Cuộc “vượt cạn” kỳ tích của sản phụ tâm thần đẻ rơi ngoài bụi sả

(PLO) -Mẹ bị tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam nên lúc lọt lòng, Hoàng bị đẻ rơi ngoài bụi sả. Em sống được là nhờ bà ngoại kịp thời phát hiện đưa vào cắt rốn, sưởi ấm. Không cha, mẹ lại bị điên nên đứa trẻ đó lớn lên nhờ những bát nước cơm mà bà ngoại chắt cho uống. Thế nhưng chỗ dựa duy nhất đó cũng không còn nữa khi mẹ ra đi vì đuối nước, ông bà cũng đổ bệnh. Giờ đây đứa trẻ 7 tuổi ấy phải tranh thủ đi nhặt ve chai.
Từ khi mẹ mất, cháu Hoàng được bà ngoại nuôi nấng
Từ khi mẹ mất, cháu Hoàng được bà ngoại nuôi nấng

Bản năng làm mẹ

Căn nhà mà cậu bé Đăng Trọng Hoàng (SN 2009, ngụ xóm 7, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đang ở với ông bà ngoại nằm tách biệt khỏi khu vực dân cư. Đó là một ngọn đồi cằn cỗi, chỉ có mấy hộ gia đình sinh sống.  

Đến nay, dù đã 7 tuổi nhưng trông em nhỏ thó như đứa trẻ lên 5. Thân hình còi cọc, đen nhẻm càng khiến đứa trẻ ấy thêm tội nghiệp. Ở nhà, Hoàng được mọi người gọi bằng cái tên đặc biệt: “Thằng sả”. Cái tên đó gắn liền với em từ lúc lọt lòng với một kỷ niệm. 

Theo lời kể của bà ngoại Nguyễn Thị Niêm (SN 1954), mẹ em, chị Nguyễn Thị Quyên (SN 1987) bị thần kinh bẩm sinh. Trí tuệ chậm phát triển, ngờ nghệch, hai tay bị bại liệt, thần kinh không ổn định nên suốt ngày chị chỉ quanh quẩn trong nhà, thi thoảng đi lang thang trong xóm.

Mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ người thân giúp đỡ. Ấy vậy mà, vào năm 2008, có kẻ đã làm chuyện người đồi bại, rồi chị có thai trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. “Vì con bị bệnh nên chúng tôi chẳng mấy để ý.

Cho đến một ngày thấy cái bụng nó lùm lùm, tưởng bị ung thư hay bệnh gì vội đưa đi bệnh viện thì mới biết đã có bầu. Vì cái thai đã to nên đành giữ lại”, bà Niêm kể về chuyện buồn của đứa con áp út. 

Cậu bé Sả bên di ảnh người mẹ
Cậu bé Sả bên di ảnh người mẹ

Cho đến bây giờ, bà Niêm vẫn không quên ngày vượt cạn đáng nhớ, có một không hai của đứa con ngây dại. Bà kể đêm khuya một ngày mùa hè năm 2009, con gái bỗng kêu đau bụng, muốn đi vệ sinh. Nghe vậy, bà liền dẫn con ra góc vườn để “giải quyết” chuyện tế nhị. Nhưng ngồi đợi gần 30 phút vẫn không thấy con gái trở vào nhà. 

Đang trong lúc sốt ruột lại bất ngờ nghe tiếng trẻ con khóc, bà Niêm vội cầm đèn pin chạy ra sau vườn thì chứng kiến cảnh tượng bất ngờ. Con gái bà gương mặt ngờ nghệch, cách đó không xa, một đứa trẻ đỏ hỏn đang nằm trên bụi sả.

“Thằng cu được mẹ nó cắt rốn, dùng sợi dây buộc lại từ khi nào, nằm khóc thét. Thấy vậy, tôi liền chạy đến bồng vào nhà dùng khăn lau sạch, rồi kêu người đến buộc dây rốn lại. Còn con gái thì được tôi thay áo, đưa vào giường nằm nghỉ”, bà Niên nhớ lại và lý giải, có lẽ bản năng làm mẹ đã giúp chị Quyên “vượt cạn” thành công. 

Ngay hôm sau, cuộc vượt cạn của người mẹ tâm thần lan truyền khắp làng trên xóm dưới. Ai ai cũng tỏ ra bất ngờ trước kỳ tích đó. Họ cũng vui mừng khi người nhà kịp thời phát hiện sự việc, chứ nếu không, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Có điều người mẹ tâm thần không biết chăm sóc, cho con bú như bao người khác. Vậy nên mỗi lần cháu đói, bà ngoại lại phải giữ chặt người chị Quyên cho cháu được bú. Nhưng cũng chỉ được một tháng, vì nhiều lý do, nhất là việc mẹ không ăn uống đầy đủ nên bị “mất sữa”.

Vậy là bà Niêm dù đang đau ốm nhưng phải chạy vạy kiếm tiền mua sữa cho đứa cháu tội nghiệp. Ngặt nỗi nhà nghèo, Sả cũng chỉ được ăn sữa “bữa đực bữa cái”. Những lúc như vậy, bà Niêm chỉ biết chắt nước cơm, pha thêm chút muối, đường cho cháu uống qua ngày. Vì ăn uống thiếu chất, lớn lên trong sự thiếu thốn trăm bề nên càng ngày Sả càng gầy gò, ốm yếu. 

Lầm lũi đi nhặt ve chai

Cuộc sống trong khó nghèo của gia đình này cứ trôi đi. Cho đến một ngày đầu tháng 6/2014, chị Quyên bị sẩy chân xuống ao nước. Ngày mẹ mất, Sả chỉ mới là cậu bé hơn 4 tuổi nên chưa hề biết chuyện gì. Em hồn nhiên cười nói khi thấy nhiều người hôm ấy đến nhà mình. Cậu bé Sả phải sống trong cảnh nghèo khó cùng ông bà ngoại bệnh tật, trong sự thiếu thốn trăm bề giữa đồi núi hoang vu.

Đến nay, dù đã 7 tuổi nhưng Hoàng cao chưa đầy 1m, nặng 14kg. Hàng ngày ngoài nấu cơm giúp bà, ông nội bị nhiễm chất độc da cam, những lúc nghỉ học Sả còn đi nhặt ve chai, bao bì về bán. Có hôm, nhiều người chứng kiến Sả một tay ôm cặp, tay kia lôi theo chiếc bì đã cũ, đựng mấy lon nước ngọt người đi đường vứt lại. 

Nơi tá túc của cậu bé và ông bà ngoại nằm tách biệt với khu dân cư
Nơi tá túc của cậu bé và ông bà ngoại nằm tách biệt với khu dân cư

Chỉ tay vào hai bao bì đựng đầy các loại chai nhựa ở góc nhà, Sả khoe: “Dịp hè cháu nhặt ve chai bán được gần 200 nghìn rồi. Hôm thì cháu ra làng nhặt, hôm thì đến khu vực thao trường của bộ đội tập bắn súng nhặt vỏ đạn”, đôi mắt cậu bé 7 tuổi sáng ngời vì niềm hạnh phúc chỉ là bì ve chai lớn.

Đang ngồi nói chuyện, Sả được người hàng xóm cho cái bánh. Em nhanh nhảu ngồi xuống bên đống củi, bóc ra ăn ngon lành. Nhìn đứa cháu tội nghiệp, bà Niêm nghẹn ngào:

“Tôi có tội khi không lo được cuộc sống đầy đủ cho cháu. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nên đành phải chấp nhận khổ cực.

Từ năm ngoái đến nay, em được hưởng chế độ trẻ em mồ côi với 405 nghìn đồng/tháng. Tất cả số tiền đó đều được chúng tôi cất lại để lo học phí sau này, một ít dùng để bồi bổ cho cháu. Cháu bị suy dinh dưỡng quá nặng”. 

Khi được hỏi về mong ước của mình, Sả hồn nhiên nói “cháu mong được làm bộ đội để có sức khỏe, tự nuôi bản thân. Chứ sau ni ông bà chết đi, cháu không biết sống với ai nữa”. Nghe đứa cháu hồn nhiên, bà Niêm bật khóc. 

Nói về nguồn cơn dẫn đến bệnh tật trong nhà, bà Niêm kể năm 1981, sau đi xuất ngũ một thời gian, tính khí chồng bà thất thường. Do cha nhiễm chất độc da cam nên chị Quyên khi sinh ra cũng bị ảnh hưởng.

Con tâm thần, người cha Nguyễn Đăng Yêm (SN 1953) cũng mắc đủ chứng bệnh, thần kinh không ổn định, mắng mỏ vợ con suốt ngày. Đến nay ông Yêm vẫn vậy, nhiều đêm hai bà cháu phải chạy sang nhà hàng xóm gần đó để tá túc. 

Hiểu rõ bệnh tình chồng, nhưng vì nghèo, bà đành để ông ở nhà, khi nào bệnh nặng quá mới đi lấy thuốc. Cũng vì túng thiếu mà dù hai tay có triệu chứng giật giật mấy năm nay mà bà Niêm không dám đến bệnh viện.

Góc nhà, nơi đựng ve chai của hai bà cháu
Góc nhà, nơi đựng ve chai của hai bà cháu

“Tiền ăn còn chưa có thì lấy chi mà đi mua thuốc. Thôi thì còn khỏe ngày nào thì đi hái rau má, nhặt ve chai về bán. Cũng may, nhiều hôm có thằng Sả đi cùng, có bà có cháu nên cũng vui, đỡ vất vả”, bà lão tự an ủi mình.

Đọc thêm