Sáng bảo bình thường, chiều đã chết lưu?
Anh Nguyễn Đức Long (SN 1980, ngụ thôn Thượng Thiên, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa tổ chức an táng cho vợ mình là chị Vì Thị Trà (SN 1982) cùng thai nhi 8 tháng tuổi chết lưu.
Vợ chồng anh Long có với nhau một con gái và chuẩn bị đón con thứ hai. Khi chị Trà mang thai tuần thứ 32 thường có triệu chứng tức ngực, khó thở. Sáng 3/10 vừa qua, anh Long chở vợ ra Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo để khám, nhập viện và được đưa đến Khoa sản.
Một nữ bác sĩ ở đây đưa cho anh giấy giới thiệu đi gặp bác sĩ Hoàng Việt Hùng ở Khoa chẩn đoán hình ảnh để siêu âm. Sau khi siêu âm xong, bác sĩ Hùng bị cho rằng bảo “Thai nhi khỏe mạnh bình thường”, dặn chị Trà về nhà uống càng nhiều nước càng tốt để khắc phục tình trạng thiếu nước ối.
Anh Long cho biết: “Khi nghe bác sĩ Hùng thông báo kết quả siêu âm tôi rất yên tâm và cầm kết quả rồi đưa vợ về lại Khoa sản đưa cho bác sĩ Hà Thị Minh Tuyết - Trưởng khoa. Bác sĩ Tuyết cũng kết luận thai nhi bình thường và kê đơn mua 30 viên sắt về uống. Trước khi ra về, tôi còn hỏi bác sĩ Tuyết cần làm gì thêm nữa không? Bác sĩ Tuyết bảo không, nói thai nhi bình thường, chỉ cần uống viên sắt là được…”.
Anh Long cho biết thêm, các bác sĩ còn căn dặn sau một tháng đi khám lại. “Tôi đưa vợ về nhà nằm nghỉ, sau đó đi ra đồi chè để làm cỏ. Đến 17h30 cùng ngày, khi vào đến nhà thì thấy vợ rất yếu nên tức tốc đưa vợ ra Bệnh viện Đa khoa khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo khám lại.
Sau khi siêu âm xong, bác sĩ Hùng nói với tôi rằng thai nhi bị nhiễm độc nên “chết lưu”?. Đồng thời khuyên tôi nên đưa vợ xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Trên đường đi sức khỏe vợ tôi yếu dần. Khi đến nơi, một nữ y tá tên Ngọc ra dẫn vào đo huyết áp, siêu âm và cũng nói là thai bị lưu”, anh Long kể.
Mẹ con cùng tử vong
Anh Long bức xúc kể lại: “Khi nhập viện Đa khoa Đức Thọ, tôi có hỏi y tá Ngọc là giờ xử lý như thế nào? Có mổ để cứu tính mạng vợ tôi không? Y tá này trả lời, trường hợp này không cần phải mổ mà cứ để Khoa sản lo. Nghe vậy tôi cũng yên tâm, thế nhưng một lúc sau vợ tôi lại có biểu hiện tức ngực, khó thở ở mức trầm trọng nên tôi đã tìm gặp bác sĩ Nguyễn Minh Đức - Trưởng Khoa sản thì được ông này giải thích rằng đó là do tư tưởng lo lắng và mất ngủ mấy ngày nên vậy và dặn rằng, “sau khi lấy được thai lưu ra về nhà nghỉ ngơi là khỏe lại. Thai cao tuần tuổi nên dễ mất máu nhiều”. Vợ tôi được cho uống 2 viên thuốc bảo là để hạ nhiệt cho dễ ngủ, nhưng uống xong vẫn không ngủ được. Hỏi y tá Ngọc thì không trả lời”.
Sáng hôm sau (4/10), chị Trà được một y tá đo huyết áp và nói hơi thấp. Nghe vậy, anh Long đi tìm bác sĩ Trần Văn Nhân – Phó Giám đốc để trình bày, thì bác sĩ Nhân bảo cứ xuống trước, một lúc ông sẽ xuống. Thế nhưng, đến 9h30 thì ông Nhân mới xuống rồi bảo anh Long đưa vợ vào phòng khám, truyền dịch để kích thích mở tử cung.
Tuy nhiên, sau 3 giờ, thai vẫn không ra được, trong lúc đó chị Trà có triệu chứng liệt tay, chân bên phải nên anh Long hoảng sợ, hét lên. Sau đó, một số y tá, bác sĩ vào tiêm nên chị Trà đỡ hơn. Tiêm xong, bác sĩ Nhân dùng tay đưa vào cổ tử cung kiểm tra rồi bảo rằng thai nhi sắp ra và dặn anh Long đi mua đồ sẵn về đó để khâm liệm cho thai nhi. Nhưng khi anh Long quay về vẫn chưa lấy được thai ra.
Đến 13h ngày 5/10, thai nhi mới được bác sĩ Nhân và ê kíp lấy ra và được thông báo phải chuyển chị Trà lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu. “Khi bác sĩ Nhân cùng ê kíp lấy thai nhi ra nói là con gái. Lúc này chị gái tôi lâm vào tình trạng nguy kịch, cả gia đình tôi như “chết đứng””, em gái chị Trà nói.
Đến 15h, chị Trà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu trong tình trạng phải thở bằng ô xy và bơm bóng. Đến nơi, chị Trà được đưa thẳng vào phòng cấp cứu rồi đưa lên phòng mổ. 15 phút sau, anh Long được các bác sĩ ở đây thông báo là tình trạng của chị Trà rất xấu nên cần phải theo dõi. Trong tử cung của chị Trà có một mảnh xương dài 8cm và rộng 2,5cm.
Anh Long đau đớn: “Các bác sĩ bảo không biết đó là xương của mẹ hay xương của thai nhi. Tôi nghi ngờ đó là xương chậu của vợ bị các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ làm gãy trong lúc cố lấy thai nhi ra, bởi quá trình khâm liệm cháu vẫn bình thường”.
Đến 20h, các bác sĩ thông báo ca mổ thành công, rồi đưa chị Trà đến Khoa hồi sức tích cực. “Tôi được một bác sĩ nam thông báo, tình trạng của vợ tôi rất xấu và cần phải lọc máu, nếu không sẽ tử vong và có lọc thì rủi ro vẫn cao. Để cứu vợ, tôi đồng ý ngay. Tuy nhiên, đến 21h30 thì các bác sĩ gọi thông báo rằng, vợ tôi đã tử vong và đề nghị gia đình đưa về nhà an táng”, anh Long kể.
Bệnh viện có làm hết trách nhiệm?
Trao đổi về sự việc, bác sĩ Trần Văn Nhân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ, người trực tiếp thăm khám và thực hiện lấy thai lưu cho chị Trà, cho rằng: “Đối với trường hợp thai lưu không bao giờ ai mổ cả… Về phần chuyển lên viện tuyến trên là do liệt tay chân phải. Quá trình lấy thai nhi ra, do thai mới chết lưu còn chưa bong da. Khi sử dụng kẹp gắp thai cũng không bị trầy xước gì và còn nguyên vẹn”.
Khi chuyển lời thắc mắc của gia đình tại sao lại có một mảnh xương ở trong cổ tử cung của chị Trà được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh phát hiện, ông Nhân cho rằng: “Làm gì có, xương chậu ai làm gì mà bong ra”.
Bác sĩ Hoàng Việt Hùng, người trực tiếp siêu âm cho chị Trà giải thích: “Trong buổi sáng khi siêu âm cho chị Trà thì tôi thấy mọi chỉ số rất bình thường. Tuy nhiên, đến buổi chiều, khi chị này được đưa đến trong tình trạng rất yếu, qua siêu âm thì tim thai âm tính. Thai mới lưu rất gần, bởi nếu lưu lâu thì đã bị bong da đầu. Tôi thấy quá áy náy, trong khi chuyển viện, tôi còn bảo anh Long đưa chị Trà về phòng khám riêng của mình để siêu âm lại lần nữa với hy vọng kết quả ở bệnh viện là sai nhưng đều thất vọng. Việc thai nhi chết lưu rất khó tiên lượng…”.
Còn bác sĩ Hoàng Quang Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cho biết: “Bệnh nhân Trà nhập viện vào lúc 20h 5/10. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu. Quá trình thăm khám cấp cứu các bác sĩ phát hiện một mẩu xương trong cổ tử cung. Nguyên nhân tử vong là do suy hô hấp, trụy tim mạch, hôn mê…”.