Dù biết nguyên tổng giám đốc và nguyên trợ lý hội đồng quản trị không còn làm ở công ty và có những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại vật chất cho các bên góp vốn, nhưng đối tác nước ngoài vẫn cố giữ họ làm “thẻ bảo đảm” bên mình, cùng với những hành xử bất chấp quy định pháp luật…
|
Trụ sở Công ty KVS |
Bảo vệ người “rút ruột” công ty
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, cách đây chưa lâu ông Cao Văn Sơn, chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần chứng khoán Kenaga Việt Nam (KVS) làm đơn gửi tới cơ quan công an tố nguyên tổng giám đốc Nguyễn Việt Hải và trợ lý HĐQT Nguyễn Thị Thanh Hằng (đều là thành viên HĐQT) trong thời gian làm việc tại Công ty chứng khoán KVS đã “rút ruột” công ty. Khi bị phát hiện, ông Hải, bà Hằng cùng đột ngột bỏ việc không đến công ty, không bàn giao, không đối chiếu công nợ theo quy định.
Sau khi chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán KVS gửi công văn tới cơ quan công an “tố” việc này, xác minh bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Tp. Hà Nội xác định, Nguyễn Việt Hải cùng các đối tượng liên quan ký khống 3 hợp đồng với Cty TNHH thương mại dịch vụ và đầu tư phát triển Tùng Anh về việc mua sắm trang thiết bị văn phòng, bảo trì và thuê máy photocopy để rút hơn 333 triệu đồng. Nguyễn Việt Hải đã thừa nhận hành vi này.
Do xảy ra sự việc trên, ông Cao Văn Sơn – với tư cách chủ tịch HĐQT, đã đề xuất các thành viên HĐQT phía liên doanh là Tập đoàn tài chính ngân hàng Kenaga Malayxia (KNKH) đồng thuận thực hiện miễn nhiệm ông Hải, bà Hằng để bổ sung các thành viên HĐQT mới, nhưng phía Kenaga Malaysia không đồng ý, trong khi đó, lại luôn dùng cả phiếu của hai người này để “ép” HĐQT thực hiện các yêu cầu của họ. Vì vậy, các cuộc họp HĐQT kể từ khi sự việc xảy ra đều bất thành.
Động thái này của đối tác ngoại không những khiến cho nội bộ công ty chia rẽ, mà còn khiến cho phía Việt Nam và cán bộ nhân viên Ctông y KVS hết sức hoang mang. Bởi lẽ, không hiểu tại sao những người đã được cơ quan chức năng xác minh là “rút ruột” công ty, làm mất uy tín của công ty trên thị trường chứng khoán, lại vẫn được đối tác ngoại tìm cách giữ lại mà không bận tâm đòi khoản tiền đã mất hay việc họ còn xứng đáng ở trong HĐQT nữa hay không.
Theo tỷ lệ góp vốn, HĐQT 7 người được chia cho phía Việt Nam 4, phía Malaysia 3 người. Nhưng, một điều lạ là, trong khi phía Việt Nam đang nỗ lực xử lý “hậu quả” từ hành vi “rút ruột” và bỏ việc, thiếu hợp tác của 2 thành viên HĐQT – những người được cử tham gia HĐQT để bảo vệ quyền lợi của các cổ động Việt Nam, thì phía Malaysia khư khư tìm cách giữ, bất chấp việc tôn trọng pháp luật và đối tác Việt Nam.
Tự phong chủ tịch hội đồng quản trị?
Trong khi những mâu thuẫn nội bộ còn chưa được giải quyết ngã ngũ và vẫn đang được đặt trong sự quan tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thì người đại diện cho đối tác nước người tại KVS đã tự ý dẫn người vào công ty, tự xưng mình là “chủ tịch HĐQT mới” và đòi giữ con dấu của công ty nhưng không thành.
Luật sư Phạm Thanh Bình, giám đốc Công ty luật Bảo Ngọc, cho rằng, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì việc bầu, miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT do đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT thực hiện. Ngoài ra, tại Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 của Bộ Tài chính cũng quy định, công ty chứng khoán đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, khi thay đổi người đại diện theo pháp luật phải đề nghị UBCKNN cấp bổ sung, sửa đổi giấy phép thành lập và hoạt động.
“Đến nay, Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT cty KVS chưa chính thức có quyết định nào thay đổi người đại diện theo pháp luật, chưa có sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, vì vậy, việc một cá nhân người Malaysia trong Cty KVS đứng ra tự nhận là Chủ tịch HĐQT mới của Công ty KVS là trái với quy định pháp luật” - Luật sư Phạm Thanh Bình nhận định.
Hành xử của đối tác ngoại ở Công ty KVS quá khó hiểu vì đang khiến cho công ty mất đoàn kết, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, số tiền đã bị chiếm đoạt, nếu không thể thu hồi, cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của họ, vì họ có sở hữu tới 49% ở công ty này…
Bách Linh