Uẩn khúc phía sau bi kịch 8 năm tù của người đàn bà nhận tiền chạy việc

(PLO) - Việc nhận tiền để “chạy việc” không thành khiến những người trong cuộc tố cáo lẫn nhau và kết cục là bản án 8 năm dù dành cho người vừa là bị cáo vừa là bị hại.
Bà Lê Thị Chắt tại tòa
Bà Lê Thị Chắt tại tòa

Theo tố cáo của bà Vũ Thị Loan, trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, do tin tưởng bà Lê Thị Chắt (tên khác là Phú) nên trong năm 2009, bà Loan đã đưa cho bà Chắt hơn 1,1 tỷ đồng để “chạy việc” cho một số người vào các cơ quan nhà nước, đặc biệt là vào ngành công an. Kèm theo đơn tố cáo là các giấy tờ chứng minh bà Lê Thị Chắt đã nhận tiền để chạy việc.

Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã trưng cầu giám định các chữ ký trên giấy nhận tiền và kết luận, chữ ký trên là của bà Chắt. Sau đó, bà Chắt đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì lý do nói dối là có khả năng lo việc cho người khác để chiếm đoạt tài sản của bà Loan.

Kết thúc điều tra, CQĐT đã kết luận sự việc khác đơn tố cáo về số tiền bà Chắt đã nhận của bà Loan để “chạy việc cho người thân”. Theo đó, chỉ có cơ sở xác định bà Chắt nhận của bà Loan 800 triệu đồng, đã trả được 362 triệu đồng, còn lại 438 triệu đồng chưa trả được.

Mặc dùi kết luận bà Chắt chiếm đoạt số tiền 438 triệu đồng của bà Loan, nhưng VKS TP Hà Nội lại truy tố bà Chắt theo khoản 5, điều 139 BLHS với số tiền chiếm đoạt  là 800 triệu đồng. Đây không phải là mâu thuẫn duy nhất trong vụ án này. Giải thích về việc tại sao kết luận bà Chắt chiếm đoạt 438 triệu đồng nhưng lại truy tố bà Chắt với hành vi chiếm đoạt 800 triệu, đại diện VKS cho rằng, số tiền bà Chắt trả lại cho “bị hại” chỉ là khắc phục hậu quả, hành vi phạm tội phải bị truy tố là toàn bộ số tiền đã nhận của bị hại. 

Luật sư Lê Văn Kiên, bào chữa cho bị cáo cho rằng, quan điểm này không chỉ  thể hiện sự thiếu nhất quán của VKS trong việc giải quyết vụ án mà còn cho thấy những đánh giá thiếu khách quan, nhiều uẩn khúc trong việc giải quyết vụ án liên quan đến “đường dây chạy việc” mà bà Chắt vốn chỉ là một mắt xích. 

Cụ thể, VKS cho rằng, việc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành khi bà Chắt nhận 800 triệu của bà nên dù bà Chắt có trả hết số tiền trên thì vẫn bị truy tố với khung hình phạt lên đến chung thân, và việc trả hết tiền chỉ là… khắc phục hậu quả. Nếu quan điểm của VKS là đúng thì trong vụ án này, VKS đã để lọt rất nhiều tội phạm, trong đó có cả người được coi là bị hại của vụ án này.

Phạm Bá Tùng viết giấy nhận tiền của bà Lê Thị Chắt
 Phạm Bá Tùng viết giấy nhận tiền của bà Lê Thị Chắt

Theo nội dung sự việc đã được làm rõ, bà Vũ Thị Loan, bị hại của vụ án cũng đã nhận tiền của rất nhiều người để “chạy việc”. Hồ sơ vụ án đã ghi nhận, bà Loan đã nhận tiền của 13 người, sau đó đem số tiền đã nhận đến gặp và đưa cho bà Chắt để đi chạy việc. Như vậy, việc bà Loan có trả lại tiền đã nhận để chạy việc  thì cũng là… khắc phục hậu quả?

 Bà Lê Thị Chắt cũng không phải là người trực tiếp đem tiền đó đến các cơ quan “có việc” để xin xỏ, mà lại đưa tiền cho 3 người khác là Vũ Văn Thắng, Phạm Bá Tùng và Đồng Xuân Phong. Nếu VKS cho rằng, việc nói dối là có thể “xin việc” để nhận tiền của người khác là phạm tội lừa đảo và việc trả lại tiền chỉ là khắc phục hậu quả thì rõ ràng, bị hại trong vụ án này là bà Vũ Thị Loan cũng  phải bị truy tố về tội danh như đối với bà Chắt. Ngược lại, nếu quan điểm này là sai, VKS cũng cần phải rút lại phần truy tố không đúng đối với bà Chắt.

Trong vụ việc này, bà Chắt không phải là người cầm tiền sau cùng mà chỉ là người đứng ra môi giới. Hiện nay, hai người đã cầm số tiền mà bà Loan đưa cho bà Chắt chính là Vũ Văn Thắng và Phạm Bá Tùng. Nhưng CQĐT và VKS không truy cứu trách nhiệm hai người này mà để xử lý vào dịp khác, như vậy có phải là mọi tội lỗi đều đổ lên đầu bà Lê Thị Chắt còn hai người thực chất đã chiếm đoạt tiền thì vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Cách xử lý này hoàn toàn không thỏa đáng, có thể biến bà Chắt từ chỗ là bị hại như bà Loan thành người chịu tội thay kẻ chiếm đoạt thực sự.

Ngoài ra, khi xét xử vụ án này còn hé lộ nhiều tình tiết cho thấy, bị cáo và bị hại có quan hệ với nhau từ rất lâu. Trước đó, ông Nguyễn Thanh  Hải là chồng của bà Vũ Thị Oanh đã nhận tiền của một số người ở Nghệ An để lo cho họ đi xuất khẩu lao động nhưng không được. Ông Hải đã không trả lại tiền cho họ mà chính bà Chắt đã đứng ra trả thay 500 triệu đồng. Đây cũng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì người không có chức năng môi giới lao động làm việc ở nước ngoài nhưng đã nhận tiền mà không trả. Không hiểu sao, VKS Hà Nội đã không xử lý mà lại coi đó là tranh chấp dân sự?

Ngày 24/8 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ án này và kết án bà Lê Chị Chắt với mức hình phạt là 8 năm tù giam theo đề nghị của VKS. Với kết quả xét xử như thế này, phiên tòa sơ thẩm chưa thể khép lại vụ án mà chỉ là thời điểm bắt đầu cho những ngày kêu oan kéo dài của người mang thân phận vừa là bị cáo, vừa là bị hại. Vụ án cần phải được xem xét lại.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm