc có thẩm quyền đã từ chối không chịu ký giấy tống giam tôi. Họ chẳng sợ hãi gì vì tôi chỉ là một thương gia, một nhà kinh tế. Tinh thần thượng tôn, luật pháp quốc gia đã không cho phép họ làm điều phi pháp.
Tỷ phú đời là chủ thương hiệu Tín Nghĩa ngân hàng |
Giờ đây, thiếu gì người chê trách, theo lối vơ đũa cả nắm, coi những nô bộc của guồng máy thời ấy là những kẻ tàn bạo, những kẻ tham nhũng. Nhưng thực ra thời đó cũng có kẻ tốt, người xấu.
Biện lý của tòa án thời đó, trong phạm vi tư pháp, có quyền ký trát tống giam. Một khi ông không ký, có gõ cửa khám Chí Hòa cũng không mở cửa cho bạn vào với tư cách thường trú.
Biện lý Tuấn nêu lên với Tổng trưởng Tư pháp của ông Thiệu: “Nguyễn Tấn Đời là Dân biểu, do đó có quyền bất khả xâm phạm. Cần phải có một phiên họp Quốc hội để tước quyền bất khả xâm phạm của Dân biểu Đời thì biện lý mới ký trát tống giam được”.
Không bao giờ, cả khi mới bị bắt, cho đến khi bị biệt giam, chưa bao giờ tôi mất quyền bất khả xâm phạm. Chưa bao giờ Quốc hội bỏ đủ số phiếu bất tín nhiệm tôi.
Trên những “chuồng cu” của Quốc hội, phụ tá của Thiệu đã tới với từng xấp phong bì, nhiều cuộc gặp gỡ cả kín lẫn hở đã diễn ra mà đối tượng của những cuộc gặp gỡ này là “truất quyền bất khả xâm phạm dân biểu Nguyễn Tấn Đời”. Chưa một lần nào họ đạt được kết quả dù tung tiền mua chuộc, dù quyền uy nghiêng trời lệch đất. Chẳng lần nào Nguyễn Tấn Đời bị tước quyền bất khả xâm phạm.
Đúng hai năm bị giam, tôi luôn luôn là Dân biểu Nguyễn Tấn Đời nằm khám. Và cũng không biết số lương của Dân biểu Nguyễn Tấn Đời ai ký tên lãnh trong suốt thời gian đó”.
“Thời điểm tôi bị bắt giữ, khối lượng tiền tệ trên khắp VNCH là 48 tỉ bạc Đông Dương. Ngân hàng của tôi giữ 30 tỉ, tức trên 2/3 tài sản quốc gia nằm trong tay tôi. Nói thế để quí vị hiểu rõ vai trò tôi vô tình có nhiệm vụ nắm giữ. Thế nhưng Nguyễn Văn Thiệu đã bắt tôi và đánh sập hệ thống Tín Nghĩa ngân hàng.
Trong cuộc bắt giữ tôi, Thiệu dùng “Mật lệnh” cho cảnh sát hành động như là một cuộc đảo chánh. Hai ngày trước khi bắt tôi, Thiệu còn mời tôi uống nước dừa ở cầu tàu “Cầu Sơn” khi tôi trượt nước “sky nautique”.
Bốc tôi ra khỏi nhà, đưa lên xe bít bùng, có dàn cảnh sát chìm đi Honda hộ tống, tôi được dẫn giải thẳng về Tín Nghĩa ngân hàng.
Khi chiếc xe bít bùng chở tôi đi, tôi nghĩ một là họ chở mình vào Tổng nha Cảnh sát, hai là chở thẳng vào Chí Hòa, ba là chở vào Nha Cảnh sát Đô thành hay một cơ quan đặc biệt nào khác.
Tôi liên tưởng nhiều đến Nha Cảnh sát Đô thành, vì người đứng đầu cơ quan này là một người thủ hạ thân tín ông Thiệu. Họ không chở tôi về cảnh sát Đô thành. Tôi đã đoán sai nhưng chỉ sai một nửa.
Tòa cao ốc 727 Trần Hưng Đạo (góc bên phải) là một trong nhiều cao ốc do tỷ phú Đời xây |
Tôi trực diện với Trang Sỹ Tấn, thủ hạ thân tín ông Thiệu, sau khi được dẫn giải về nơi có treo biển “Thần Tài”. Cảnh sát giải tôi về gian phòng làm việc của chính tôi và có thêm cảnh sát canh gác ngoài cửa. Họ dặn tôi cần gì thì gõ cửa sẽ có người vào giải quyết, tuyệt đối không được đẩy cửa ra ngoài, muốn đi cũng không được, vì bên ngoài đầy nhân viên canh giữ.
Chỉ một thời gian ngắn, tiếng mở khóa lạch cạch bên ngoài, cửa mở lớn, viên cảnh sát mặc sắc phục lùi sang một bên, nhường chỗ một người bước vô, Trang Sỹ Tấn. Người này không phải xa lạ với tôi.
Những buổi tiếp tân ở phủ Tổng thống, hành lang Quốc hội, trong đám cưới con gái ông Thiệu mà tôi có quà mừng đặc biệt và mới hai ngày trước đây, chính Trang Sỹ Tấn đích thân rượt theo “Hobo” của tôi khi trượt nước, để mời tôi vào cầu tàu gặp ông Thiệu rồi “uống nước dừa chơi” theo lệnh của ông Thiệu.
Thấy Tấn, tôi chồm dậy, tôi tiến thẳng lại phía Tấn, nhìn thẳng vào mặt Tấn hỏi: “Anh bắt tôi? Tại sao mấy anh bắt tôi, tội trạng gì? Anh nói tôi nghe? Không trát tòa, bắt bớ gì kỳ vậy?”.
Trong khi tôi hét lớn, Tấn lùi lại một bước. Chợt nghĩ sự bình tĩnh vẫn tốt hơn là nóng giận, nếu mình muốn biết căn nguyên, tôi trở về ghế ngồi của tôi. Tấn thấy tôi nguôi giận, nhìn tôi một cách thân hữu hơn. Tấn ngồi trước bàn tôi. Vị trí của chúng tôi ngồi, không giống của thẩm sát viên và một kẻ bị tình nghi, bắt giữ. Tôi ngồi ghế Tổng giám đốc ngân hàng, Tấn ngồi ghế của người khách đến thăm viếng.
Trong đêm tù tội đầu tiên kỳ lạ, người bị bắt Nguyễn Tấn Đời, đóng vai thẩm vấn viên, còn Giám đốc Cảnh sát Đô Thành lại đóng vai kẻ bị tình nghi, biện minh cho sự vô tội, ngay tình của mình”.
Bị bắt vì… đánh tennis…
Câu hỏi trên đây, tôi đã hỏi với Tấn mà sau này nó trở thành tiếng hét vang vọng trong tâm hồn tôi, suốt mười mấy năm sau: “Tại sao anh bắt vợ chồng tôi? Vì cớ gì, tội trạng gì”…
Trang Sỹ Tấn tránh né tia mắt giận hờn nhưng chấp nhận trả lời những câu hỏi của tôi. Tấn khôn ngoan trả lời một câu hỏi, dưới hình thức một câu hỏi: “Anh Đời, anh có liên lạc với Dương Văn Minh?” Tôi uất người đập mạnh tay xuống bàn, chồm người về phía trước hét lên: “Tôi liên lạc với Đại tướng Minh hồi nào? Tôi không lại nhà ổng, ổng không đến nhà tôi. Chúng tôi chẳng hề họp kín, họp hở với nhau, liên lạc là liên lạc thế nào?”
Trong thời gian dài, dưới thời ông Thiệu cầm quyền. Đại tướng Minh đóng một vai trò chính khách đối lập. Dinh Tổng thống là dinh ông Thiệu, ngôi nhà ông Minh ở Hồng Thập Tự được gọi là dinh “Hoa Lan”, cũng là nơi thu hút chánh khách đối lập.
Ông Nguyễn Tấn Đời (ngoài cùng bên trái) trong buổi dự lễ khánh thành xưởng ráp máy thu thanh và truyền hình tại Thủ Đức |
Trong đó có những sĩ quan cao cấp, tướng lãnh có quyền hành giữ liên lạc mật thiết với ông Minh. Ngoài ra, có những chánh khách khác ra vào dinh “Hoa Lan” không chỉ vì lý do thưởng hoa.
Tôi không thuộc thành phần những người lượn vòng quanh trục chính trị “Hoa Lan” đó. Nếu có, Tấn lập tức móc trong túi ra một tờ giấy ghi rõ ngày, tháng tôi đi ăn, ghé đến nhà họp với ông tướng đối lập này. Cảnh sát lúc nào cũng đứng đầy cửa nhà ông Minh.
Tướng Minh không chỉ là đối tượng canh chừng của cảnh sát Đô thành, ông cũng bị cảnh sát nội chính của tướng Bình, an ninh quân đội của tướng Nhuận, tình báo phối hợp dưới quyền tướng Quang “bảo vệ” cẩn mật…
Một người vô tình đi ngang cánh cửa bị canh giữ đó, lọt vào bên trong, cũng lập tức được nhìn thấy chụp hình, theo dõi ngay. Một người to lớn, nặng nề như tôi, mà ông Thiệu gọi là “ông Địa Tạng” đương nhiên không thể tàng hình đi gặp ông Minh mà không để lại dấu vết nào?...
Đây là sự thật, tôi thường đánh tennis với tướng Minh nhiều buổi sáng trong tuần.
Về sau vợ tôi có hỏi: “Tại sao anh đánh tennis với ông Minh cho sinh chuyện?”. Tôi ôn tồn giải thích cho vợ tôi, người đàn bà vì tôi mà chịu đựng biết bao nhiêu sầu khổ trong hai năm tôi bị giam giữ, làm sao tôi không đánh tennis với ông Minh được? Vì lẽ, Sài Gòn không có nhiều sân quần vợt, đánh lui, đánh tới, dân chơi đều biết có sân Cercle Sportif đường Hồng Thập Tự là chơi được.
Tôi là thường dân, thường có mặt ở sân chơi trước, đánh hiệp trước, nhân vật danh tiếng đi ngang qua sân hay chờ sân mình. Họ ở những nơi xả hơi công cộng, thường đóng vai trò hòa mình với dân chúng, cho dù mình không xáp lại làm quen, các ông cũng vẫy tay gọi hỏi han: “Anh Đời, hồi này ngon dữ a!”. Hoặc là: “Anh Đời, đỡ quả này đẹp à”.
Hỏi như vậy, mình không chào, không gởi lại cho nhau những lời thân hữu của người thể theo trên sân? Huống hồ ông Minh với tôi không phải người xa lạ. Cũng như ông Thiệu không lạ gì. Tôi quen ông Minh từ trước, khi ông làm Chủ tịch Hội đồng cách mạng. Quen ông Thiệu, trước khi ông đeo lon trung úy ở quân khu 1 dưới quyền Tư lệnh Đại tá Trương Lương Xương.
Nếu ông Thiệu mỗi sáng vác vợt ra “xẹc”, chắc tôi đã đánh với ông mỗi sáng, với điều kiện ông biết cầm vợt, biết chơi tennis cũng trình độ với ông Minh. Hẳn là ông Minh sẽ không đánh với tôi, nếu tôi đánh quả nào vào lưới quả đó và như vậy, tôi sẽ trở thành một kẻ hầu tennis lố bịch. Đó là lời giải thích nhẹ nhàng với vợ tôi.
Đêm đầu tiên bị giam giữ đó, khi ngồi trước mặt Trang Sỹ Tấn, tôi đã phẫn uất hét lớn: “Tôi đánh tennis với ông Minh, vì sao các anh đã thấy, những người quen nhau lâu đời, không đấu với nhau vài hiệp, mỗi khi gặp nhau, nhất là hai người cùng trình độ, cùng trong địa vị tương xứng…
Tôi không đánh tennis với ông Minh, cả nước sẽ chửi tôi là “thằng hèn”, là tay sai của Thiệu, bợ ông Thiệu đến độ gặp anh em không lọt mắt xanh của Thiệu, cũng không dám chào một câu, không chơi với nhau một hiệp tennis…”.
Cả đời tôi ngang dọc, kiếm ăn bằng hai bàn tay, mồ hôi nước mắt, không phải bợ ai bao giờ, hà cớ gì hôm nay tôi phải quì gối.
Đường phố Sài Gòn năm 1973 |
Là người tự lập, không thích luồn cúi, với tinh thần nghĩa hiệp và thói quen bất khuất, do đó mỗi sáng, tôi vẫn đánh tennis với ông Minh, giữa hàng rào nhân viên an ninh của ông Thiệu, máy thâu âm đặt bốn phía, tất cả những hành động trên sân tennis đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay cả tiếng hô “out” của tôi đều được ghi âm để buổi chiều kiểm duyệt nghe lại.
Tôi hét lên, một tuần tôi đánh mấy buổi hoặc nói với ông Minh các anh đều nhìn, nghe thấy hết, chơi thể thao dưới vòm thanh thiên bạch nhật, cứ lén lút gì đâu? “Tôi đánh tennis chứ có tội lỗi gì? Và đã làm gì trong những buổi chơi đó, anh nói đi. Chỉ đánh tennis, không hẹn hò mà gặp gỡ tình cờ, không âm mưu ám muội, cũng là tội à. Tội gì? Anh nói nghe coi?”.
…hay vì làm từ thiện?
Trang Sỹ Tấn tránh tia mắt tôi như một tội phạm. Tôi đập mạnh tay xuống bàn nhiều lần, tôi nhìn thẳng vào mặt Trang Sỹ Tấn, Giám đốc Cảnh sát Đô thành nhìn ra phía khác, tránh tia mắt tôi mà không trả lời câu hỏi của tôi. Ông ta ngồi im lặng như một kẻ tình nghi bị cật vấn, kẻ phạm tội đang thú nhận.
Ông Tấn không phải người xa lạ đối với tôi. Chúng tôi gặp nhau ở nhiều nơi, nhiều lần. Tiếp tân ở phủ Tổng thống, tòa Đô chính hay hành lang Quốc hội, chúng tôi còn có hơn một lần bắt tay nhau từ thời bình an, trước khi cơn lốc chính trị đầy đam mê, thủ đoạn vào Sài Gòn… Tôi không biết khi gặp một đao phủ thủ, một thẩm vấn viên cảnh sát mà hôm qua còn là bạn bè, thân hữu.
Những ai phải trải qua hoàn cảnh cực đoan này của đời người, có những cảm tưởng gì, phần tôi, ông Tấn lúc thì mang lại cho tôi cảm tưởng tức giận, lúc thì ông này mang lại cảm tưởng buồn phiền. Lúc căm phẫn, tôi muốn hét to những lời nặng nề. Nhưng sự tự chế vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Tổng thống Thiệu (người cầm cờ) trong một sự kiện năm 1973 |
“Sau này khi bị nhốt ở phòng tối tội tử hình khám Chí Hòa, tôi không được phép nhận một ổ bánh mì thịt nguội từ bên ngoài gửi vào, không một lọ dầu Nhị Thiên Đường, không được cung cấp thuốc men khi đau thập tử nhất sanh, trong khi những người khác được tự do đi lại, được tiếp tế quá đầy đủ.
Cảnh sát bắt giam cả gia đình bên vợ, bên tôi. Chỉ còn má tôi lúc đó đã 65 tuổi. Sau ba tháng tôi mới được phép thăm nuôi riêng biệt, tại văn phòng ông Quản đốc khám Chí Hòa, trước mặt tám người lính canh gác. Cơm được họ đổ ra để bươi kiểm. Canh thì lấy cây quậy, thịt, trái cây bị xẻ mỏng ra vì thăm nuôi một tuần một lần nên tôi không thể để dành, tôi phải lấy đồ ăn cung cấp cho người khác.
Lúc đầu, tôi còn lo buồn nên tôi không màng đến, sau đó tôi lấy lại sự bình thường, liền phản đối: “Tại sao các người khác được tự do thăm nuôi, còn tôi có tám lính canh gác kềm kẹp cùng với viên Quản đốc lục xét, nghe chuyện riêng của má và tôi. Có phải các người cố ý muốn làm nhục?”. Tôi liệng đồ ăn và bỏ ra khỏi phòng.
Sau đó tôi được thăm nuôi chung với các người khác và không còn lục xét như trước. Nhưng lính vẫn bám sát để nghe chuyện, viện lẽ bảo vệ an ninh cho tôi.
Lúc tôi phản đối mạnh, viên Quản đốc bỏ nhỏ như nhắc nhở tôi: ““Vua” muốn hại ông, ông càng vùng vẫy càng có hại cho ông. Ông nên nằm yên chờ thời cuộc là thượng sách, mà nơi đây tôi đã chứng kiến lắm vật đổi sao dời””.
Tôi tự nghĩ, dù sao ông Tấn chỉ làm phận sự, ông là Giám đốc Cảnh sát, tôi là một Dân biểu đương kim, nhân vật hàng đầu trong giới kinh tế, tài chính, đương nhiên ông Thiệu không thể giao cho một thẩm vấn viên hạng nhì hỏi cung tôi.
Ông Tấn cực chẳng đã phải lãnh nhiệm vụ này. Dù vậy, tôi cố kìm được nóng giận lại nhưng không tránh được buồn phiền.
Trang Sỹ Tấn tiếp tục hỏi tôi: “Mỗi buổi sáng thứ bảy, anh gặp Phó Tổng thống Hương làm gì?”. Ông Tấn còn hỏi tôi: “Thứ bảy nào, anh cũng uống cà phê với Phó Tổng thống Hương”. Câu hỏi vừa dứt, tôi muốn hét to cho bể lồng ngực mới hả nhưng phải cố gắng kìm chế, hai tay ôm lấy đầu.
Sao ông Thiệu đa nghi đến thế này? Sao ông lại có thể sai Trang Sỹ Tấn nêu với tôi câu hỏi này? Tôi nghĩ và tôi tin rằng không lầm trước khi thẩm vấn tôi, Tấn đã có hội ý hay đúng hơn lãnh chỉ thị của ông Thiệu.
Ông Thiệu vốn nghi ngờ tất cả mọi người. Ông nghi ngờ những ai đứng gần ông Dương Văn Minh, dù chỉ 1 phút còn có lý, vì ông Minh là người đối đầu với ông Thiệu; nhưng Phó Tổng thống Hương là cộng sự viên hàng đầu của ông, cánh tay trái của Tổng thống, mà chính Tổng thống đã chọn đứng cùng liên danh ứng cử nếu không đồng sanh, đồng tử thì cũng phải coi như bạn, làm sao ông Thiệu có thể chơi trò Tào Tháo, canh chừng Phó Tổng thống Hương từng bước?
Sự liên lạc giữa tôi và Phó Tổng thống Hương hằng tuần, mật vụ ông Thiệu đã ghi nhận, đó là sự thật. Mỗi tuần tôi cùng Phó Tổng thống Hương cùng nhau uống cà phê buổi sáng.
Nhìn qua những báo cáo, một người cầm quyền biết nghi ngờ sáng suốt, chẳng có điều gì đáng thắc mắc. Người nghi ngờ mù quáng có nhiều lo âu, nghi vấn, nghĩ ngợi lung tung.
Nói về cụ Hương, tôi xin giải thích như sau: Như ở trên, tôi đã xác nhận với Trang Sỹ Tấn: “Mỗi sáng thứ bảy, tôi được cụ Hương ban cho vinh dự dùng cà phê với cụ”. Nhưng tại sao tôi lại được vinh dự này? Để cùng nhau mưu bá đồ vương? Hay tôi mang tiền cho cụ Hương để cụ có phương tiện làm việc gì đó?
Một số cảnh khám xét, vây bắt của cảnh sát Sài Gòn những năm 1970 |
Tôi muốn cắt nghĩa cho Tấn hiểu cụ Hương không phải loại người làm chính trị theo kiểu hiện đại, nuôi người tạo dựng hào quang giả qua guồng máy tuyên truyền. Cũng không theo lối chính trị Tây phương. Cụ Hương không bao giờ làm.
“Về phía vợ tôi, sau khi vợ tôi về nhà, bị bắt chứng kiến; cảnh sát lục xét, mở tủ sắt, tịch thâu tất cả tiền bạc và bảo vật riêng của vợ tôi, trên 80 triệu bạc… Ngay đến chiếc vòng ngọc vợ tôi đeo nơi tay, Đại tá Phạm Kim Quy lột ra đưa cho người khác đeo.
Cảnh sát đem giam vợ tôi giam chung với gái điếm sau ba tuần lễ nên vợ tôi bị bệnh thần kinh rất nặng, buộc phải đưa vào bệnh viện Đồn Đất điều trị và giam lỏng tại đó, không một ai được quyền đến thăm dù luật sư có án lệnh tòa án cũng không cho gặp mặt, viện lẽ còn trong vòng “bảo mật””.
Cụ chẳng phải một nhà chính trị hiểu theo nghĩa thủ đoạn, cụ trước sau vẫn là một thầy giáo khả kính, muốn lo âu cho nước, giống như dạy học, cụ lo cho đám môn sinh. Cho nên khi tìm kiếm Bộ trưởng, tìm không được nhân tài như ý muốn, cụ đã để lại câu nói bất hủ: “Qua ra chợ kiếm mua cá kình, cá voi không được, đành phải lượm về ít tôm tép”.
Sự liêm khiết, tinh thần bất vụ lợi của cụ chính là sức mạnh chính trị to lớn của cụ. Ông Thiệu và ông Tấn hẳn là không nhìn thấy sự thật đơn giản này, cho nên mới tình nghi luôn cả cụ Hương, vì thế nên mới cật vấn tôi: “Mỗi thứ bảy đến gặp cụ Hương làm gì?”.
Là nhà cầm quyền vạn năng, quí ông không biết tôi gặp cụ Hương làm gì hay sao? Các ông có biết, ở Di Linh xa xa Thủ đô có một trại cùi? Một Đức cha cả chục năm trời là người đứng đầu trại cùi này, đã để cả cuộc đời ngài săn sóc cho những con người bất hạnh bị đời bỏ quên.
Đức cha bị suy nhược vì bệnh cùi truyền nhiễm, biết rằng mình sắp trở về nước Chúa. Niềm ưu tư của ngài là những người bị bịnh cùi mà ngài đã bảo vệ, nuôi dạy trong mấy chục năm qua, nay phải bàn giao trại cùi này cho ai?
Trại cùi cần mỗi tháng cần một số tiền lên tới 300.000 bạc, tiền thời bấy giờ. Thiếu số tiền này, công việc sẽ sụp đổ. Cụ Hương là người nhân từ, đã giới thiệu tôi với Đức cha, và sau nhiều tháng đắn đo, đã chọn Nguyễn Tấn Đời là người giúp cho việc này. Ân nghĩa, quý mến nhau, chỉ vì như thế.
Nói thêm về cụ Hương, Nguyễn Tấn Đời cầm cả mấy chục tỉ bạc của cả nước trong tay, đương nhiên có một uy lực. Đồng tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng cụ Hương là một nhân vật chính trị liêm khiết, không dùng tiền lay chuyển được.
Hình ảnh tưởng tượng, liên danh “Hương – Đời” cũng như “Minh – Đời” đương nhiên làm cho ông Thiệu cảm thấy ghế Tổng thống của ông bị lung lay. Những tin đồn thật ác nghiệt, lắm lúc làm cho ông Thiệu nghi ngờ mù quáng…
Bây giờ nhìn lại bối cảnh xã hội lúc đó, Sài Gòn như một hòn đảo chìm sâu trong đại dương tin đồn, nhiều người không tự chủ sẽ không thể ngoi lên mặt nước đen ngòm, để thở lấy chút dưỡng khí thật sự, ác nghiệt hơn nữa, tin đồn còn khoác cho tôi:
“Tham vọng muốn chạy đua vào ghế Tổng thống”. Cho nên tôi phải tìm hậu thuẫn của tướng Minh, cụ Hương. Để cho có vẻ chính xác hơn, có lúc họ phóng ra tin đồn: “Nguyễn Tấn Đời được Mỹ bật đèn xanh. Người Mỹ muốn chế độ dân sự, Nguyễn Tấn Đời đã được chọn”.
Riêng chính tôi, chẳng thấy đèn xanh, đèn đỏ chính trị nào cả. Vì lý do đơn giản là tôi không đi trên những con lộ đó. Tôi không tìm kiếm những con đường có những ngọn đèn đó.
Nhưng, trên cương vị của ông Thiệu, ông đã không giữ được bình tĩnh cần có của một nguyên thủ quốc gia. Vì vậy, ông đã “bật đèn xanh” cho nhân viên an ninh của ông mang tôi vào ngục tối, đánh sập tất cả cơ nghiệp của tôi dựng lên bằng hai bàn tay trắng, mồ hôi nước mắt riêng tôi…”.
(Còn tiếp)